Cần học cách ứng xử với môi trường

Cập nhật: 25/01/2016
Trong những năm qua, du lịch sinh thái (DLST) đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nó không chỉ nhận được sự đầu tư của Nhà nước, mà còn thu hút được sự quan tâm rộng rãi của các tầng lớp xã hội. Với nhiều ý nghĩa tích cực, song, do nhận thức chưa đúng, ngành DLST ở nước ta đang phát triển theo hướng “mạnh ai nấy làm”, ồ ạt, sản phẩm đơn điệu, trong khi đó công tác quản lý yếu kém, chưa chuyên nghiệp… khiến DLST không phát huy hết tiềm năng, gây lãng phí.

 

Học cách ứng xử với môi trường sinh thái để DLST không bị lãng phí và đi chệch hướng.

 

Tiềm năng lớn

Hiện nay, người dân đang có xu hướng tìm về với thiên nhiên, tìm về nguồn cội, cùng với đó là ý thức bảo vệ sự đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng, góp phần bảo tồn thiên nhiên. Vì thế, DLST luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu của khách du lịch. DLST phát triển đã mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế, góp phần làm tăng thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở địa phương. Ở nhiều quốc gia, loại hình DLST không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thông qua quá trình làm giảm sức ép khai thác các nguồn lợi tự nhiên phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

 

Với lợi thế nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, cùng hệ thống các khu rừng đặc dụng là nơi dự trữ các nguồn gen, các loại động vật quý hiếm, phân bổ trải dài từ Nam ra Bắc, từ đất liền ra hải đảo. Cùng với đó, Việt Nam có một bề dày về lịch sử với ngàn năm dựng nước và giữ nước, có sự đa dạng về văn hóa, bản sắc dân tộc (54 dân tộc), nhiều di tích, cảnh quan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại, di sản thiên nhiên thế giới… và với những lợi thế ấy, nước ta đang có thừa những tiềm năng để phát triển DLST.

 

Là một hướng dẫn viên du lịch lâu năm, chị Lê Bảo Ninh (nhân viên Công ty du lịch I tour Việt Nam) cho biết, vài năm trở lại đây, không chỉ khách quốc tế mà khách du lịch nội địa cũng lựa chọn tour DLST rất nhiều. Tại những tour này, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên, nguyên sơ, mà họ còn được trải nghiệm thực tế, được đắm mình trong những nét sinh hoạt đời thường của người dân bản địa. Nhiều tour DLST đã vượt ra ngoài định nghĩa du lịch, nghỉ dưỡng, sâu xa hơn đó còn là sự cảm thông, chia sẻ và tìm về nguồn cội. Vì thế, DLST đã thu hút đông du khách. 

 

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Thế Long – Giám đốc Công ty du lịch Việt nhận định, hiện nay, loại hình DLST ở Việt Nam đang rất phát triển. Vào mùa du lịch, khách đặt tour dài ngày đi SaPa, Hà Giang, Điện Biên… thường bị “cháy” phòng. Đối với các điểm DLST quanh Thủ đô như Ba Vì, Tam Đảo, Cúc Phương, Ninh Bình…là lựa chọn hàng đầu cho du khách vào các dịp nghỉ cuối tuần. Bên cạnh đó, nhiều địa phương mạnh dạn cho phép tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và khai thác DLST, vì thế, giao thông được đầu tư, hệ thống dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, resort mọc lên, giải quyết được rất nhiều nhu cầu việc làm cho người dân địa phương.

 

Ý thức bảo vệ môi trường còn thấp

Theo thống kê của ngành Du lịch Việt Nam, trong năm 2015, tổng thu từ khách du lịch đạt cao nhất từ trước đến nay (đạt gần 338.000 tỉ đồng), trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ loại hình DLST. Tiềm năng DLST của Việt Nam dồi dào, đang được đầu tư rất nhiều, tương lai sẽ mang lại nguôn thu rất lớn cho quốc gia. Thế nhưng, theo đánh giá của một số chuyên gia trong ngành du lịch, đặc biệt là từ các nhà tổ chức tour, hiện tại DLST ở Việt Nam đang bị đầu tư ồ ạt, dàn trải, thậm chí mạnh ai nấy làm và không mang tính phát triển bền vững.

Bà Đặng Thị Thu Hương – Giám đốc Cty du lịch Nam Phương - cho biết, ở Việt Nam hiện nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân, thậm chí là các địa phương khi thấy tiềm năng DLST đã lao vào đầu tư. Thế nhưng, ngay cả khái niệm DLST là thế nào chưa chắc họ đã hiểu rõ. Nếu theo đúng nghĩa, DLST không phải để đáp ứng yêu cầu cho mọi khách du lịch, mà chỉ dành cho những người thật sự lấy giá trị sinh thái làm mục tiêu của chuyến đi. Họ phải biết tôn trọng, học hỏi và gìn giữ thiên nhiên. Qua đó, có những hành động cụ thể để bảo vệ, bảo tồn và gìn giữ vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa dân tộc. 

 

Thực tế cho thấy, hiện nay tại các điểm DLST người ta vẫn dễ dàng tìm mua thịt thú rừng, chim trời,…và khi tham gia DLST, du khách vẫn còn chưa ý thức trong việc bảo vệ môi trường - như phóng uế, xả rác thải bừa bãi…ảnh hưởng nghiêm trọng đến vẻ đẹp sinh thái, môi trường tự nhiên, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương. Thậm chí, ở một số địa phương, người ta còn sẵn sàng chặt cây, đào núi, phá cảnh quan tự nhiên để xây dựng khu DLST nhân tạo. Điển hình như điểm du lịch Sa Pa, chỉ trong tương lai gần, người dân muốn lên đỉnh Phanxipang sẽ không phải mất vài ngày, chỉ cần ngồi lên cáp treo và thưởng ngoạn. Lợi ích trước mắt là thế, nhưng về lâu dài, mô hình này đã phá hỏng cảnh quan tự nhiên, cảnh quan sinh thái, làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ vốn có tại nơi này. “Với cách làm ăn chộp giật, phá cái tự nhiên, xây dựng cái nhân tạo, nhiều khu DLST áp dụng khoa học kỹ thuật nửa vời, đơn điệu chính là nguyên nhân khiến khách du lịch quốc tế đến Việt Nam DLST một lần và không trở lại” - bà Hương chia sẻ.

 

Việc hiểu sai về kiến thức tự nhiên, sẽ dẫn đến hành động sai, điều đó không chỉ gây lãng phí tiềm năng DLST, mà còn phá hỏng cả một quần thể sinh thái. Đây không chỉ là lỗ hổng lớn về nhận thức của du khách, của người làm du lịch mà còn đối với cả cấp quản lý. Vì thế, chúng ta không thể vì nguồn lợi trước mắt mà phá hỏng đi cả một tiềm năng lâu dài. Phát triển, nhưng cũng phải biết cách bảo tồn để phát triển DLST một cách bền vững.

 

Đạt Đỗ

Nguồn: laodongthudo.vn