(TITC) – Sáng 22/7/2015, tại Khách sạn Sofitel Plaza Hà Nội, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và tổ chức Freeland đã tổ chức lễ trao giải cho các cá nhân và tập thể đạt giải cuộc thi vẽ tranh ‘Hành động vì Động vật hoang dã’. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình Khu vực Châu Á Hành động chống nạn buôn lậu động vật hoang dã do USAID tài trợ.
Toàn cảnh buổi lễ
Lễ trao giải có sự tham dự của ông Douglas O’ Neil, Giám đốc phòng môi trường Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; Ông Guy Poujoulat, Tổng Giám đốc Khách sạn Sofitel Plaza Hà Nội; Ông Nguyễn Đình Chúc, Phó Tổng biên tập báo Lao Động; Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV; đại diện các cơ quan, tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế; đại diện các tập thể và cá nhân đạt giải trong cuộc thi cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bà Bùi Thị Hà cho biết tại Nam Phi cứ mỗi 8 tiếng lại có một cá thể tê giác bị giết hại để lấy sừng nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại một số quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Riêng tại Việt Nam, các loài động vật cực kỳ quý, hiếm như hổ, gấu, tê tê, voi, vượn, vọoc, sao la…cũng đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Vấn nạn này dấy lên hồi chuông cảnh báo nền đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã, đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã. Năm 2010, cá thể tê giác Java cuối cùng của Việt Nam đã bị giết hại để lấy sừng. Với tốc độ săn bắt và buôn bán như hiện nay, Việt Nam chỉ còn khoảng 30 cá thể hổ hoang dã và có khả năng là loài tiếp theo bị tuyên bố tuyệt chủng tại đây. Theo ghi nhận của Cục kiểm lâm, chỉ tính riêng trong năm 2014, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 432 vụ vi phạm liên quan đến động vật rừng, tịch thu hơn 17 tấn động vật hoang dã, tương đương với 8.051 cá thể (trong đó có 598 cá thể động vật nguy cấp, quý hiếm).
Cuộc thi vẽ tranh “Hành động vì Động vật hoang dã” do ENV được phát động từ tháng 11/2014. Các tác phẩm dự thi tập trung khuyến khích người dân không tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã như sừng tê giác, cao hổ, vảy tê tê hay mật gấu và hành động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép. Sau ba tháng, đã có 1983 trường học và các câu lạc bộ nghệ thuật từ 58 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia với hơn 155.000 tác phẩm dự thi. Tại lễ trao giải, 13 cá nhân có tác phẩm dự thi xuất sắc nhất và 3 tập thể có số lượng bài dự thi nhiều và chất lượng nhất đã được vinh danh.
Các thí sinh đạt giải
Tại buổi lễ, ông Douglas O’ Neil, Giám đốc phòng môi trường Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đã phát động cuộc thi làm phim ngắn “Wildfest” trên quy mô toàn quốc và hạn chót nhận bài dự thi đến hết ngày 31/8/2015. Cuộc thi nằm trong khuôn khổ chương trình “Cùng hành động tạo sự thay đổi” do chính phủ Hoa Kỳ hợp tác với chính phủ Việt Nam nhằm chống lại nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã, đặc biệt là sừng tê giác. Thông tin chi tiết tại website: www.wildfest.org
Giải thưởng cá nhân
Giải Nhất:
Nguyễn Tuyết Nhi (11 tuổi, Bến Tre)
Võ Thị Thảo Hiền (17 tuổi, Quảng Ngãi)
Giải Nhì:
Vũ Cẩm Tú (12 tuổi, Hải Phòng)
Nguyễn Xuân Phương (13 tuổi, Long An)
Trần Phú Cường (21 tuổi, Hà Nam)
Giải Ba:
Nguyễn Văn Đồng (10 tuổi, Khánh Hoà)
An Hồ Triệu Vi (11 tuổi, An Giang)
Phạm Khoa Vy (17 tuổi, Quảng Ngãi)
Giải Khuyến khích:
Lê Hải Nhật (13 tuổi, Nghệ An)
Phan Xuân Mai (11 tuổi, Đồng Nai)
Nguyễn Chí Huy (18 tuổi, Bình Định)
Lương Thị Thùy (31 tuổi, Lạng Sơn)
Giải thưởng tập thể:
Trường THCS Nghi Phú – Nghệ An
Trường THCS Tiền An – Bắc Ninh
Trường Tiểu học Trương Văn Ngài – Thành phố Hồ Chí Minh
|
Phạm Thanh