Nhìn lại chặng đường vinh danh
Dù được ví như “Hạ Long trên cạn” với gần 100 hang động tuyệt đẹp, con đường được công nhận của danh thắng này khá chông gai. Cuối năm 2011, Quần thể danh thắng Tràng An của Ninh Bình mới chính thức được Chính phủ phê duyệt để xây dựng hồ sơ đăng ký với UNESCO và được chấp thuận. Ban đầu khi xây dựng hồ sơ, Ninh Bình khá lúng túng, chưa tự tin lắm khi lập hồ sơ đề nghị công nhận Tràng An là di sản thiên nhiên thế giới. Bởi nếu chỉ xét trên tiêu chí về thiên nhiên, địa chất địa mạo, Tràng An rất dễ bị so sánh là giống Vịnh Hạ Long - khó có cửa được công nhận.
Tháng 3/2012, chuyên gia người New Zealand, Paul Dingwall đến Ninh Bình làm cố vấn. Cùng một số chuyên gia trong và ngoài nước, ông cũng tư vấn: ngoài tiêu chí 7 về cảnh quan thiên nhiên và tiêu chí 8 về địa chất địa mạo, địa phương có thể quan tâm đến tiêu chí 5 về văn hóa. Giải pháp nhấn vào yếu tố văn hóa qua khảo cổ học - hướng đi mới và cũng là thách thức mới cho Tràng An vì phải tìm ra mối liên kết giữa hai yếu tố tưởng chừng không liên quan. Trước đó, từ chục năm nay, Trường Đại học Cambridge (Anh) tích cực phối hợp với địa phương trong quá trình khai quật, khảo sát và đã có những kết quả khảo cổ quan trọng minh chứng cho một nền văn minh của người Việt cổ ở Tràng An.
Để có được kết quả này, trong nhiều năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, UBND tỉnh Ninh Bình và các cơ quan liên quan, cùng các nhà khoa học trong nước, quốc tế đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nhận diện giá trị di sản, trên cơ sở đó hoàn thiện bộ hồ sơ đề cử Quần thể danh thắng Tràng An có chất lượng khoa học cao. Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực to lớn nhằm bảo vệ di sản trước những tác động của thiên nhiên và con người, giữ nguyên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
Sau một năm vinh danh
Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết: Ngay sau khi Quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới; Ban chỉ đạo cũng đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động của tỉnh để quản lý, bảo vệ di sản; ban hành kế hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND để thực hiện nghị quyết nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý tạm thời về xây dựng trong khu di sản. Tổ chức 3 đợt tập huấn cho cộng đồng dân cư trong và ngoài vùng di sản hiểu về các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn di sản.
Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo việc bảo vệ các giá trị di sản, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các khuyến nghị của ủy ban Di sản thế giới. Trong đó tập trung vào các công việc như chỉnh sửa lại Bản đồ khoanh vùng bảo vệ di sản và gửi lại cho Trung tâm Di sản thế giới vào tháng 11-2014 đảm bảo đúng thời gian quy định.
Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã nhận được Bản dự thảo Tuyên bố giá trị nổi bật toàn cầu do Trung tâm Di sản thế giới gửi thông qua ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đề nghị cho ý kiến vào bản dự thảo. Sau khi nghiên cứu, Ban quản lý đã phối hợp với các chuyên gia tư vấn Việt Nam và quốc tế chỉnh sửa góp ý vào bản dự thảo Tuyên bố giá trị nổi bật toàn cầu và gửi lại cho Trung tâm Di sản thế giới vào ngày 23-4-2015. Tuy nhiên, trong chuyến tham quan và làm việc tại Quần thể danh thắng Tràng An, ông Tim Badman, Giám đốc chương trình di sản thế giới IUCN đã đề nghị hoãn lại một năm để chờ hoàn thiện kế hoạch quản lý di sản và giải quyết triệt để một số vấn đề về công tác quản lý bảo vệ của di sản.
Việc chỉnh sửa, bổ sung kế hoạch quản lý di sản, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khảo cổ học và các chuyên gia quốc tế đã tiến hành xây dựng xong đề cương chỉnh sửa, bổ sung Kế hoạch quản lý di sản. Ông Bùi Văn Mạnh cho biết: “Ban quản lý đã tham vấn ông Tim Badman, Giám đốc chương trình di sản thế giới về đề cương quản lý di sản, bản đồ dự kiến phân vùng quản lý di sản. Ông Tim Badman đánh giá cao về đề cương kế hoạch quản lý di sản và giới thiệu chuyên gia hỗ trợ trong quá trình xây dựng kế hoạch quản lý di sản”. Hiện nay, Ban quản lý đang tiếp tục phối hợp với các chuyên gia và đơn vị có liên quan tiến hành dự thảo kế hoạch quản lý di sản và bản đồ phân vùng quản lý di sản.
Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng đã phối hợp với Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường ký thỏa thuận tài trợ nghiên cứu với Trường Đại học Cambridge và Queens Vương quốc Anh để tiếp tục thực hiện chương trình nghiên cứu khảo cổ trong thời gian 5 năm từ 2015-2019. Đã phối hợp với Viện Khảo cổ Việt Nam tiến hành khai quật tại thung Nội Lấm thuộc Khu du lịch sinh thái Tràng An để làm rõ thêm các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích Hành Cung Vũ Lâm.
Về việc xác định các mốc giới, ranh giới vùng di sản, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đang phối hợp với Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản nghiên cứu, xác định tọa độ để cắm mốc giới, biển báo vùng lõi, vùng đệm của di sản. Tỉnh đang đôn đốc và phối hợp với Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch chung Quần thể danh thắng Tràng An trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thế giới.
Tổ chức đoàn công tác tham dự kỳ họp 39 của ủy ban Di sản thế giới tổ chức tại thành phố Bon, CH Liên bang Đức để tham vấn về đề cương Kế hoạch quản lý di sản, bản đồ phân vùng quản lý di sản, bản đồ khoanh vùng bảo vệ di sản.
Nhiều việc phải làm
Trong xu thế hội nhập quốc tế, việc ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An vào Danh mục di sản thế giới được xem là vấn đề cấp bách và có ý nghĩa lớn lao. Tuy nhiên, để bảo vệ và phát huy được các giá trị của di sản thế giới cho muôn đời sau thì ngay từ bây giờ chính quyền địa phương cũng như mỗi người dân cần xác định rõ trách nhiệm của mình. Trước mắt, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An tiếp tục phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Cục Di sản văn hóa, ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các chuyên gia quốc tế, đặc biệt các chuyên gia của IUCN và ICOMOS để triển khai việc hoàn thiện Kế hoạch quản lý di sản; tham vấn ý kiến của các chuyên gia quốc tế, các chuyên gia Việt Nam về dự thảo Kế hoạch quản lý di sản. Đặc biệt sẽ tranh thủ xin ý kiến các chuyên gia IUCN và ICOMOS tại kỳ họp thứ 39 của ủy ban Di sản Thế giới.
Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các huyện, thành phố vùng di sản lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ di sản. Điều chỉnh ranh giới vùng lõi và vùng đệm của di sản; tổ chức xác định toạ độ, cắm mốc phân định ranh giới vùng lõi và vùng đệm của di sản. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức, nghiệp vụ công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn di sản. Đào tạo kỹ năng nghiệp vụ nghề du lịch cho cán bộ, nhân viên các đơn vị quản lý khu, điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng để từng bước chuyên nghiệp hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch của khu di sản nói riêng và du lịch Ninh Bình nói chung.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường nghiên cứu giải pháp quản lý và phát triển du lịch bền vững gắn với di sản. Giảm thiểu sự quá tải và các tác động của hoạt động du lịch gây tổn hại đến di sản. Tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý các hoạt động xây dựng nhà ở dân sinh và các cơ sở dịch vụ tư nhân, dựng biển quảng cáo trái phép.
Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, dự án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hoá, cảnh quan môi trường du lịch trong vùng di sản. Tổ chức kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư trong khu vực di sản theo quy định. Đề xuất điều chỉnh các hạng mục dự án đảm bảo cảnh quan phù hợp với quy định của UNESCO.
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp với các ngành liên quan, cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền hình, báo, tạp chí chuyên ngành có uy tín./.