Xây dựng "Nhãn hiệu xanh" - nền tảng quan trọng phát triển du lịch chất lượng cao

Cập nhật: 05/01/2016
Nằm trong chương trình hoạt động Festival Hoa lần thứ VI, ngày 23/12, UBND Tp.Đà Lạt đã tổ chức tổng kết chương trình vận động xây dựng “Nhãn hiệu xanh”, “Điểm mua sắm chất lượng cao”, “Điểm du lịch nông nghiệp công nghệ cao”.

 

Trao chứng nhận “Nhãn hiệu xanh” 5 năm liền cho các cơ sở kinh doanh lưu trú xuất sắc

 

UBND Thành phố đã công nhận và trao chứng nhận “Nhãn hiệu xanh” cho 118 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Đà Lạt (gồm: 74 khách sạn, resort 1-5 sao; 9 biệt thự nghỉ dưỡng; 13 nhà hàng quán ăn; 12 quán cà phê; 4 điểm karaoke; 6 khu điểm du lịch); công nhận 25 “Điểm du lịch nông nghiệp công nghệ cao” cho 25 công ty, trang trại, hộ nông dân cá thể trồng rau, hoa; công nhận 19 đơn vị đạt chuẩn “Điểm mua sắm chất lượng cao”. 

 

Từ năm 2004, chương trình xây dựng “Nhãn hiệu xanh” được thành phố Đà Lạt phát động, du lịch Đà Lạt không ngừng khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch về cả quy mô và chất lượng. Cơ sở vật chất đầu tư cho ngành du lịch ngày càng tăng, khách sạn cao cấp ngày càng nhiều. Hiện nay, toàn thành phố có 689 cơ sở kinh doanh lưu trú với 12.195 phòng; trong đó, có 246 khách sạn đạt chuẩn 1 - 5 sao với 7.118 phòng, 20 biệt thự, 423 nhà nghỉ với 5.077 phòng. Năm 2015, tổng lượng khách đến tham quan du lịch Đà Lạt đạt 4 triệu lượt, tăng 11% so với năm trước, trong đó khách nước ngoài chiếm 8%. Chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ được nâng lên. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá thể sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã từng bước tiếp cận đa ngành, đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ cho du khách được trải nghiệm, mua sản phẩm theo nhu cầu.

 

 

Không gian xanh tại Khu du lịch Thung lũng Tình yêu (Ảnh: V.Báu)

 

Sau 10 năm triển khai, chương trình vận động xây dựng “Nhãn hiệu xanh” đã đạt được kết quả thiết thực, làm nền tảng quan trọng để phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao. Chương trình đã thu hút đông đảo các đơn vị tham gia hưởng ứng. Các khách sạn không ngừng tôn tạo những không gian xanh, vệ sinh phòng ốc, thực hiện tiết kiệm năng lượng, nâng cao chất lượng phục vụ, đội ngũ lao động tận tụy, phát huy phong cách người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách, để lại cho du khách nhiều ấn tượng đẹp. Các khu, điểm du lịch, không ngừng tạo nên những không gian mới, tôn tạo rừng, không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, vừa làm đẹp vừa bảo vệ vẻ đẹp nguyên sơ… Các đơn vị kinh doanh ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá công khai, nạn cò mồi chèo kéo khách, ép giá bị đẩy lùi. Các điểm dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí lành mạnh. Tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ văn hóa, các khu điểm tham quan du lịch đều nhiệt tình hưởng ứng chương trình vận động làm cho chương trình đạt hiệu quả cao. Thành phố xác định, xây dựng “Nhãn hiệu xanh” là một trong những nội dung quan trọng để xây dựng thành phố văn minh, thân thiện, nâng cao chất lượng phục vụ tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách. Sau thời gian vận động có 120 cơ sở đăng ký, thành phố đã thành lập đoàn liên ngành tiến hành thẩm định “Nhãn hiệu xanh”, khảo sát thực tế đi đến từng điểm, xem xét ưu khuyết điểm từng cơ sở, so sánh mức độ đạt theo 14 tiêu chí đã ban hành. Kết quả có 118/120 cơ sở đạt chuẩn. Mặc dù tiêu chí chương trình “Nhãn hiệu xanh” ngày càng nâng cao về chất lượng được xây dựng cho riêng từng loại hình kinh doanh, chủ yếu tập trung vào 3 vấn đề: bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, sử dụng hợp lý điện, nước, nguyên nhiên liệu, xây dựng không gian xanh, tổ chức quy hoạch và đảm bảo thực hiện quy hoạch, thực hiện văn minh, thân thiện, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nhân sự, chất lượng phục vụ. Các tiêu chí đều được điều chỉnh qua từng thời kỳ vận động, đảm bảo phù hợp dựa trên pháp luật nhà nước, chính sách của tỉnh và yêu cầu thực tiễn.

 

Qua xây dựng “Nhãn hiệu xanh”, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã không ngừng đầu tư, điều chỉnh hoàn thiện mình nâng cao chất lượng dịch vụ. Riêng khu điểm du lịch  và danh lam thắng cảnh đã được bảo tồn, phát huy, làm mới các sản phẩm, bảo vệ môi trường cảnh quan, chống xuống cấp di tích. Các cơ sở lưu trú du lịch quan tâm đầu tư toàn diện vừa đảm bảo bộ tiêu chí chuẩn quốc gia theo từng loại, hạng cơ sở, vừa đảm bảo theo tiêu chí Nhãn hiệu xanh. Các cơ sở kinh doanh ăn uống đạt kết quả tốt bán giá niêm yết, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dùng thực phẩm chất lượng sạch, nguồn gốc địa phương…

 

Chương trình vận động “Nhãn hiệu xanh” của Đà Lạt đã thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, kinh doanh có trách nhiệm trong các tầng lớp nhân dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức giữ gìn và bảo vệ tài nguyên môi trường của phần lớn người dân tham gia vào hoạt động du lịch. “Nhãn hiệu xanh” trở thành một thương hiệu được đông đảo du khách biết đến và đặt niềm tin. Các cơ sở đơn vị đạt thành tích trong chương trình, được công nhận là những địa diểm được du khách tin cậy, ưu tiên lựa chọn. Việc nâng giá, gian lận thương mại, hàng hóa kém chất lượng trong mùa du lịch cao điểm giảm đáng kể.  Nạn cò xe, chèo kéo, nài ép du khách sử dụng dịch vụ được ngăn chặn. 

 

Từ thành quả đã đạt được, trong thời gian tới thành phố Đà Lạt tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng “Nhãn hiệu xanh” đến từng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (ăn, ngủ nghỉ, vui chơi, giải trí), từng hộ kinh doanh cá thể; để trong tương lai gần, tình trạng xuống cấp, ô nhiễm môi trường ở một số khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh sẽ không còn. Không còn cảnh lấn chiếm đường bộ, hành lang để buôn bán hàng rong, hàng lưu niệm, đeo bám chèo kéo du khách… làm mất mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến khách du lịch và hoạt động kinh doanh trong khu du lịch. Không còn tình trạng người dân và du khách xả rác nơi công cộng ảnh hưởng đến mỹ quan và môi trường du lịch của thành phố. Nhằm đạt mục tiêu phấn đấu của du lịch dịch vụ Đà Lạt giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 18 - 19%/năm, đến năm 2020 tỷ trọng ngành du lịch chiếm 67% trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Lượng khách đến Đà Lạt tăng 10 - 15% hàng năm, khách quốc tế đạt 8 - 10% tổng số du khách, ngày lưu trú bình quân từ 2,5 - 2,7/khách.

 

Nguồn: Báo Lâm Đồng