Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Mông ở Điện Biên là một chuỗi các công đoạn được làm thủ công, tinh xảo; màu sắc và chất liệu đều được lấy từ thiên nhiên. Trong đó kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải là một công đoạn vô cùng độc đáo.
Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Mông được coi là loại hình tri thức dân gian đặc sắc với các công đoạn: dệt vải, vẽ hoa văn bằng sáp ong, nhuộm và thêu thủ công…
Người phụ nữ Mông dùng bút - một loại bút đặc biệt làm từ sừng hoặc xương của động vật, cán bút bằng tre hoặc gỗ, sau đó chấm sáp ong đang nóng chảy để vẽ hoa văn trên vải lanh.
Sáp ong trước đó được đun nóng chảy và giữ lửa nhỏ để duy trì nhiệt độ cho đến khi công đoạn vẽ hoàn tất.
Vẽ xong, tấm vải được nhuộm chàm nhiều lần cho đến khi ra được màu ưng ý.
Sau đó đem vải nhúng vào nước nóng cho sáp ong tan ra.
Rồi vải được đem hong khô để lộ ra những hoa văn màu trắng trên nền chàm.
Đây là một sản phẩm sau khi nhuộm.
Những họa tiết được vẽ tỉ mỉ bằng sáp ong sẽ lộ ra một cách rõ nét, tinh tế.
Màu chàm bám vào da tay của những người phụ nữ chuyên làm công đoạn nhuộm vải và không thể rửa sạch. Màu da chỉ trở lại bình thường trong một thời gian dài sau khi họ dừng công việc nhuộm vải.
Công đoạn cuối cùng là thêu chỉ màu lên các họa tiết để tạo ra một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh, độc đáo.
Do xu thế phát triển trong một xã hội hiện đại, sự giao thoa mạnh mẽ của các nền văn hóa nên ngày nay nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của dân tộc Mông đã dần mai một. Chỉ còn lại một số ít gia đình, địa phương duy trì nghề truyền thống này.
Là địa phương còn duy trì được khá nguyên vẹn nghề truyền thống này nên năm 2018, nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông (ngành Mông Hoa), ở xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Văn Thành Chương