Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường khu vực Tây Nguyên

Cập nhật: 23/04/2018
(TITC) – Sáng ngày 20/4/2018, tại TP. Kon Tum, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường khu vực Tây Nguyên”.

TS. Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng TCDL phát biểu tại hội thảo

Hội thảo được tổ chức dưới sự chủ trì của TS. Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; TS. Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL); ông Lại Xuân Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch; đại diện UBND, HĐND tỉnh Kon Tum; lãnh đạo Sở VHTTDL các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông; đại diện các Sở ban ngành các tỉnh Tây Nguyên; các nhà nghiên cứu trong ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn. 

Hội thảo được tổ chức nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc đang sinh sống tại khu vực Tây Nguyên; đồng thời đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm góp phần xây dựng vùng Tây Nguyên xanh – sạch – đẹp gắn với phát triển du lịch bền vững.

Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Từ Mạnh Lương phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Từ Mạnh Lương nhấn mạnh, năm 2017, Du lịch Việt Nam đón 12,9 triệu khách quốc tế, tăng 29%, phục vụ 73 triệu khách nội địa, tăng 22% so với năm 2016, tạo ra hàng triệu việc làm cho xã hội. Khu vực Tây Nguyên cũng đóng góp không nhỏ, khoảng 13% vào sự tăng trưởng chung này.  

Tuy nhiên sự phát triển với tốc độ cao cũng đã và đang đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức không nhỏ về môi trường như tàn phá rừng, ô nhiễm nguồn nước, rác thải, không khí… Vì vậy, để phát triển du lịch bền vững, vấn đề bảo vệ môi trường luôn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách. “Thực tế cũng cho thấy, nơi nào làm tốt công tác bảo vệ môi trường, nơi đó sẽ hấp dẫn du khách, ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, cơ hội quay lại cao hơn”, ông Lương nhấn mạnh. 

Ông cũng cho biết, hiện nay Bộ VHTTDL đã và đang triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch. Ông hi vọng hội thảo sẽ là cơ hội để các đại biểu thảo luận, đánh giá thực trạng môi trường, những vấn đề bất cập đặt ra trong hoạt động du lịch khu vực Tây Nguyên, qua đó đề xuất các phương hướng, giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, xây dựng sản phẩm du lịch, thương hiệu, kết nối giữa các tỉnh để tạo nên sự phát triển đột phá, gắn với bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch khu vực Tây Nguyên một cách bền vững. 

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lại Xuân Lâm phát biểu chào mừng

Chào mừng các đại biểu tham dự hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lại Xuân Lâm cho biết, tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung có vai trò và vị trí quan trọng trong chiến lược về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng của đất nước. Tây Nguyên có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với đời sống văn hóa đầy màu sắc của các dân tộc thiểu số hài hòa, đan xen tạo nên một thể thống nhất Tây Nguyên. 

Trong những năm qua, khu vực Tây Nguyên đã có nhiều thành tựu to lớn trong việc phát triển kinh tế, đời sống xã hội, trong đó có sự đóng góp của ngành Du lịch dựa trên việc khai thác các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, các giá trị về văn hóa các dân tộc, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. 

Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, Kon Tum có nguồn tài nguyên du lịch phong phú dựa trên những yếu tố đặc thù về địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, hệ thảm thực vật… Bên cạnh đó, Kon Tum còn có nhiều các di tích văn hóa – lịch sử, hệ thống di sản văn hóa và văn hóa phi vật thể rất đa dạng với văn hóa cư trú, nhà rông, lễ hội, ẩm thực, đời sống của các dân tộc thiểu số… Đây cũng là điều kiện rất thuận lợi cho Kon Tum phát triển du lịch cộng đồng, mang lại lợi ích thiết thực về vật chất và tinh thần cho người dân và cộng đồng xã hội.  

Ông hi vọng, với những tiềm năng và lợi thế của tỉnh, cùng sự nỗ lực phấn đấu của chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của cộng đồng, sự phối kết hợp của các địa phương lân cận cùng sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Bộ VHTTDL, Kon Tum sẽ có những bước phát triển mới, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của nền kinh tế. 

Tại hội thảo, nhiều tham luận đã được các diễn giả trình bày và chia sẻ đến các đại biểu tham dự như Du lịch cộng đồng, hướng đi mới cho sự phát triển bền vững của du lịch Kon Tum; Tạo dựng thương hiệu du lịch cho điểm đến Măng Đen theo cách tiếp cận của du lịch sinh thái; Phát triển du lịch trong mối quan hệ với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc trưng của Đăk Nông; Quản lý và phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững tại Lâm Đồng; Vườn quốc gia Chư Mom Ray định hướng bảo tồn bền vững; Phát triển du lịch sinh thái gắn với công tác bảo vệ môi trường tại vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Gia Lai… 

Ông Nguyễn Đức Xuyên, Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu nhấn mạnh khu vực Tây Nguyên còn nhiều giá trị văn hóa và sinh thái rất hoang sơ. Phát triển du lịch cần gắn chặt với bảo vệ môi trường để bảo đảm phát triển bền vững. Đây cũng chính là yếu tố tạo sức hút, sức hấp dẫn của điểm đến. Điều này cần có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan từ chính quyền, doanh nghiệp cho đến cộng đồng dân cư và du khách. Trong đó, cần làm tốt quy hoạch phát triển các sản phẩm du lịch gắn với tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường; tăng cường liên kết giữa các địa phương, ban ngành hướng tới lợi ích lâu dài, bền vững; tăng cường quản lý điểm đến; đào tạo nhân lực tốt; phát huy văn hóa bản địa, đặc biệt là tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường du lịch. 

Tin: Thu Thủy; Ảnh: TF