Những vườn cây trái sum suê, những con rạch đan xen chằng chịt, uốn quanh hữu tình cộng với không khí trong lành tạo cho Phong Điền lợi thế phát triển loại hình du lịch xanh. Về Phong Điền đúng mùa trái cây, du khách sẽ được thưởng thức đủ loại cây lành trái ngọt, trải nghiệm không gian miệt vườn, nếp sống thân tình của người dân.
Cách trung tâm TP.Cần Thơ khoảng 16km, Phong Điền có hơn 6.000 ha vườn cây ăn trái, nổi tiếng với các loại trái ngon như: dâu Hạ Châu, nhãn da bò, sầu riêng cơm vàng hạt lép, cam mật, măng cụt, chôm chôm… Trong các vườn cây này, có khoảng 28 điểm vườn du lịch sinh thái. Phong Điền được ví như "thế giới trái cây" của thủ phủ Tây Đô, trải đều ở 7 xã, thị trấn, và được phân vùng theo từng loại trái cây: xã Nhơn Ái, Mỹ Khánh nổi tiếng với dâu; sầu riêng, chôm chôm ở xã Tân Thới, Nhơn Nghĩa; vú sữa tập trung chủ yếu ở thị trấn Phong Điền, xã Trường Long, Giai Xuân, Nhơn Ái.
Đến hẹn lại lên, đúng mùa trái cây, nhiều du khách ghé vườn chú Năm Liền (tên đầy đủ là Trần Văn Liền), còn gọi là Vườn trái cây Vàm Xáng (ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền). Đây là khu vườn còn giữ nét tự nhiên đúng kiểu nhà vườn Nam Bộ xưa: hàng rào hoa kiểng, hàng cau thẳng tắp hai bên lối đi, những đụn rơm chất cao, cây cầu khỉ cheo leo trước cửa nhà… Vườn cây nhà chú Năm Liền đã có gần 20 năm tuổi, rộng hơn 2,5 ha với chục loại cây trái: chôm chôm, cam, măng cụt…, nhiều nhất là dâu. Những cây dâu cao vút, rắn rỏi, xanh mướt, năm nào cũng sai trái. Chú Năm Liền giới thiệu: "Những cây dâu này đã có 19 năm tuổi. Mỗi năm, dâu chỉ chín rộ vào tháng 5 và tháng 10 âm lịch, cây nào cây nấy đều sai trái, bám đầy thân cành, nhìn rất đẹp". Đúng như chú Năm Liền chia sẻ, mùa dâu chín, dâu sai trái mọc kéo dài đến tận gốc, khít rịt, chen mình khoe vẻ no tròn, chín mọng bóng loáng. Những chùm dâu lủng lẳng, đôi khi rất gần mặt đất, du khách có thể tiện tay hái vài chùm, thưởng thức tại vườn giống dâu Bòn bon và Hạ Châu nổi tiếng ở đất Phong Điền, có vỏ mỏng, vị ngọt, mùi thơm dịu.
Dọc tuyến lộ Vòng Cung, đoạn từ xã Mỹ Khánh đến thị trấn Phong Điền, rất nhiều vườn dâu, măng cụt, chôm chôm đón chào du khách như: vườn Giáo Dương, vườn dâu Hạ Châu, Làng du lịch Mỹ Khánh… Men theo con rạch Chuối, du khách đến vườn trái cây Hoàng Anh (ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Khánh) để tận hưởng một thế giới cây trái khác. Vườn Hoàng Anh rộng hơn 5.800m2, đa dạng các loại cây trái, đặc biệt là măng cụt, ổi lê, dâu tằm. Chị Nguyễn Thị Phượng, chủ vườn Hoàng Anh, cho biết: "Chúng tôi trồng đủ các loại cây, chủ yếu để vườn ra trái quanh năm, phục vụ du khách. Vợ chồng tôi còn tìm hiểu, trồng thêm nhiều loại cây trái mới để vườn cây đa dạng hơn". Cách vườn Hoàng Anh vài trăm mét là vườn nhãn Mỹ Thuận (ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Khánh) của gia đình chị Nguyễn Thị Xuân Huệ. Vườn nhãn rộng hơn 5.000m2, có tuổi đời trên 10 năm, cũng trồng đủ các loại cây trái như: thanh long, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhiều nhất vẫn là nhãn. Mùa nhãn nở rộ, du khách thỏa sức dạo quanh vườn, tự tay hái những chùm nhãn sai trái, chín mọng, thơm ngọt.
Tả ngạn sông Cần Thơ, các nhà vườn thuộc xã Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái cũng tấp nập du khách. Dọc theo rạch Mương Điều, du khách đến vườn du lịch sinh thái Vũ Bình (Ngã Ba Mương Điều, xã Nhơn Ái), nổi tiếng với những vườn măng cụt xanh mướt, sai trái. Từ tháng 4 đến tháng 7 dương lịch, măng cụt ra trái nở rộ, khách có thể thỏa sức tham quan, hái trái và thưởng thức tại vườn. Ngoài ra, ông Vũ Bình- chủ vườn- còn liên kết với các vườn ổi, táo, vú sữa, nhãn ở xung quanh để thiết kế tour cho du khách tham quan các vườn bằng ghe, mang đến trải nghiệm thú vị. Dọc rạch Mương Điều còn nổi tiếng với những vườn vú sữa Lò Rèn thơm ngon. Đến đây đúng mùa (khoảng tháng 11 âm lịch đến tháng 2 năm sau), du khách được thưởng thức ngay tại vườn những trái vú sữa bóng bẩy, căng mọng, ngọt lịm.
Theo rạch Mương Khai, du khách có thể tìm đến khu du lịch sinh thái Lung Cột Cầu (ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa) nổi tiếng có giống sầu riêng cơm vàng hạt lép thơm ngon. Khu du lịch này rộng hơn 7 ha, trong đó có 5 ha vườn cây ăn trái với đủ các loại: chôm chôm, nhãn, dâu Hạ Châu, măng cụt, đặc biệt là sầu riêng. Sầu riêng có hai vụ trong năm, vụ chính thường vào khoảng tháng 5-6 âm lịch, vụ nghịch thu hoạch vào tháng 1-2 âm lịch. Giống sầu riêng cơm vàng hạt lép nổi tiếng múi to, cơm nhiều, vị ngọt và thơm. Đặc biệt, tại vườn, du khách còn được thưởng thức sầu riêng rụng- những trái chín cây, rất thơm ngon.
Không những thế, du khách còn có thể ghé các vườn khác như: vườn dâu Bảy Thum, Bảy Bế, chú Út, vườn trái cây Bảy Cụt, vườn Ba Sáng, vườn sinh thái, cơ sở sản xuất bánh hỏi Út Dzách… Dạo chơi, hít thở không khí trong lành của vườn cây quanh nhà, tự do hái trái trong vườn hoặc mắc võng ngả lưng, tận hưởng giây phút yên bình của miền quê sông nước, mang đến cho du khách những giây phút thư giãn tuyệt vời. Ngoài ra, du khách có thể trải nghiệm làm nông dân với nhiều hoạt động dân dã như: dỡ chà, kéo vó, tát mương bắt cá, câu cá. Những con mương men theo các liếp vườn được chủ nhà tận dụng nuôi cá. Các chà cá, vó được để sẵn ở những khoảng mặt nước rộng, nếu thích du khách có thể tận tay kéo vó, từng chà cá lên để thu hoạch hoặc lội xuống mương tát đìa, lặn ngụp bắt từng con cá. Cá bắt được, du khách có thể tự mình hoặc nhờ gia chủ chế biến thành những món ăn dân dã.
Đặc biệt ở Phong Điền còn có vườn ca cao nhà ông Lâm Thế Cương, thường gọi là Mười Cương, ở ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh. Nhà vườn này nổi tiếng trồng và chế biến ca cao. Tại đây, du khách có dịp tham gia vào những hoạt động thường ngày của gia chủ, đặc biệt là quy trình sản xuất ca cao thủ công. Vườn ca cao nhà chú Mười Cương rộng hơn 12 công, tuổi đời khoảng 50 năm. Du khách tham quan vườn, được chú Mười Cương chia sẻ các kinh nghiệm trồng cây, cách phân biệt các giống ca cao và tự do hái ca cao chín. Ngoài thưởng thức ca cao tại chỗ, du khách có thể học chế biến rượu, bột ca cao và chocolate.
Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch huyện Phong Điền, cho biết: "Với lợi thế vườn cây trái phong phú, tươi ngon, Phong Điền trở thành điểm đầu mối bán trái cây ra các thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thậm chí qua các nước láng giềng như Campuchia, Lào; đặc biệt, gắn liền với phát triển du lịch của địa phương. Về định hướng lâu dài, Phong Điền sẽ tận dụng lợi thế này phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường". Hiện UBND huyện Phong Điền đã ký biên bản ghi nhớ về "Hợp tác phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng nông thôn mới" với Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ. Với ký kết này, Trường Đại học Cần Thơ đưa nhiều đoàn chuyên gia, sinh viên quốc tế đến khảo sát, tìm nguồn đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp cho địa phương. Đó là những tín hiệu mới với du lịch Phong Điền