Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Tại xã Khánh Bình Tây Bắc và Liên tiểu khu Trần Văn Thời thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đến cuối tháng 02/2016 đã có hơn 4.000 ha rừng tràm đang dự báo ở cấp cháy cao.
Dự báo khả năng những ngày tới sẽ có thêm nhiều diện tích rừng bị cạn nước. Lực lượng, phương tiện của hai đơn vị trên đã đưa xuống địa bàn ứng trực từ trước Tết.
Trước tình trạng khô hạn của rừng, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp U Minh Hạ đã chủ động triển khai 13 tổ máy bơm xuống các địa bàn để ứng trực; đã ký kết xong chương trình phối hợp giữa Công ty với chính quyền địa phương, các chủ rừng lân cận và các đơn vị thuê đất trồng rừng để hỗ trợ nhau khi cần thiết. Đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra và gia cố các đập giữ nước, hợp đồng thêm lực lượng để tăng cường cho các tiểu khu và có văn bản yêu cầu cán bộ, công nhân viên lao động của Công ty ứng trực phòng cháy chữa cháy rừng 24/24 tại đơn vị kể từ ngày 21/02/2015.
Qua kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau đã yêu cầu Công ty khẩn trương đưa hết 5 tổ máy bơm còn lại xuống địa bàn, tăng cường công tác tuần tra, luồng rừng và trực quan sát trên các chòi canh lửa; tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy rừng cho dân cư trong lâm phần. Đối với 200 hộ dân cư sống trong lâm phần chưa ký cam kết các quy định về phòng chống cháy rừng, đề nghị Công ty khẩn trương tổ chức cho hộ dân ký kết và thường xuyên theo dõi độ ẩm dưới chân rừng để đưa ra cấp dự báo cháy rừng phù hợp, nhằm chủ động, ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.
Ngoài ra còn có gần 7.000 ha rừng của các chủ rừng khác trên địa bàn huyện U Minh cũng đã xuất hiện diện tích rừng bị kiệt nước, dự báo cháy đang ở cấp cao. Tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ cũng đã có hơn 2.000 ha rừng khô hạn, đơn vị đã triển khai 5 tổ máy bơm cùng lực lượng xuống ứng trực tại những khu vực có nguy cơ cháy cao.
Để bảo đảm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã đề nghị các chủ rừng thường xuyên theo dõi mực nước và độ ẩm dưới chân rừng, khẩn trương đưa phương tiện, lực lượng xuống địa bàn trạm, chốt; tăng cường công tác tuần tra, luồng rừng và trực quan sát trên các chòi canh lửa; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; nhất là không được vào rừng ăn ong và đốt đồng vào thời gian cao điểm của mùa khô.
Tin & ảnh: Giang Sơn