Xây dựng Đà Nẵng thành đô thị tăng trưởng xanh - phát triển bền vững

Cập nhật: 10/09/2018
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
Với tốc độ phát triển đô thị quá nhanh, TP. Đà Nẵng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như không gian đô thị rời rạc, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Điều này xuất phát từ vấn đề quy hoạch và phát triển không gian đô thị Đà Nẵng tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.

Quang cảnh hội thảo

Đây là nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đưa ra trong hội thảo định hướng quy hoạch và phát triển trung tâm các khu vực đô thị Đà Nẵng vừa được Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam vừa được tổ chức ngày 8/6 tại Đà Nẵng.

Trong những năm gần đây, Đà Nẵng được đánh giá là một hình mẫu về phát triển đô thị ở Việt Nam, là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước trên lĩnh vực quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.  Từ một đô thị nhỏ bé, diện tích khoảng 5.600 ha, sau 20 năm trở thành thành phố trực thuộc TW, không gian đô thị Đà Nẵng đã mở rộng lên tới gần 20.000 ha, tức gấp hơn 3 lần so với đô thị cũ. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, cũng như nhiều địa phương khác, bước đường đi lên của Đà Nẵng cũng trải đầy những thách thức, khó khăn.

Tốc độ đô thị hóa quá nhanh, sự khai thác quá mức đất đai, môi trường tự nhiên đang dần xâm chiếm làm nảy sinh nhiều bất cập. Thiếu đồng bộ trong cấu trúc đô thị dễ dẫn đến phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Khai thác quỹ đất quá mức, nặng về tư duy chia lô bán nền, quy hoạch đô thị theo kiểu nhà ống. Các nhà quy hoạch cũng đã khuyến cáo, nếu thành phố vẫn tiếp tục quy hoạch theo kiểu lối mòn, không thay đổi những tư duy sẽ dẫn đến Đà Nẵng đang đối mặt với tương lai trở thành một đô thị nghèo nàn về ý tưởng, không gian đô thị rời rạc, ô nhiễm, ùn tắc.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Việt Dũng- Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: hiện nay, Đà Nẵng đang tích cực tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050, hướng tới mục tiêu phát triển mô hình thành phố môi trường, đô thị thông minh. Trong đó, thành phố kiên định lấy yếu tố đặc trưng, giá trị thiên nhiên làm ý tưởng chính để tổ chức không gian, hình thành hệ cấu trúc thiên nhiên trong lòng đô thị, tạo dựng bản sắc riêng. Đồng thời, tái cấu trúc khu trung tâm thành phố theo hướng mô hình nén kết hợp phát triển hệ thống không gian xanh, không gian cộng đồng, xây dựng hình ảnh đô thị thông thoáng cùng với giao thông và phương thức vận tải công cộng số lượng lớn. Bên cạnh đó, chú trọng nghiên cứu về vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng để áp dụng vào quy hoạch đô thị, đặc biệt tại các cong trình ở khu vực đô thị và vùng đệm thoát lũ.

Đà Nẵng hướng tới mục tiêu phát triển mô hình thành phố môi trường, đô thị thông minh

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia trong nước và quốc tế đóng góp, chia sẻ các kinh nghiệm về công tác quy hoạch và phát triển đô thị, đồng thời đưa ra những ý tưởng và tầm nhìn cho phát triển đô thị Đà Nẵng trong tương lai.

Theo ông Vũ Quang Hùng- Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng, thời gian qua đô thị Đà Nẵng phát triển theo xu hướng dàn trải, thấp tầng, sử dụng lớn đất dài dành cho chức năng ở. Trong bối cảnh Đà Nẵng hạn chế về quỹ đất tự nhiên cần có chiến lược phát triển không gian đô thị tốt hơn để đảm bảo sử dụng đất lâu dài, bền vững.

“Cần tiến hành rà soát lại các đô thị cũ, không đảm bảo điều kiện về hạ tầng thiết yếu để có giải pháp tái thiết hữu hiệu vừa đáp ứng được nhu cầu gia tăng dân số vừa đáp ứng được văn minh, hiện đại và thông thoáng. Đồng thời, xem xét có lộ trình mở rộng đô thị trong các giai đoạn tiếp theo như phát triển vịnh Đà Nẵng, phát triển đô thị về phía Tây... một cách khoa học và hiệu quả”- ông Vũ Quang Hùng đề xuất.

TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia quy hoạch đang làm việc tại Bắc Mỹ) cho rằng chiến lược phát triển đô thị  Đà Nẵng  cần  hài hòa giữa việc phát triển tiềm năng đô thị với việc bảo tồn giá trị di sản quy hoạch kiến trúc, môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Từ đó, ông đưa ra đề xuất mở rộng các khu đô thị tiềm năng như khu đô thị du lịch biển và giao thương hàng hải; khu đô thị ven sông; Khu đô thị sân bay Đà Nẵng.... sẽ tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng và giải quyết vấn đề cạn kiệt quỹ đất. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo Đà Nẵng cần cẩn trọng với các đề xuất lấn biển hoặc xây dựng đảo nhân tạo trong vịnh Đà Nẵng. Chính quyền Đà Nẵng không nên vội vã quyết định khi chưa có nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đến toàn khu vực.

Để hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành đô thị tăng trưởng xanh- phát triển bền vững, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Viện phó Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng đề xuất  giải pháp xây dựng đô thị nên hướng đến mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tiện nghi đô thị và môi trường sống cho người dân; phát triển hệ thống giao thông công cộng và nâng tỷ lệ cây xanh đô thị, khuyến khích người dân trồng cây trên mái nhà...

Lan Anh