Rừng thứ sinh - chìa khóa cho bài toán giảm khí thải

Cập nhật: 05/02/2016
Rừng nhiệt đới được khôi phục trên các diện tích đất khai hoang để sản xuất nông nghiệp và chăn thả gia súc không chỉ phát triển nhanh hơn mà còn hấp thu một lượng khí CO2 lớn hơn so với rừng lâu năm.

 

Kết quả nghiên cứu mới công bố trên tạp chí khoa họa Nature (Tự nhiên) của Anh đã chứng minh điều ngược lại với hiểu biết lâu nay về khả năng hấp thụ khí CO2 của các cánh rừng.

 

Dựa vào kết quả phân tích quá trình phục hồi hơn 1.500 cánh rừng và 45 khu sinh thái ở khu vực Mỹ Latinh, nghiên cứu chỉ ra những khu rừng thứ sinh phát triển trên những khoảng đất hoặc cánh đồng bỏ hoang hấp thụ khí CO2 nhanh hơn.

 

Chỉ sau 2 thập kỷ, tốc độ phát triển của những cánh rừng dạng này tại khu vực Mỹ Latinh là hơn 120 tấn sinh vật/ha/năm và giúp loại bỏ 3 tấn carbon/ha/năm, gấp 11 lần so với rừng nguyên sinh.

 

Các tác giả cũng sử dụng cơ sở dữ liệu từ nghiên cứu để thiết kế một bản đồ về những khu vực có thể tái tạo rừng nhiệt đới tại khu vực Mỹ Latinh.

 

Hơn 50% diện tích rừng nhiệt đới trên thế giới không phải rừng nguyên sinh mà là những cánh rừng thứ sinh, mọc tự nhiên trên những khoảng đất vốn được khai hoang để sản xuất nông nghiệp.

 

Những cánh rừng nhiệt đới này được coi là "lá phổi" của Trái Đất, giúp hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu nhờ hấp thu khoảng 30% lượng khí thải carbon trong bầu khí quyển.

 

Tình trạng phá rừng, khiến hệ sinh thái rừng suy thoái sẽ không chỉ khiến số lượng cây sinh trưởng và hấp thu khí CO2 giảm đi mà còn tạo ra một lượng đáng kể khí CO2 thải ra môi trường, bởi khi bị đốn chặt, cây sẽ thải ra chính lượng khí CO2 mà nó đã tích tụ trước đó./.

Nguồn: TTXVN