Lai Châu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

Cập nhật: 04/06/2015
Việc tìm ra sản phẩm du lịch đặc thù đảm bảo được “tính hấp dẫn, độc đáo, nguyên bản và đại diện”, sau đó đưa sản phẩm đó vào khai thác phục vụ nhu cầu của du khách là vấn đề mà ngành du lịch Lai Châu đã trăn trở từ lâu và để tìm lời giải cho bài toán“sản phẩm du lịch đặc thù” lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
 

Cây cầu treo thơ mộng qua sông Nậm Mu dẫn du khách vào bản Nà Luồng.


Bài toán cho sản phẩm du lịch đặc thù


Xác định sản phẩm du lịch đặc thù mang tính địa phương không chỉ là vấn đề riêng của du lịch Lai Châu mà nó là bài toán chung cho du lịch khu vực Tây Bắc, nhìn lại chặng đường 8 tỉnh đã đi qua trong thời gian triển khai chương trình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (TBMR) là những sản phẩm du lịch na ná nhau, điều đó tạo ra sự nhàm chán cho du khách. Chính điều này đặt du lịch Lai Châu đứng trước một thách thức không hề nhỏ trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù đại diện cho địa phương trên tuyến du lịch Vòng cung Tây Bắc nhưng vẫn đảm bảo được tiêu chí đại diện, tiêu biểu, hấp dẫn, không trùng lặp với các tỉnh trong khu vực, tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan.
 

Để có thể từng bước xây dựng, hình thành sản phẩm du lịch đặc thù hướng tới phát triển du lịch Lai Châu một cách sâu rộng, bền vững cụ thể là sự đặc sắc, đa dạng trong văn hóa bản địa với những lễ hội, phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà, những làn điệu dân ca, dân vũ và cả những cảnh quan thiên nhiên mà từng bản làng người Thái trắng ở Vàng Pheo, bản người Mông ở Sin Suối Hồ, người Lào, Lự tại Bản Hon, Nà Luồng… đã và đang sở hữu… Chính những giá trị văn hóa đó sẽ là nguồn tài nguyên vô giá để chúng ta có thể bảo lưu, tái tạo nguyên bản nhằm khai thác phát triển loại hình du lịch cộng đồng du lịch kết hợp với nghiêm cứu, tìm hiểu văn hóa.

 

Không chỉ có những lợi thế về văn hóa bản địa mà Lai Châu còn là nơi sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ có giá trị về mặt tiềm năng như: Động Pusamcap, Tiên Sơn, thác Tác Tình, Cảnh quan dọc Sông Đà; các khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chữa bệnh - tắm nước khoáng nóng tại cao nguyên Sìn Hồ; Dào San; Vàng Pó; du lịch sinh thái đường sông; Hồ Đông Pao, các khu rừng nguyên sinh như Tà Tổng; Mường Tè xã; chân núi Hoàng Liên Sơn và một số đỉnh núi cao khác… Ngoài sự giao thoa về văn hóa và cảnh quan thiên nhiên Lai Châu còn là mảnh đất có khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới núi cao quanh năm mát mẻ, con người sinh sống trên mảnh đất Lai Châu hiền hòa, thân thiện và mến khách… Chính những tiềm năng đó sẽ là một trong những cơ sở để Lai Châu nghiên cứu hình thành sản phẩm du lịch đặc thù mang tính địa phương.
 

Hướng đi mới để phát triển du lịch


Thời gian qua, du lịch Lai Châu vẫn chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng thế mạnh để lựa chọn được sản phẩm du lịch thật sự nổi bật nhằm thu hút du khách. Năm 2015 du lịch Lai Châu xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung nghiên cứu, từng bước hình thành sản phẩm du lịch đặc thù mang tính địa phương nhưng phải đảm bảo tính nổi bật nhất để tạo ra sự khác biệt, hấp dẫn du khách tham quan.
 

Để làm được điều đó, trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cần nghiên cứu đối tượng khách du lịch, những nhu cầu của du khách khi đi du lịch họ mong muốn điều gì? Nếu chỉ đơn thuần tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù mà quên mất yếu tố bổ sung các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách thì sẽ khó có thể hấp dẫn du khách, khó kéo dài thời gian lưu trú của họ đặc biệt là khó lôi kéo du khách trở lại với Lai Châu những lần sau, như vậy sẽ làm giảm đi tính hấp dẫn của du lịch địa phương, điều đó đồng nghĩa với việc sản phẩm du lịch đặc thù không mang lại ý nghĩa cho sự phát triển du lịch của tỉnh.
 

Ngoài ra, cũng cần coi trọng việc gắn kết sản phẩm du lịch với người dân để sản phẩm đó mang nét văn hóa đặc trưng của địa phương, sản phẩm đó cũng cần đảm bảo được yếu tố liên kết với các địa phương trong khu vực Tây Bắc và trong quá trình nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù ngoài việc kết hợp khai thác loại hình di sản văn hóa, di sản cảnh quan thì việc gia tăng số lượng, loại hình dịch vụ trong cùng một sản phẩm du lịch cũng là một trong những yếu tố then chốt để làm nên sản phẩm mang đặc trưng của Lai Châu trong thời kỳ mới, để hình thành được sản phẩm du lịch đặc thù thì cần có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, ngành chức năng, các doanh nghiệp. Xây dựng sản phẩm du lịch một cách tuần tự, đảm bảm tính nguyên sơ, thân thiện và đặc thù sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút du khách tạo đà cho du lịch Lai Châu phát triển một cách bền vững.
 

Hy vọng với những nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong toàn tỉnh, đặc biệt là những người làm công tác du lịch, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù của Lai Châu trong thời gian tới sẽ được giới thiệu, quảng bá rộng rãi tới du khách trong và ngoài nước. Sản phẩm du lịch đặc thù của Lai Châu sẽ tạo ra điểm nhấn thu hút khách, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, từng bước thay đổi diện mạo của du lịch tỉnh./.

 

Nguồn: Báo Làng Việt