Với lợi thế đặc thù du lịch sinh thái sông nước, du lịch Vĩnh Long hình thành và phát triển từ những năm 80; tỉnh đã thành lập Công ty du lịch Cửu Long, tiếp nhận phục vụ các đoàn khách từ Liên Xô và Đông Âu (cũ) với các chương trình du lịch, tham quan các vườn cây ăn trái và chọn một số nhà dân là điểm tham quan cho du khách tại cù lao An Bình (huyện Long Hồ).
Ngay từ khi hình thành, du lịch gắn với điều kiện tự nhiên sông nước và đồng thời phát huy các giá trị tài nguyên nhân văn, đời sống văn hóa của cư dân địa phương. Chính những tài nguyên này là cơ sở cho du lịch phát triển và phát triển bền vững cho đến ngày nay.
Chèo xuồng tham quan sông nước sinh thái miệt vườn ở cù lao An Bình, huyện Long Hồ
Theo thống kê, năm 2015 Vĩnh Long đón 960.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 205.000 lượt, doanh thu đạt 220 tỷ đồng. Năm 2016, Vĩnh Long đạt ngưỡng 1 triệu lượt khách đến tham quan, khách quốc tế 215.000 lượt tăng 8% khách nội địa 785.000 lượt tăng 5%, doanh thu 280 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2015. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có hơn 25 khu, điểm du lịch nổi bật nhất vẫn là các điểm tại cù lao An Bình (huyện Long Hồ), số lượt khách quốc tế đến nơi đây chiếm khoảng 60-70% tổng lượt khách du lịch quốc tế đến Vĩnh Long, một số điểm tiêu biểu như các điểm Út Trinh homestay, Nam Thanh homestay, Hai Đào homestay,…
Bên cạnh đó, nhận thức của các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư về phát triển du lịch ngày càng được nâng cao, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, các khu điểm du lịch, chất lượng sản phẩm du lịch được quan tâm đầu tư, nâng cấp với chất lượng ngày càng tốt hơn. Trong thời gian qua, nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch của các tổ chức, cá nhân ước đạt khoảng 900 tỷ đồng. Tổng số cơ sở lưu trú 86 cơ sở với hơn 1.100 phòng đạt chuẩn, tỉnh hiện có 03 công ty hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế và 17 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa, trên 100 phương tiện vận chuyển khách du lịch thủy nội địa từ 9 đến 50 chỗ ngồi, có 42 di tích Văn hóa lịch sử cấp tỉnh và 11 cấp quốc gia. Cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khu vui chơi giải trí: Khách sạn đạt chuẩn 1 sao trở lên đều có nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch, các huyện, thị xã đều có cơ sở phục vụ ăn uống cho du khách. Công tác quảng bá xúc tiến được quan tâm và thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, đã tổ chức thi ảnh đẹp du lịch về hình ảnh vùng đất và con người Vĩnh Long, sáng tác mẫu tặng phẩm, hàng lưu niệm phục vụ khách tham quan Vĩnh Long.
Du lịch Vĩnh Long có những lợi thế để phát triển dù còn có những hạn chế nhất định như chất lượng sản phẩm dịch vụ chưa cao, thiếu các cơ sở vui chơi giải trí, chưa tham gia hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tại thị trường ngoài nước, chưa có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và nguồn nhân lực,…
Việc đầu tư cho khai thác thị trường khách du lịch quốc tế, khách nội địa tại thị trường miền Trung và miền Bắc còn hạn chế. Các điểm du lịch quy mô nhỏ, nguồn nhân lực ở mức phổ cập, những người làm du lịch chưa chú ý đầu tư xây dựng sản phẩm mới.
Du lịch Vĩnh Long hình thành và phát triển gần 30 năm nhưng chưa được sự đầu tư của nhà nước về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất cho phát triển du lịch, chủ yếu hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; chưa có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp du lịch trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thuế… của nhà nước. Các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn đầu tư ít nên chưa đầu tư phát triển sản phẩm mang tính đột phá trong phát triển du lịch, hạn chế về trình độ ngoại ngữ ảnh hưởng dến khả năng khai thác khách trực tiếp từ nước ngoài, ít quan tâm đến đào tạo nâng cao trình độ lao động tại đơn vị. Tại các di tích thiếu các dịch vụ bổ trợ, vì vậy, rất khó gắn kết du lịch với di tích.
Trong thời gian gần đây, Vĩnh Long tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái sông nước với các sản phẩm du lịch đặc thù là hệ thống lưu trú tại nhà dân (homestay), bên cạnh các sản phẩm du lịch được phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên sẵn có, Vĩnh Long còn có các công trình văn hóa trọng điểm như Khu lưu niệm cố Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (huyện Long Hồ), Khu lưu niệm cố Thủ tưởng Chính phủ Võ Văn Kiệt (huyện Vũng Liêm) và khu lưu niệm Giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa (huyện Tam Bình). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 11 di tích cấp quốc gia thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch văn hóa - danh nhân, tiêu biểu như Văn Thánh miếu, Công Thần miếu, chùa Tiên Châu, chùa Phước Hậu, Lăng ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn. Trên 20 làng nghề truyền thống đã được công nhận, các sản phẩm làng nghề đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Một số đặc sản đã có thương hiệu như: bưởi 5 roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, . . . đặc biệt khoai lang Bình Tân, xà lách xoong Bình Minh được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận Top 50 đặc sản địa phương năm 2015. Với nguồn tài nguyên này, tỉnh chủ trương sẽ phát triển ổn định và nâng cao dịch vụ loại hình du lịch lưu trú tại nhà dân (Homestay), đồng thời phát triển du lịch cộng đồng gắn với tham quan di tích lịch sử văn hóa, danh nhân, làng nghề… Hiện tại, các chương trình như "Một ngày làm nông dân", "Sông nước miệt vườn", "Nhịp sống miền tây… đang phát triển khá tốt. Đồng thời hướng dẫn các điểm tham quan vườn trái cây tham gia phục vụ du khách với chất lượng tốt và chuyên nghiệp hơn; hỗ trợ giới thiệu các loại hình nghệ thuật phù hợp là sản phẩm phục vụ du lịch bên cạnh loại hình đơn ca tài tử đã rất phát triển (loại hình hát bộ đã đưa vào phục vụ du khách tại đình An Thành, xã An Bình, huyện Long Hồ bước đầu đã được đón nhận tích cực).
Du khách quốc tế tham quan làng nghề gốm Vĩnh Long
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch có chuyên môn và trình độ. Thống kê cho thấy, tổng số lao động trực tiếp trong ngành du lịch năm 2011 là 1.300 lao động, đến năm 2015 khoảng 1.500 lao động, lao động gián tiếp khoảng 4.500 lao động. Vĩnh Long vẫn duy trì đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại chỗ (các năm qua đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, cụ thể năm 2015- 2016 đã tổ chức được 10 lớp với trên 400 học viên), trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tổ chức nhiều lớp nghiệp vụ du lịch để nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực theo chuẩn của ngành và xu thế hội nhập trong khu vực và quốc tế.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định phê duyệt sản phẩm du lịch đặc thù đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tại địa phương, Tỉnh ủy Vĩnh Long cũng đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 06/11/2016 về việc phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long giai đoạn từ nay đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị Quyết 01 một cách cụ thể, xác định mục tiêu và đưa ra các giải pháp. Đây chính là cơ sở để tạo bước đột phá phát triển du lịch tỉnh nhà, hòa vào xu thế chung của cả nước đưa du lịch từ ngành kinh tế quan trọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Trong thời gian tới, các sở, ngành cần tập trung và phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU: Đề án trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử, danh nhân và bảo tồn phát huy nghệ thuật truyền thống phục vụ phát triển du lịch; Đề án quy hoạch, kêu gọi đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác bến tàu du lich đạt chuẩn; Quy hoạch vùng trái cây đặc sản 4 mùa, hàng nông nghiệp tiêu biểu, làng nghề truyền thống; Đề án giới thiệu, trưng bày sản phẩm hàng tiểu thủ công nghiệp phục vụ phát triển du lịch, …
Đẩy mạnh thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch với các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, với thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch, chú trọng thị trường ngoài nước như Âu Châu, Mỹ, Nhật, Hàn, Trung Quốc đặc biệt là thị trường các nước ASEAN.
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và chương trình du lịch trong và ngoài tỉnh; trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử, danh nhân và bảo tồn phát huy nghệ thuật truyền thống phục vụ phát triển du lịch; xây dựng logo, Slogan, thi ảnh du lịch, quà tặng; hàng lưu niệm cho khách du lịch;… Tập trung kêu gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch Vĩnh Long giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030. Tổng vốn đầu tư dự ước 1.700 tỷ đồng (nguồn xã hội hóa 1.290 tỷ đồng, ngân sách nhà nước 410 tỷ đồng), một số dự án như: Bến tàu du lịch - Khu phố hàng lưu niệm - Bãi đỗ xe du lịch, Đầu tư, tôn tạo, mở rộng điểm du lịch quốc gia Văn Thánh Miếu, Khu liên hợp Văn hóa, Thể thao, Du lịch Cái Ngang - huyện Tam Bình, Bảo tàng Nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long,…