Trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) hiện có nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch như tham quan, lưu trú, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, mua bán hải sản, bán hàng lưu niệm, chèo đò, chèo thuyền kayak... Nhưng hầu hết các dịch vụ này đều tự phát, việc quản lý nhà nước chưa theo kịp thực tế phát sinh. Vì vậy, tình hình hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long của một số đơn vị còn lộn xộn, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của một di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Từ giữa năm 2014, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn tất việc di dời hơn 300 hộ dân ở các làng chài trên Vịnh Hạ Long lên bờ sinh sống. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn bám biển để mưu sinh nhờ việc nuôi trồng và kinh doanh hải sản. Theo thống kê của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, tính đến nay có khoảng 30 nhà bè ở khu vực Ba Hang và Hoa Cương, tổ chức nuôi trồng và kinh doanh hải sản, không thuộc diện được cấp nhà tái định cư.
Bà Phạm Thùy Dương, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết: Các hoạt động kinh doanh hải sản tại Ba Hang, Hoa Cương hiện nay còn chưa theo quy hoạch. Nhiều hộ kinh doanh và doanh nghiệp hoạt động tự phát, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, chưa tuân thủ các hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước và thiếu sự hợp tác với các cơ quan chức năng, vi phạm quy định về môi trường kinh doanh du lịch. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Trong đợt kiểm tra cao điểm hồi tháng 2/2015, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long phối hợp với UBND thành phố Hạ Long đã triển khai xử lý cưỡng chế và di dời đối với những nhà bè nuôi, kinh doanh hải sản, kinh doanh dịch vụ chèo kayak neo đậu trái phép tại các khu vực Hoa Cương, Sửng Sốt, Cửa Vạn, Vung Viêng. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy 25 nhà bè, tháo dỡ mái tôn hiên 17 nhà bè để chờ cấp phép nuôi trồng hải sản...
Bà Phạm Thùy Dương cho biết: Rà soát, sắp xếp lại mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh là mục tiêu lớn nhất trong năm 2015 của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.
Theo bà Dương: Trong thời gian qua, các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long hình thành và phát triển do xuất phát từ nhu cầu thực tế của khách du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn có hoạt động của một số doanh nghiệp chưa đi vào nề nếp, khách du lịch còn phản hồi chưa tốt về chất lượng dịch vụ hay giá cả... Công tác quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh liên quan đến nhiều ngành, địa phương khác nhau. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần vào cuộc, phối hợp một cách chặt chẽ, đồng bộ, tích cực để đưa ra các biện pháp quản lý hiệu quả, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, xây dựng thương hiệu du lịch cho Vịnh Hạ Long.