Được sự tài trợ của Hợp phần "Kiểm soát ô nhiễm tại các khu vực đông dân nghèo" (PCDA), Tổ chức Phát triển thế giới (DWW) và Cơ quan Hợp tác phát triển Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc, vừa qua tại Đà Nẵng, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (BVMTVN) đã tổ chức Hội thảo quốc tế "Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề tại Việt Nam và hỗ trợ tài chính từ Quỹ BVMTVN".
Hội thảo là cơ hội cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhà quản lý báo cáo về hiện trạng ô nhiễm môi trường của các làng nghề, đề xuất các biện pháp khắc phục để giảm thiểu ô nhiễm và phát triển sản xuất.
"Hy vọng đại diện các tổ chức trong nước và quốc tế cùng thảo luận và sẽ tìm ra các giải pháp phù hợp để hỗ trợ cho các làng nghề nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thúc đẩy phát triển sản xuất, đồng thời đưa ra chương trình hành động mở rộng hợp tác tương lai giữa các cơ quan trong nước, quốc tế và các tổ chức của Cộng hòa Séc", PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Giám đốc Quỹ BVMTVN nhấn mạnh.
Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ môi trường - Đại học Bách khoa Hà Nội, bên cạnh mặt tích cực, sự phát triển các làng nghề cũng mang lại nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề môi trường. Các chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất ở các làng nghề đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, làm suy thoái môi trường và tác động trực tiếp đến sức khỏe người lao động. Một trong những giải pháp được GS Đặng Thị Kim Chi đưa ra đối với các làng nghề là "nên lấy quản lý cấp xã làm nòng cốt trong hệ thống quản lý môi trường. Cần thiết xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ tại các làng nghề như: giảm thuế, phí đối với các cơ sở thực hiện tốt bảo vệ môi trường hay hỗ trợ vốn cho các dự án cải thiện môi trường".
Tháng 4/2008, DWW Cộng hòa Séc phối hợp với Quỹ BVMTVN đã xây dựng dự án bảo vệ môi trường cho các làng nghề Việt Nam. Bát Tràng được chọn làm thí điểm. Đến nay, công nghệ tiết kiệm năng lượng được triển khai ngày càng rộng khắp đã góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Tính đến cuối tháng 6/2008, Quỹ BVMTVN đã cho 35 dự án vay ưu đãi với số tiền hơn 100 tỷ đồng và tài trợ hơn 4 tỷ đồng cho các hoạt động xử lý sự cố môi trường, sự cố tràn dầu, bão lụt...