Tình trạng vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi, chất thải, nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xen lẫn trong khu dân cư chưa được xử lý gây ô nhiễm môi trường đang là vấn đề gây bức xúc trong nhân dân. Đây là bài toán khó giải cho các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình bởi ý thức bảo vệ môi trường của một số người trong cộng đồng dân cư chưa cao cùng với công cụ và phương tiện gom rác còn nhiều bất cập.
Tại khu vực chợ Nhà máy điện Ninh Bình, nước hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng do xả rác thải.
Trên tuyến đường 58 thuộc địa bàn xã Khánh Cư (Yên Khánh) không khó khi nhận biết hàng đống rác thải từ lâu chưa được xử lý triệt để. Tại đây, rác thải vứt tràn lan bên lề đường với đủ các loại từ túi nilon, xác động vật chết, đồ dùng sinh hoạt gia đình hỏng, bỏ. Rác chất thành đống, tồn đọng lâu ngày thu hút nhiều ruồi, muỗi bâu bám, gây mùi hôi rất khó chịu, làm mất mỹ quan ở một xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh Đinh Văn Vọng cho biết, thực tế này diễn ra khá lâu, chính quyền địa phương nhiều lần thuê thiết bị, phương tiện đến thu gom rác thải đi nơi khác, nhưng do ý thức của người dân còn hạn chế nên chỉ sau một thời gian, rác thải vẫn ùn lên tại đây.
Thực trạng vứt rác bừa bãi không chỉ diễn ra trên tuyến đường 58 mà còn xuất hiện trên đê sông Vạc, đoạn qua địa bàn xã Khánh Cư. Thôi thì đủ các loại rác, trong đó rác thải xây dựng chiếm nhiều nhất, điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn xâm lấn, vi phạm thân đê, ảnh hưởng đến công tác phòng chống lụt bão. UBND huyện Yên Khánh nhiều lần có văn bản yêu cầu xã Khánh Cư tập trung các biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng đổ rác thải trên đê. Đến nay, lượng rác thải tập kết trên đê sông Vạc tuy giảm, song chưa dứt điểm, vẫn lác đác có chỗ còn rác thải xây dựng.
Theo một số hộ dân sống gần đê sông Vạc thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ý thức của người dân chưa cao, người phát hiện việc làm sai trái khó nhắc nhở bởi lo “tình làng nghĩa xóm” bị sứt mẻ. Thêm vào đó, địa phương chưa bố trí được nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện khu gom xử lý rác thải. Hiện tại, xã Khánh Cư đang kêu gọi xã hội hóa và hoàn thiện các thủ tục xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt với kinh phí dự kiến khoảng 3 tỷ đồng, từ đó sẽ từng bước giải quyết vấn đề xử lý rác thải trên địa bàn.
Không chỉ riêng trên địa bàn xã Khánh Cư, hiện nay một số xã trên địa bàn huyện Yên Khánh cũng đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt. “Để xử lý rác thải sinh hoạt ở các vùng nông thôn, thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường sống”, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh Đinh Văn Vọng nói. Bên cạnh đó, quy hoạch mạng lưới thu gom rác, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn tại khu vực nông thôn; khuyến khích các xã sử dụng lò đốt chất thải sinh hoạt quy mô nhỏ cho cụm dân cư nông thôn tập trung, từng bước hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra.
Không chỉ riêng cấp huyện, ngay tại thành phố Ninh Bình - nơi được coi là trung tâm văn hóa - du lịch của tỉnh Ninh Bình thì thực trạng xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường sống xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn. Tại một số khu phố, cụm dân cư ô nhiễm môi trường do nước thải, chất thải từ hoạt động sản xuất của cơ sở kinh doanh, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, xen lẫn trong khu dân cư, không chỉ tác động đến mỹ quan đô thị, mà còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, phố Hương Phúc, phường Ninh Sơn (thành phố Ninh Bình) cho biết, gia đình bà sống gần cơ sở sản xuất bún, luôn phải chịu mùi chua, thối do nước thải trong quá trình sản xuất gây ra. Nhất là vào những ngày nắng nóng, oi bức, nhiều người thở hổn hển bởi không khí như đặc quánh lại, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đời sống cộng đồng dân cư. Đáng ngạc nhiên là hệ thống cống nước thải sinh hoạt ở khu dân cư phố Hương Phúc không có lối thoát, không nắp đậy, hằng ngày nước bị ứ đọng. Trong khi cơ sở sản xuất bún thường xuyên xả nước thải càng gây ứ đọng, bốc mùi hôi thối ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trước ý kiến phản ánh của người dân, UBND phường Ninh Sơn tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy, rắc vôi để khử mùi hôi thối, tuy nhiên tình trạng này ít được cải thiện, gây ảnh hưởng lan đến các khu phố khác, khiến nhân dân bức xúc. Hiện các phòng chức năng của thành phố Ninh Bình tiến hành kiểm tra, chỉ ra những sai phạm của cơ sở sản xuất bún, yêu cầu cơ sở tạm dừng việc sản xuất, khẩn trương xây dựng các hạng mục để có biện pháp xử lý triệt để nước thải sản xuất để không gây ô nhiễm môi trường, trước mắt có trách nhiệm nạo vét, thu gom các vật liệu thải ra cống thoát nước của khu dân cư.
Tình trạng ô nhiễm môi trường từ sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi nhỏ lẻ, xen lẫn trong khu dân cư vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Người dân nhiều khu dân cư thường xuyên phải hứng chịu mùi xả thải do chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm; mùi xả thải từ các ngành nghề phụ như mộc, bún, bánh. Ông Lê Khắc Khoa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình nhận định, nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do người sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi chưa hiểu biết về Luật Bảo vệ môi trường, xem nhẹ vấn đề môi trường sống, cùng chuyện nhiều nơi chính quyền cơ sở còn buông lỏng trong vấn đề quản lý, ngại va chạm.
Công bằng mà nói, thời gian qua môi trường sống ở các vùng nông thôn tỉnh Ninh Bình được cải thiện đáng kể. Toàn tỉnh có hơn 85% số xã tổ chức mô hình thu gom rác sinh hoạt để vận chuyển đi chôn lấp, xử lý. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng vứt rác thải sinh hoạt, xả nước thải một cách bừa bãi như hiện nay thì vấn đề nhận thức của người dân phải được nâng cao mới mong tinh thần tự giác bảo vệ môi trường của mỗi người ngày một tốt hơn.
Để từng bước giải quyết triệt để tận gốc vấn đề vệ sinh môi trường, nhất là vùng nông thôn, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, hộ sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch các khu thu gom, xử lý chất thải. Trong đó, các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể cơ sở cần tích cực vào cuộc vận động, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm môi trường.
Trước mắt, muốn bảo vệ môi trường nông thôn có hiệu quả, các hộ cần có thùng chứa rác rồi tự phân loại rác, chôn lấp hoặc bỏ đúng nơi quy định để đội vệ sinh mang đi chôn lấp hoặc xử lý tập trung. Nước thải hoặc phân trong chăn nuôi cần xử lý bằng cách xây hầm biogas, phân phải được xử lý trước khi sử dụng, không thải trực tiếp nước, phân thẳng ra môi trường. Trong sản xuất nông nghiệp, nên hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hãy thu vỏ chai, lọ, vỏ bao bì đến nơi quy định để xử lý. Nên tăng cường sử dụng phân xanh, phân hữu cơ tại chỗ hạn chế dùng phân vô cơ, không nên dùng phân tươi bón trực tiếp cho rau xanh, hoa màu để phát tán ra môi trường ô nhiễm gây độc hại cho người tiêu dùng.
ĐỖ TẤN