Tuyến đường 18,2 km, rộng 6m dự kiến sẽ được mở vào lõi VQG Cát Tiên được bảo vệ nghiêm ngặt hiện nay đang gây nhiều tranh cãi.
Được biết, dự án xây dựng, cải tạo các tuyến đường trong Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên có 2 giai đoạn: giai đoạn 1 mở đường ở vùng đệm nhằm nối từ đường lớn vào đến ban quản lý vườn, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; giai đoạn 2 mở đường trong vùng lõi, kết nối từ ban quản lý vườn đến các trạm kiểm lâm. Tuy nhiên, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét lại việc đầu tư, thực hiện dự án cải tạo, xây dựng đường giao thông trong vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên qua xã Đắc Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh, việc mở đường tuy không liên quan đến công tác ổn định dân cư trong lâm phận VQG Cát Tiên nhưng sẽ làm mất gần 11 ha rừng, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, chia cắt rừng tự nhiên với sông Đồng Nai, làm mất đi sinh cảnh của rừng, gây cản trở đến tập tính hoạt động của các loài thú, nhất là trong việc tìm kiếm nguồn thức ăn và nguồn nước uống. VQG Cát Tiên nằm trong vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã được UNESCO công nhận và đang trong thời gian hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận VQG Cát Tiên là Di sản thiên nhiên thế giới. Nếu mở đường sẽ ảnh hưởng đến sự bền vững của Cát Tiên và không phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Do đó, UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNTphối hợp với tỉnh để giải quyết việc không đồng bộ giữa quy hoạch các phân khu rừng đặc dụng của tỉnh và quy hoạch của vườn Cát Tiên, tính khả thi của việc làm đường. Trong khi chờ ý kiến của Bộ NN&PTNT, tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị vườn Cát Tiên chưa triển khai dự án làm đường trên.
Trước đây, khi UBND tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan đang hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là Di sản thiên nhiên thế giới cũng là lúc dư luận phản đối kịch liệt việc xây dựng công trình thủy điện ở khu vực này. Nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, những tranh cãi liên quan đến việc xây thủy điện ở Vườn Quốc gia Cát Tiên cho thấy công tác quy hoạch, quản lý bảo vệ rừng chưa tốt. Đây sẽ là một trong những nguyên nhân khiến Vườn Quốc gia Cát Tiên bị “mất điểm” khi UNESCO xét duyệt Di sản thiên nhiên thế giới.
Là một trong 6 khu dự trữ sinh quyển được Unesco công nhận tại Việt Nam, Vườn Quốc Gia Cát Tiên có diện tích gần 72.000 nằm trên địa bàn 5 huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Cát Tiên, Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước), cách Thành phố Hồ Chí Minh 150 km về phía Bắc.
Vườn Quốc gia Cát Tiên có tầm quan trọng quốc tế về các chức năng của hệ sinh thái. Đây là một trong những nơi cư ngụ cuối cùng cho số lượng lớn các loài đặc hữu nổi bật của Việt Nam và/hoặc vùng Đông Dương. Vườn Quốc gia Cát Tiên là một phần của hệ rừng ẩm nhiệt đới còn sót lại ở miền Nam Việt Nam. Tính đa dạng sinh học của vườn được công nhận bởi Global 200 Ecoregions (the Annamite Range Moist Forests and the Forests of the Lower Mekong Complex) do WWF công nhận vì tính đa dạng sinh học nổi bật trên toàn cầu. Vườn được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 411 trên thế giới và hệ bàu Sấu được công nhận là Khu Ramsar thứ 1.499 có tầm quan trọng quốc tế. Đối với các cư dân địa phương, VQGCT có tầm quan trọng trực tiếp. Vườn giúp bảo vệ rừng đầu nguồn hồ Trị An - nguồn thủy điện chính của miền nam – và cũng giúp kiểm soát lũ đột ngột.
Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên được ví như một thiên đường du lịch sinh thái, nơi những du khách mang trong mình niềm đam mê khám phá thiên nhiên hoang dã được thỏa sức đắm mình giữa khung cảnh núi đồi trùng điệp, trảng cỏ mênh mông, rừng già nguyên sơ, thác nước hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng với nhiều loại động - thực vật vô cùng quý hiếm...Bên cạnh đó, VQG Cát Tiên cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nếu không có kế hoạch phát triển lâu dài lẫn các biện pháp xử lý kịp thời thì sẽ khó tránh khỏi khả năng bị xâm hại, ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và hệ sinh thái nơi đây.