Ngày 10/10/2016, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp, xét công nhận 15 cây cổ thụ ở các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng vừa mới gửi về là Cây Di sản Việt Nam.
Cây Sui thuộc Di tích Đền Ken, xã Chiền Ken, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai
Tỉnh Lào Cai có 05 cây Sui có tuổi từ 200 đến 300 năm (trong đó có cây cao tới 54 mét, chu vi thân 11 mét) ở đền Ken, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn được công nhận đủ tiêu chí là Cây Di sản Việt Nam.
Cùng với cây Bồ đề có tuổi trên 400 năm, chu vi thân hơn 10 m ở đình Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh còn có 02 cây Nhội và 01 cây Ruối hơn 200 năm trong khuôn viên Đền Rồng – nơi thờ bà Lý Chiêu Hoàng ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn đã được Hội đồng nhất trí thông qua.
Cây Lim xanh khổng lồ có đường kính thân gần 2 mét, chiều cao: 45 mét ở Bản Nghè, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang là cây có tuổi cao nhất được công nhận Cây Di sản Việt Nam trong đợt này (1.100 năm). Tỉnh Bắc Giang còn có cây Bồ đề gần 400 năm, chu vi thân 7,9 mét, cao 25 mét ở thôn Đông Lỗ, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa được công nhân đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam
Thành phố Hải Phòng có 04 cây cổ thụ được xét công nhận Cây Di sản Việt Nam trong đợt này, bao gồm: 03 cây (Đa, Gạo và Sanh) từ 200 đến 350 năm ở đình Cống Mỹ, miễu Chùa Bà, xã Nam Sơn, huyện An Dương, và 01 cây Ruối gần 500 năm ở đồng Gia Xứ, thôn Thủy Tú, xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên. .
Nếu như tất cả những cây này, đều được Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam thông qua, thì số lượng Cây Di sản Việt Nam ở nước ta đã lên tới con số 2.624 cây.