PV: Những năm gần đây, Quảng Ninh đã và đang nỗ lực chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế từ nâu sang xanh, xin ông cho biết những thành quả ban đầu của phương thức này mà Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua?
Ông Đặng Huy Hậu: Vấn đề chuyển một nền kinh tế từ nâu sang xanh là một việc làm rất khó đối với tỉnh chúng tôi bởi Quảng Ninh là một tỉnh công nghiệp mà lại có cả hoạt động dịch vụ du lịch. Những năm gần đây Quảng Ninh làm được những việc quan trọng trong chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế từ nâu sang xanh như: Quy hoạch lại việc phát triển kinh tế xã hội; Quy hoạch bảo vệ môi trường; Quy hoạch về khoa học công nghệ; Quy hoạch sử dụng đất và Quy hoạch ngồn nhân lực… Tất cả những quy hoạch này là nền tảng để có thể điều hành sự phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh theo một cái mạch chuẩn Quốc tế.
Quảng Ninh đã và đang triển khai các dự án của đề án quy hoạch trên theo hình thức giảm dần, chuyển dần tỷ trọng công nghiệp đặc biệt là công nghiệp khai khoáng và chuyển sang nâng tỷ trọng dịch vụ du lịch và một nền nông nghiệp an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, từ năm 2011 đến 2014, tỷ trọng công nghiệp than khoáng sản đã giảm từ 67% xuống còn 47%, dịch vụ du lịch tăng từ 34% lên 42% tỷ trọng nền kinh tế… đó là những con số hết sức thuyết phục về chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Ngoài ra, Quảng Ninh còn tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường như trong quá trình khai thác than, xử lý ô nhiễm môi trường ở các vùng trung tâm đô thị và đặc biệt là liên quan đến hoạt động dịch vụ du lịch. Một loạt các dự án đã triển khai và bước đầu thu lại kết quả tương đối tốt. Môi trường về du lịch đã từng bước được cải thiện và đương nhiên lượng khách du lịch đến Quảng Ninh mỗi năm đều tăng, năm 2014 lượng khách du lịch đã đạt trên 7 triệu lượt người và dự báo năm 2015 sẽ đạt trên 8 triệu lượt du khách. Quảng Ninh cũng đang cải tạo các vùng du lịch đặc biệt là liên quan đến chất lượng phục vụ du lịch nhất là vấn đề du lịch biển đặc biệt là vịnh Hạ Long, Bái Tử Long… đó là những việc mà chúng tôi nhận thấy có hiệu quả.
Một kết quả tiếp theo đó là nhận thức của người dân, của doanh nghiệp và cả cộng đồng đã có chuyển biến tích cực trong ý thức bảo vệ môi trường và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường cũng được nâng lên. Từ đó, bầu không khí chung của tỉnh Quảng Ninh về phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững đã được cả hệ thống chính trị, nhân dân trong tỉnh và du khách đã tiếp cận và hưởng ứng chương trình.
PV: Nhưng Quảng Ninh cũng đang đối mặt với những thách thức trong quá trình phát triển bền vững nhất là trong việc bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Đặng Huy Hậu: Thách thức lớn nhất và là mâu thuẫn cơ bản của Quảng Ninh chính là những mâu thuẫn trong phát triển kinh tế giữa công nghiệp khai khoáng, công nghiệp nặng với phát triển kinh tế dịch vụ du lịch. Vấn đề thứ hai đó là hạ tầng giao thông vẫn đang rất khó khăn và đương nhiên nó ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống và nâng cao về phát triển kinh tế xã hội. Một thách thức nữa là vấn đề biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng thì Quảng Ninh có đường ven biển dài đến 250km và một số địa bàn dân cư ở dưới mức mực nước biển thấp… đó là những nguy cơ tiềm ẩn của sự mất an toàn trong sản xuất và đời sống của nhân dân.
PV: Để Quảng Ninh phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra những nhóm giải pháp gì thưa ông?
Ông Đặng Huy Hậu: Trước hết đó là việc phải triển khai những quy hoạch mà Quảng Ninh đã đề ra một cách có bài bản và quản lý quy hoạch một cách nghiêm túc từ quy hoạch về phát triển kinh tế đến quy hoạch về xây dựng và đặc biệt là quy hoạch bảo vệ môi trường. Đây có thể coi là những tiền đề cho định hướng phát triển một cách bền vững.
Vấn đề thứ hai là việc nâng cao nhận thức từ lãnh đạo, từ cán bộ cho đến cộng đồng xã hội và từng người dân. Nhận thức này cũng cần mở rộng đến cộng đồng xã hội tức là mỗi du khách khi đặt chân đến Quảng Ninh cũng cần hiểu một điều đó là cần phải có ý thức về bảo vệ môi trường. Nếu làm được đồng thời những việc này thì tôi nghĩ rằng đây sẽ là một điều kiện rất tốt cho phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững hơn trong thời gian tới đây.
PV: Quảng Ninh có kiến nghị gì với các bộ ngành đặc biệt là Bộ TN&MT - cơ quan thường trực trong vấn đề bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu?
Ông Đặng Huy Hậu: Tôi nghĩ là về tổng thể thì Nhà nước cũng cần phải hoạch định về các chính sách, chiến lược đặc biệt là việc bảo vệ môi trường và thích ứng với nước biển dâng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng vùng miền cần phải có sự đầu tư thỏa đáng. Ví dụ những vùng động lực như Quảng Ninh thì các bộ trong đó có Bộ TN&MT cần có sự đầu tư và chỉ đạo sát sao hơn. Bên cạnh đó cần tạo thêm các nguồn lực như nguồn lực về tài chính, nguồn lực về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề nóng hiện nay trên tỉnh Quảng Ninh.
Một việc nữa rất quan trọng là việc vào cuộc một cách tích cực hơn nữa của các cơ quan báo chí, truyền thông. Vai trò tuyên truyền trong báo chí truyền thông là vấn đề không nhỏ nếu không muốn nói là cực kỳ lớn mà diễn đàn hôm nay do Báo TN&MT tổ chức cũng mang ý nghĩa này. Tôi ủng hộ và rất mong Báo TN&MT cùng các đơn vị tổ chức có thể nâng tầm diễn đàn để góp phần vào việc nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong mỗi người dân.
PV: Trân trọng cám ơn ông!