Quy hoạch sân golf chưa có cơ quan quản lý
Cập nhật: 08/05/2009
Nguồn: TTXVN
Hiện nay, cả nước có 18 sân golf đang hoạt động nhưng các chuyên gia khẳng định hệ thống sân golf hoàn toàn hình thành theo tính tự phát, phụ thuộc vào "sáng kiến" của các chủ đầu tư. Hiện chỉ có 41 trong tổng số 138 dự án sân golf là có quy hoạch. Đây là những con số được nêu ra tại hội thảo "Sân Golf và xây dựng xanh", do Tổng Hội xây dựng Việt Nam tổ chức sáng 6/5/2009, tại Hà Nội với sự tham gia của gần 100 nhà khoa học thuộc các lĩnh vực địa chính, quy hoạch, kiến trúc, nông nghiệp, môi trường… cùng đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội Golf Việt Nam, chủ đầu tư một số sân golf.
Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho biết, thời gian gần đây, việc phát triển sân golf bị phê phán nặng nề dưới các góc độ như chiếm dụng đất đai nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, tạo sự bất bình đẳng xã hội… Tuy nhiên, hiện chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào đủ sức khẳng định cần phải chấm dứt các hoạt động xây sân golf. Theo ông Hùng, xây dựng hay phát triển sân golf là phạm trù mới ở Việt Nam nên cần được đánh giá một cách toàn diện.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra hiệu quả kinh tế của sân golf cũng như những tồn tại, yếu kém trong việc phát triển sân golf tại Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam hiện vẫn chưa có quy hoạch tổng thể cho loại hình du lịch - thể thao - kinh tế này. Vì vậy, sự phát triển manh mún, thiếu liên kết với phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật và xã hội đã khiến việc kiểm soát sân golf gặp khó khăn và chưa khống chế được nguồn ô nhiễm.
Theo Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Lưu Đức Hải, dự án sân golf chiếm diện tích rất lớn, từ 80 đến 700 ha và đa số là lấn vào đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa. Trong khi đó, đất dùng làm sân golf thực sự lại chiếm tỷ lệ rất thấp trong các dự án sân golf, có nơi chỉ bằng 30% diện tích được cấp; số còn lại được sử dụng để xây dựng các công trình kinh doanh, dịch vụ thương mại, biệt thự, khách sạn... Vì giá thuê đất làm sân golf thấp hơn nhiều lần so với giá thuê đất làm biệt thự, nhà ở, trung tâm dịch vụ thương mại nên nhà đầu tư đã lợi dụng kẽ hở này để kinh doanh bất động sản nhằm thu hồi vốn nhanh hơn...
Hầu hết các đại biểu cho rằng, quy hoạch sân golf là vấn đề cần quan tâm đặc biệt. Một số đề xuất được nêu ra như: xây dựng dự án này ở những “sa mạc” cát trắng như Phan Thiết, Nha Trang, Quảng Nam… hay những vùng trung du đất đai bạc màu sẽ giúp chống xói mòn, chống sạt lở nhờ được phủ xanh bởi sân golf; nếu quy hoạch sân golf gắn với qui hoạch xanh sẽ tạo quỹ đất và quỹ cây xanh cho các đô thị, tạo cảnh quan môi trường.
Quy hoạch phát triển sân golf có định hướng sẽ hạn chế được rất nhiều những tác động không tốt mà các ý kiến không đồng tình cho là “hệ lụy” mang lại từ sân golf; chỉ đầu tư sân golf trên khu đồi dốc, sườn núi, những khu đất làm nông nghiệp không hiệu quả hoặc những khu đất không có khả năng làm nông nghiệp, đất các khu công nghiệp cũ, đất ven sông, hồ...