Các dự án biệt thự, nghỉ dưỡng và khách sạn ven biển tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư

Cập nhật: 28/04/2017
Tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực khách sạn tại Việt Nam còn rất lớn, nhất là các dự án biệt thự, nghỉ dưỡng và khách sạn ven biển vẫn đang tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư vì có hiệu quả lợi nhuận.
Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ sở lưu trú du lịch cao cấp
 
Với mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch Việt Nam sẽ thu hút được 17 đến 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đây sẽ trở thành một cơ hội tốt cho lĩnh vực nhà hàng khác sạn phát triển. Dự kiến trong thời gian tới, tại các khu vực trung tâm du lịch đặc biệt là khu vực ven biển sẽ có thêm nhiều khách sạn cao cấp từ 3 đến 5 sao.
 
Theo Hiệp hội khách sạn Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch trong những năm gần đây tăng khá cao. Khách sạn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có công suất tương đương các thành phố lớn trong khu vực ASEAN. So với năm 2010 thì năm 2016 tăng 1,75 lần về số lượng. Loại hình cơ sở lưu trú du lịch ngày càng đa dạng, phong phú, ngoài khách sạn và nhà nghỉ thì đã hình thành nhiều loại hình khác như khách sạn nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch... Các cơ sở lưu trú du lịch quy mô lớn được đầu tư tập trung ở các trung tâm du lịch và khu vực ven biển như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Phan Thiết...
 
Đánh giá về sự phát triển của ngành du lịch khách sạn, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng sự ra đời của hàng loạt khách sạn và các loại hình lưu trú du lịch cao cấp tại các vùng miền đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế quốc gia, thể hiện sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Với 21.000 cơ sở lưu trú du lịch, đã đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ và các nhu cầu, dịch vụ khác của mọi thành phần du khách có mức chi trả khác nhau, góp phần tích cực phục vụ thành công những sự kiện trọng đại của quốc gia và quốc tế.
 
Bà Dương Thùy Dung, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển công ty CBRE Việt Nam, cho biết: "Hiện tại các dự án biệt thự, nghỉ dưỡng và khách sạn ven biển vẫn đang tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư vì có hiệu quả lợi nhuận. Đơn cử như tại Đà Nẵng, chỉ tính riêng trong năm 2016, địa phương này đã có hơn 5.000 căn hộ khách sạn được chào bán ra thị trường. Do đó, chúng tôi dự báo trong năm 2017 sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch khách sạn Việt Nam".
 
Một số nhà đầu tư cũng khẳng định, trong năm 2017 sẽ mở thêm nhiều khách sạn từ 4-5 sao tại các thành phố du lịch như TP Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Phú Quốc… Ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Saigontourist, cho biết: "Chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng thêm một số khách sạn tại TP Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu khách du lịch ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, do diện tích đất trống tại khu vực trung tâm quận 1 và quận 2 còn rất ít nên Saigontourist đang xúc tiến tìm địa điểm phù hợp để xây dựng".
 
"Dự kiến trong năm 2020 sẽ có 580.000 buồng và 2030 sẽ có 900.000 buồng. Trong thời gian tới hoạt động đầu tư khách sạn sẽ tiếp tục sôi động hơn ở các khu vực trung tâm du lịch, đặc biệt là các khu vực ven biển và tập trung vào khối cao cấp từ 3 - 5 sao", ông Ngô Hoài Chung cho biết thêm.
 
Dù ngành khách sạn tại Việt Nam đã phát triển rất nhiều trong thời gian qua nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, việc đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú du lịch còn mang tính tự phát không theo quy hoạch của ngành, cạnh tranh không lành mạnh, một số khách sạn xuống cấp không giữ hạng...
 
Các chuyên gia cho rằng, tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực khách sạn tại Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, để thu hút được các nhà đầu tư Việt Nam cần cải thiện nhiều hơn về chính sách, hạ tầng và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Nguồn: TTXVN