Quốc hội đang đề xuất xử lý hình sự đối với tội phạm về môi trường thay vì chỉ xử lý hành chính nặng nhất vài chục triệu đồng như hiện nay.
Trước đây đúng là có tình trạng chính quyền địa phương chỉ chú trọng đầu tư các dự án phát triển kinh tế mà coi nhẹ vấn đề môi trường. Chính điều này mới dẫn tới việc các khu công nghiệp không có hoặc không sử dụng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường nhưng vẫn được cấp phép hoạt động trên địa bàn. Những vi phạm về bảo vệ môi trường để lại hậu quả lâu dài nên còn rất nhiều vấn đề phải khắc phục trong nhiều năm tới - ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội, trả lời phỏng vấn trên Báo Thanh Niên.
Qua nghiên cứu cho thấy, đến thời điểm này việc thành lập tòa chuyên trách về môi trường là cần thiết, cấp bách, bởi tòa môi trường là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Còn việc ô nhiễm môi trường sống của người dân do lịch sử để lại như xăng dầu, chất độc hóa học... ngấm vào đất gây ô nhiễm nguồn nước, có một thực tế là các địa phương thiếu tiền để xử lý.
Trong những năm qua, Quốc hội đã tiến hành giám sát 3 chuyên đề lớn: Kiểm soát ô nhiễm môi trường ở các khu kinh tế và làng nghề; Bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản và Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trước câu hỏi đặt ra là chế tài xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường còn quá nhẹ nên việc tái phạm và vi phạm mới vẫn diễn ra phổ biến, ông Nhâ thừa nhận rằng chế tài sẽ không còn là nhẹ khi được luật hóa vào các bộ luật có liên quan. Cụ thể, tội phạm về môi trường sắp tới cũng sẽ được xử lý hình sự khi bộ luật hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua.
“Quốc hội đang nghiên cứu và đề xuất trong bộ luật hình sự (sửa đổi) một chương về xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”, ông Nhân cho hay, “Xưa nay vẫn còn vướng là chưa xử lý hình sự được một vụ việc nào. Vụ Vedan lớn như vậy nhưng cũng chỉ xử phạt hành chính.”
Nếu vừa xử lý theo luật Vi phạm hành chính, phải khắc phục hậu quả gây ra về ô nhiễm môi trường; vừa xử lý hình sự thì chắc chắn tính răn đe sẽ cao hơn. Hiện chỉ xử lý bằng xử phạt hành chính nên các doanh nghiệp còn chưa thực hiện nghiêm túc.
Có cơ sở công nghiệp có đầu tư xây dựng xử lý nguồn nước thải nhưng thực chất là đóng cầu dao không... hoạt động, chỉ khi có đoàn kiểm tra đến thì mới bật cầu dao. Trừ những doanh nghiệp có ý thức trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ môi trường, còn mức phạt có mấy chục triệu đồng thì không khiến các doanh nghiệp coi đó là hình phạt nặng, đủ sức răn đe.
Nghiên cứu Đề án lập tòa môi trường để giải quyết ô nhiễm
Hiện nay các tranh chấp về môi trường được giải quyết bằng nhiều con đường khác nhau, như hành chính, dân sự, kinh tế, hình sự. Điều này khiến các vi phạm về môi trường nhiều nhưng không được giải quyết triệt để, mới chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính. Qua kết quả thống kê công tác xét xử đối với các tội phạm môi trường cho thấy, số vụ án về tội phạm môi trường được đưa ra xét xử chủ yếu tập trung vào 2 tội danh, đó là hủy hoại rừng và tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.
Để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, thực hiện sự phân công của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Tòa Môi trường ở Việt Nam – theo TTXVN.
Mặc dù ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tật và tử vong, nhưng cơ chế khiếu kiện trong lĩnh vực môi trường còn chưa rõ ràng, dẫn đến thiếu khả thi trong thực tế.
Theo báo cáo chỉ số Công lý do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) thực hiện năm 2012 (kết quả hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển & Hỗ trợ Cộng đồng và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc), gần 31% người được phỏng vấn cho biết họ đang sống trong môi trường bị ô nhiễm. Nhưng chỉ có 12% trong số đó có khiếu kiện, hoặc kiện tới chính quyền để yêu cầu khắc phục và bồi thường thiệt hại. Trong số 12% này chỉ có 30% được giải quyết, 48% chưa giải quyết xong và 22% không được giải quyết và không hề có hồi âm.
Điều này dẫn đến người dân bị đẩy vào tình thế bắt buộc phải gây áp lực nhằm đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình. Những vụ việc người dân tự ý lấp cống xả thải Khu công nghiệp Thụy Vân ở Phú Thọ, vụ Nhà máy sản xuất tấm lợp Fibro xi măng ở Phả Lại, vụ Nicotex Thành Thái ở Thanh Hóa… đã ngày càng trở nên phổ biến hơn, làm ảnh hưởng đến sản xuất và gây mất an ninh trật tự xã hội.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Tùng, Viện Khoa học Xét xử-Tòa án Nhân dân Tối cao, cho rằng: Giải quyết các tranh chấp môi trường và công tác xét xử các vụ liên quan đến môi trường cũng đang dần hướng tới sự chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, nhiệm vụ của tòa án sẽ càng rõ ràng hơn. Để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, thực hiện sự phân công của ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, tòa án nhân dân tối cao đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập tòa môi trường ở Việt Nam.
Việc thành lập tòa môi trường là biểu hiện của sự chuyên nghiệp hóa trong xét xử các vụ án liên quan đến môi trường nhằm khắc phục trở ngại trước mắt của công tác bảo vệ môi trường, giải quyết tranh chấp, nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường truy cứu trách nhiệm, thúc đẩy cải cách vấn đề môi trường. Đây là bước đi cụ thể để thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế, mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với mô hình tổ chức tòa án của nhiều nước trên thế giới.