Lai Châu: Khai thác và bảo tồn các di tích trong phát triển du lịch

Cập nhật: 23/07/2015
Di tích lịch sử – văn hoá và danh lam thắng cảnh là những tài sản vô giá không chỉ của tỉnh Lai Châu mà còn là của cả nước và của toàn nhân loại. Việc bảo tồn các Di tích lịch sử – văn hoá và danh lam thắng cảnh không chỉ nhằm phát huy các giá trị của chúng để phục vụ cho các lợi ích xã hội, các truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc tỉnh Lai Châu, góp phần làm giàu kho tàng di sản văn hoá tỉnh nhà mà còn quảng bá tới du khách trong và ngoài nước vẻ đẹp phong phú, đa dạng, độc đáo của địa phương, thúc đẩy du lịch phát triển.


Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 21 di tích đã được xếp hạng: có 04 di tích cấp quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh; Trong đó có 06 di tích lịch sử văn hóa, 11di tích danh lam thắng cảnh, 02 di tích tôn giáo tín ngưỡng, 02 di tích Khảo cổ học. Những di tích này là nguồn tài nguyên rất thuận lợi để khai thác phục vụ cho phát triển du lịch. Tuy nhiên thực tế cho thấy ở tỉnh Lai Châu hiệu quả khai thác các di tích để phục vụ du lịch còn rất khiêm tốn. Những địa phương có di tích chưa thu hút được du khách và chưa “kiếm được tiền” từ hầu bao của du khách.

 

Bốn di tích cấp quốc gia là: Di tích lịch sử văn hóa Động Tiên Sơn, Di tích lịch sử văn hóa bia Lê Lợi, Di tích danh lam thắng cảnh quần thể hang động Pusamcap và di chỉ khảo cổ học Nậm Tun đều đã được trùng tu tôn tạo và đã thu hút được khách du lịch nhưng lượng khách còn rất ít. Khách đến tự phát, tự cung tự cấp và không lưu trú qua đêm tại điểm tham quan. Sở dĩ như vậy là do tại các di tích trên hầu như chưa có dịch vụ gì để thu hút khách du lịch.

 

Các di tích cấp tỉnh như: Hang kháng chiến Nà Củng, hang Thẳm Tạo (Phong Thổ), Thác Tắc Tình (Tam Đường),… gần như bị lãng quên. Rất ít người dân trong tỉnh biết đến các di tích này, chưa nói đến du khách trong nước hay khách quốc tế.

 

Có thể nói hệ thống di tích của tỉnh còn đang ở dạng tiềm ẩn, chưa được khai thác hiệu quả để phục vụ du lịch. Nguyên nhân là do: thứ nhất, chưa có Ban quản lý cấp tỉnh riêng để quản lý hệ thống di tích trên địa bàn, hiện nay Bảo tàng tỉnh vẫn đang là đơn vị kiêm nhiệm chức năng nhiệm vụ của Ban Quản lý di tích. Thứ hai, công tác tuyên truyền về di tích chưa được chú trọng, thông tin về di tích còn hạn chế. Hoạt động tổ chức giới thiệu tại di tích chưa có, nếu có thì chưa được làm một cách khoa học, bài bản, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong tổ chức khai thác du lịch và dịch vụ tại di tích. Thứ ba, nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò, ý nghĩa của di tích đã được nâng cao nhưng chưa sâu sắc, toàn diện và chưa được cụ thể hóa bằng các biện pháp, kế hoạch, chương trình. Thứ tư, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn thiếu định hướng, thiếu những chính sách, chế tài cụ thể để khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Các nguồn lực do dân đóng góp chưa được qui tụ dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước một cách chặt chẽ nên không được định hướng để sử dụng một cách có hiệu quả nhất.

Để phát huy một cách hiệu quả những giá trị của di tích trên địa bàn tỉnh cho phát triển du lịch, trước hết cần nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo tồn, bảo vệ di tích. Tuyên truyền, cung cấp những thông tin về giá trị của di tích tới đông đảo nhân dân trong tỉnh đồng thời quảng bá hình ảnh về Lai Châu với những di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật…tới du khách trong và ngoài nước. Trong quảng bá xúc tiến về di tích, cần nhấn mạnh nét đặc trưng của di tích Lai Châu. Thông tin quảng bá bằng nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức sự kiện, hội thảo gắn với các di sản văn hóa của địa phương; viết, đưa tin, bài, hình ảnh về các di tích trên báo chí, ấn phẩm của tỉnh, gửi đăng ở các tạp chí du lịch…

Bước tiếp theo cần có quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích. Đồng thời phát triển hạ tầng cơ sở du lịch một cách đồng bộ. Hiện nay các điểm đến du lịch là các di tích của Lai Châu cơ sở vật chất còn yếu, dịch vụ sơ sài. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến ấn tượng của khách du lịch. Do đó cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Một giải pháp hiệu quả để khai thác giá trị các di tích phục vụ du lịch là xã hội hóa công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Kêu gọi sự ủng hộ, tài trợ và tham gia đầu tư của các cá nhân, tổ chức vào công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Chính quyền, người dân và doanh nghiệp khai thác du lịch cần phối hợp xây dựng chương trình du lịch cụ thể, phong phú; xây dựng cơ chế phân chia lợi ích trên nguyên tắc các bên cùng có trách nhiệm, lợi ích trong sự nghiệp bảo tồn di tích để phát triển du lịch bền vững.

 

 

Tăng cường hội nhập, giao lưu giới thiệu di sản văn hoá, con người Lai Châu. Văn hoá muốn tồn tại và phát triển bền vững cần có sự giao lưu, hội nhập về con người, văn hoá. Do đó phải chủ động tăng cường hợp tác, giao lưu với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhất là các tỉnh khu vực Tây bắc để phát triển nguồn lực văn hóa cho phát triển du lịch.

Có thể nói, việc khai thác các giá trị của các di tích để phát triển du lịch, góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, đưa được hình ảnh con người và thiên nhiên Lai Châu đến với du khách trong và ngoài nước, để các giá trị văn hóa thực sự trở thành những sản phẩm có giá trị kinh tế là vấn đề không thể thực hiện một cách vội vàng mà cần có quy hoạch và dần thực hiện một cách khoa học mới có kết quả bền vững./.  

 

Nguồn: dulichtaybac.vn