Để tạo đà cho du lịch phát triển, Bình Phước cần tập trung khai thác những sản phẩm đặc thù của địa phương và tạo được cơ chế, chính sách thiết thực.
Đó là một số ý kiến góp ý của đại biểu dự hội thảo “Phát triển du lịch Bình Phước” do UBND tỉnh Bình Phước và VCCI tổ chức ngày 18/12.
Ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Bình Phước có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch vì địa phương còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị cùng kho tàng văn hóa phi vật thể đặc sắc của hơn 40 đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Đặc biệt, do nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Nam Trung Bộ và hạ Tây Nam Bộ nên thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên của Bình Phước rất đa dạng với hệ thống rừng nguyên sinh, sông suối phù hợp cho việc khai thác du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng và văn hóa.
Trong thời gian qua, Bình Phước đã và đang kêu gọi đầu tư 6 dự án du lịch trọng điểm như khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng sóc Bombo, khu du lịch Bà Rá-Thác Mơ, khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch… với tổng số vốn 17.400 tỉ đồng.
Tuy nhiên, lượng du khách đến Bình Phước còn khá khiêm tốn, năm 2014, con số này chỉ đạt gần 183.000 lượt, trong đó du khách quốc tế mới chỉ có gần 5.000 lượt.
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến du lịch Bình Phước chưa phát triển, ông Nguyễn Võ Kim Khôi, Phó Tổng Giám Đốc Myle Tourism cho rằng, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó cơ sở lưu trú và các dịch vụ đi kèm của tỉnh còn yếu. Cụ thể, toàn tỉnh mới chỉ có 73 cơ sở lưu trú, trong đó chỉ có 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao (2 khách sạn và một resort). Bên cạnh đó, hệ thống giao thông kết nối giữa các khu du lịch chưa phát triển nên dẫn đến khó khăn trong quá trình di chuyển giữa các địa danh.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty lữ hành Lửa Việt, Bình Phước còn thiếu sự đồng bộ trong phát triển du lịch. Đó chính là chưa có chính sách cụ thể và hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm du lịch của tỉnh.
Để phát triển cơ sở hạ tầng của ngành du lịch, ngoài đầu tư của nguồn ngân sách, kêu gọi đầu tư từ bên ngoài, tỉnh Bình Phước cần có chính sách hỗ trợ như giảm thuế, đầu tư nguồn nhân lực, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực du lịch để tạo tiền đề cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
Ông Mỹ cho rằng Bình Phước nên định hướng một vài sản phẩm du lịch đặc thù và tiêu biểu, tận dụng thế mạnh điều kiện tự nhiên, vốn văn hóa vật thể và phi vật thể để phát triển các sản phẩm du lịch. Chẳng hạn, tỉnh có thể xây dựng các tour du lịch sinh thái, khám phá dựa vào rừng quốc gia Bù Gia Mập hay tour du lịch văn hóa dựa vào các di tích văn hóa của hơn 40 đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa phương.
Còn theo PGS.TS Vũ Văn Tích, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), Bình Phước nên xây dựng cơ chế, chính sách thiết thực để phát triển du lịch; quy hoạch hạ tầng du lịch một cách tổng thể; sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt để thu hút du khách; bảo tồn và phát triển các địa danh du lịch; quảng bá truyền thông theo chiến lược…
Thanh Thủy