Ô nhiễm không khí và tiếng ồn tại TP. HCM
Cập nhật: 21/04/2009
Nguồn: LĐ
Người dân TPHCM đang sống trong tình trạng ô nhiễm không khí và tiếng ồn nghiêm trọng. Ô nhiễm không gây ra cái chết lập tức như đụng xe, điện giật, sụp hố ga, cây đổ, mà chết từ từ do bệnh tật. TPHCM có 4 triệu chiếc xe máy và ôtô, cộng thêm 1 triệu phương tiện tương tự từ các tỉnh đến hoạt động. 100% xe máy không được kiểm soát về khí thải. Có nhiều loại xe khác nhau, không ít xe sản xuất từ đời tám hoánh, công nghệ lạc hậu nên lượng chất thải gây ô nhiễm cao.
Thở là hít thuốc độc
Hội thảo "Nâng cao năng lực quản lý chất lượng không khí đô thị tại TPHCM" được tổ chức ngày 14/4 đã đưa ra các kết quả quan trắc chất lượng không khí rất đáng nghi ngờ. Có nhiều chỉ số tăng, nhưng lại có chỉ số giảm, nó không phản ánh được thực tế môi trường hiện nay vì nơi ô nhiễm không đo lại đi đo nơi không ô nhiễm. Sự né tránh thực tế và làm đẹp con số quan trắc có ý nghĩa gì khi người dân đang chịu đựng ô nhiễm từng ngày.
TPHCM có 4 triệu chiếc xe máy và ôtô, cộng thêm 1 triệu phương tiện tương tự từ các tỉnh đến hoạt động. 100% xe máy không được kiểm soát về khí thải. Có nhiều loại xe khác nhau, không ít xe sản xuất từ đời tám hoánh, công nghệ lạc hậu nên lượng chất thải gây ô nhiễm cao.
Cùng với xe gắn máy là nhóm xe tải, xe buýt cũ kỹ, xả khói mù trời. Các loại xe này lưu thông bình thường thì nó đã đủ để "giết người" từ những thứ nó thải ra. Nhưng đáng sợ là còn tệ hơn nhiều, bởi vì phần lớn trong ngày, các phương tiện tham gia giao thông hoạt động trong tình trạng kẹt xe. Lúc đó, hàng triệu phương tiện đứng yên, đồng loạt xả khói như một cuộc tấn công huỷ diệt môi trường. Cho nên, ùn tắc giao thông không chỉ là làm mất thì giờ, hành hạ người dân, hao phí nhiên liệu mà là tác nhân gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với lượng chất thải từ xe máy, ô tô, TPHCM còn là trung tâm "sản xuất" bụi lớn nhất nước. Cả thành phố là công trường, ở đâu cũng đào lên, đắp xuống. Như xa lộ Hà Nội, cửa ngõ phía Đông đi vào thành phố, mấy chục năm nay vẫn là công trường. Còn biết bao tuyến đường, lô cốt, lề đường đào bới ngổn ngang, bụi đất mù trời, dân kêu than không tới được tai chính quyền. Người dân hít khói bụi hằng ngày, bệnh tật từ đó mà ra, thiệt hại đó không thể tính hết được. Trong một môi trường ô nhiễm như vậy, con người không thể trốn đi đâu được, ai cũng phải hít thở, và thở không khí đó chẳng khác gì uống thuốc độc.
Uống là nuốt thuốc độc
Người dân TPHCM đang sử dụng ba nguồn nước. Một là nước do nhà máy cung cấp, hai là nước giếng khoan, ba là nước từ các cơ sở sản xuất "nước tinh khiết". Điều rất đáng lo ngại hiện nay là cả ba nguồn nước đó đều không đảm bảo. Với tình trạng chất thải của các nhà máy, bệnh viện xả thẳng ra môi trường và các điểm chôn cất xử lý rác quá tải hiện nay, nguồn nước ngầm cũng như nước mặt đã bị ô nhiễm rất nặng. Chưa kể các đơn vị hút phân hầm cầu ngày đêm lặng lẽ đổ bậy khoảng 300m3 phân ra kênh rạch dưới sự bất lực của các cơ quan quản lý.
Những thứ đó chảy đi đây về đâu rồi cũng vào các nguồn nước, trong đó có nước máy mà đa số người dân đang sử dụng. Nước sông Sài Gòn ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng nước, các nhà hoá học đã lên tiếng cảnh báo về vấn đề này, và nó vẫn đang trong tình trạng được cảnh báo. Nguồn vào đầu nước quá ô nhiễm, nhưng khi xử lý xong và chuyển đến người sử dụng, nước đi qua hệ thống đường ống lâu ngày, quá cũ và hoen gỉ. Nước như vậy không thể đảm bảo an toàn cho sức khoẻ con người. Còn nguồn nước tinh khiết thì không như tên gọi của nó như báo chí đã phanh phui và cơ quan thanh tra y tế xác nhận.
Thực trạng trên nói lên một điều, chính quyền đã không làm hết trách nhiệm với dân. Kẻ sát nhân thầm lặng có tên gọi "Ô nhiễm" được sinh ra từ quá trình đô thị hoá và sự quản lý yếu kém.