Hãy cứu sông Mê Kông!

Cập nhật: 18/03/2009
Nguồn: ThienNhien.Net
Một liên minh mới nhằm cứu dòng sông Mê Kông của Đông Nam Á sẽ được giới thiệu trong một triển lãm nhiếp ảnh đặc biệt khai mạc ở trung tâm thủ đô Băng-cốc của Thái Lan vào hôm nay, ngày 14 tháng 03, Ngày hành động quốc tế vì sông ngòi. Triển lãm do một trong những nhà nhiếp ảnh hàng đầu Thái Lan, Suthep tsanavarin, thực hiện với tên gọi “Siphandone…Ngành ngư nghiệp Mê Kông đang bị đe dọa”, dự kiến kéo dài trong 2 tuần.

Khu vực Siphandone nằm ở phía Nam Lào, giáp các tỉnh Ubon Ratchathani của Thái Lan và Stung Treng của Campuchia. Hiện nay, cũng như nhiều khu vực khác của lưu vực sông Mê Kông, Siphandone đang có nguy cơ chịu ảnh hưởng tiêu cực của hệ thống 11 đập thuỷ điện trên con sông vĩ đại chảy qua 6 nước Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Liên minh Cứu trợ sông Mê Kông được hình thành trước những lo ngại ngày càng gia tăng trong công chúng về những mối đe dọa đối với dòng sông Mê Kông. Chính phủ các nước Lào, Cam Pu Chia và Thái lan đang có kế hoạch xây 11 đập thủy điện trên dòng chảy chính của sông. Nếu được xây dựng, những con đập đó sẽ ngăn cản các luồng cá di cư và gây xáo động lớn tới dòng sông, ảnh hưởng đến ngành ngư nghiệp của các nước lưu vực sông Mê Kông, an ninh lương thực khu vực và kế sinh nhai của hàng triệu người.

Liên minh sẽ đóng vai trò liên kết các tổ chức phi chính phủ, người dân địa phương, các nhà báo, nghệ sĩ cùng mọi người dân ở các nước trong lưu vực sông và trên thế giới. Đây sẽ là một diễn đàn để mọi người bày tỏ các mối quan tâm về tương lai dòng sông Mê Kông và cùng nhau hợp tác để tiếng nói của mình có thể được vang vọng trong khu vực và trên quốc tế.

Các chương trình hành động của Liên minh tập trung vào hai mục tiêu lớn, đó là nâng cao nhận thức của công chúng về những nguy hiểm khi xây dựng quá nhiều đập thuỷ điện trên một con sông có vai trò quốc tế quan trọng như dòng Mêkong và thuyết phục các nhà hoạch định chính sách áp dụng những phương thức bền vững và hoà bình hơn để đáp ứng nhu cầu năng lượng và nước của người dân.

Trong những tháng tới, các thành viên của Liên minh sẽ khởi động một loạt các hoạt động ủng hộ những thông điệp của liên minh. Trong tháng 3 và tháng 4, Liên minh sẽ thu thập các tấm bưu thiếp mang chữ kí của công dân từ khắp thế giới, tạo nên tiếng nói mạnh mẽ thuyết phục các nhà lãnh đạo của khu vực này giữ dòng chảy tự nhiên của con sông nhằm bảo đảm nguồn thu nhập, thực phẩm thiết yếu đời sống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Một trang web giới thiệu về Liên minh và đưa thông tin về việc xây dựng đập thuỷ điện trên sông Mê Kông bằng 7 thứ tiếng: Anh, Myanma, Trung, Khơ-me, Lào, Thái và Việt cũng đã được ra mắt tại www.SavetheMekong.org

Sông Mê kông là một trong những vựa cá nước ngọt giàu có nhất thế giới, đang nuôi sống hơn 60 triệu người. Các ước tính chính thức về giá trị của dòng sông là hơn 3 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên, con số to tát đó vẫn chưa nêu hết được giá trị thực bởi vì vựa cá này là nơi tập trung nguồn dinh dưỡng chủ yếu và đảm bảo an toàn lương thực cho rất nhiều người. Dòng sông Mê kông cũng là nơi sở hữu sự đa dạng rất lớn về thủy sinh vật, chỉ đứng sau sông Amazon.

Các công trình xây đập trên vùng thượng nguồn sông Mê kông (Lan Thương) của Trung quốc đã gây nên những vấn đề nghiêm trọng về môi trường cho những vùng hạ lưu như Miến Điện, bắc Thái Lan, và bắc Lào. Trữ lượng cá giảm sút và mực nước sông biến đổi không thể dự đoán đã làm cuộc sống của những cộng đồng dưới hạ lưu dòng sông thêm khó khăn, điều này cho thấy rằng các con đập trên dòng chảy chính của sông sẽ gây ra sự tàn phá.

Bất chấp những mối lo ngại này, gần đây, chính phủ các nước Lào, Cam Pu Chia và Thái lan đang có kế hoạch xây 11 đập thủy điện trên dòng chảy chính của sông. Nếu được xây dựng, những con đập đó sẽ ngăn cản các luồng cá di cư và gây xáo động lớn tới dòng sông, ảnh hưởng đến ngành ngư nghiệp của các nước lưu vực sông Mê Kông, an ninh lương thực khu vực và kế sinh nhai của hàng triệu người, đồng thời sẽ làm cho các loài quý hiếm như các heo nước ngọt Irrawaddy, cá catfish khổng lồ Mê kông và vô số các loại cá di cư khác tới bờ tuyệt chủng. Mất đi sự giàu có về sinh thái này có thể sẽ là thảm họa mang tính toàn cầu.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy không có cách nào giảm thiểu các tác động tiêu cực của những con đập tới nơi sinh sống của các loài thủy sản. Các thành phố khát năng lượng từ Việt Nam, Thái Lan đang trông mong vào lượng điện năng khổng lồ do các đập trên sông Mê kông mang lại. Thế nhưng nhu cầu điện năng ở những vùng đô thị đó hoàn toàn có thể được cải thiện thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, áp dụng những tiến bộ trong công nghệ năng lượng.

Khi chấp thuận các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ năng lượng mới, chính phủ các nước vùng sông Mê Kông có thể đột phá bước qua kỷ nguyên thủy điện những năm 50 và khởi đầu cho nền kinh tế hiện đại, và phát triển bền vững. Đảm bảo nguồn cung cấp điện năng theo phương thức hòa bình sẽ tránh được những xung đột giữa các quốc gia do việc xây đập ở các nước trong vùng gây ra.

 

Phượng Hà (Theo Save The Mekong)