II. Ô nhiễm không khí và sức khỏe
Mỗi ngày chúng ta đều phải hít thở không khí để có thể tồn tại, vì thế nếu như "nguồn sống" này bị nhiễm bẩn thì đó thật là điều đáng lo ngại. Chúng sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng ta và các vấn đề môi trường.
Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có không khí bị ô nhiễm nhất thế giới. Hiện nay, vấn đề ô nhiễm thường gặp tại các đô thị lớn, chủ yếu là khí TSP, hoặc các chất độc hại được thải trực tiếp không thông qua xử lý chiếm tỉ lệ cao. Riêng ở Hà Nội, theo khảo sát của sở Y tế thành phố thì hơn 70% có người mắc bệnh do ô nhiễm không khí gây ra. Hàm lượng khí thải độc hại như CO, SO2… trong không khí cao. Có nơi gấp 9 lần so với mức độ ô nhiễm thông thường.
Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã phân loại 6 vật chất chính làm cho không khí bị ô nhiễm là Sulfur Dioxide (SO2), vật chất phóng xạ (PM), Ozone (O3), Nitrogen dioxide (NO2), chì (Pb) và carbon monoxide (CO).
* Nguyên nhân phát sinh và tác hại của khí SO2
Phát sinh khí đốt các nguyên liệu như gỗ, than, phân khô, rơm, rác….Khi con người bị khí SO2 xâm nhập vào cơ thể, SO2 dễ dàng phản ứng hóa học với nhiều thành phần trong cơ thể có khả năng gây rối loạn chuyển hóa đường, protein..gây tắc nghẽn mạch máu và giảm khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu làm co hẹp dây thanh quản gây khó thở cho con người.
* Nguyên nhân phát sinh và tác hại của vật chất phóng xạ PM
Các hạt vật chất phóng xạ (PM) có thể là bụi, muội, các hạt có kích thước micromet hoặc nhỏ hơn 2.5 micromet tạo ra do quá trình cháy nổ (hoạt động giao thông, nhà máy điện, đốt rác hay gỗ. Bụi ở trong không khí, nhất là các hạt nhỏ < 5pm có thể vào tận phế nang của người. Bụi gây ra một số bệnh như: bệnh phổi nhiễm bụi, bệnh đường hô hấp (bệnh viêm mũi, họng, phế quản), bệnh ngoài da (viêm da, mụn nhọt), bệnh đường tiêu hóa (đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, thiếu máu...).
* Nguyên nhân phát sinh và tác hại của Ozon (O3)
Ozon trong bầu khí quyển được tạo thành khi các tia cực tím chạm phải các phân tử ôxy. Khí Ozon gồm 3 nguyên tử oxy (O3). Ở độ cao khoảng 25 km trong tầng bình lưu tồn tại một lớp không khí giàu khí Ozon (O3) thường được gọi là tầng Ozon. Nếu tầng Ozon bị thủng, một lượng lớn tia tử ngoại sẽ chiếu thẳng xuống Trái đất. Con người sống trên Trái đất sẽ mắc bệnh ung thư da, thực vật không chịu nổi nhiều tia tử ngoại chiếu vào sẽ bị mất dần khả năng miễn dịch, các sinh vật dưới biển bị tổn thương và chết dần. Bởi vậy các nước trên thế giới đều rất lo sợ trước hiện tượng thủng tầng Ozon.
Trong không khí với nồng độ khí ozon cao sẽ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe làm cay mắt và đau nhói mắt, gây ho, đau đầu, cảm thấy mệt mỏi, bải hoải, bệnh về phổi như xuất huyết, phù nề, khô cổ họng và làm hẹp đường khí và già hóa màng phổi. Hít thở không khí chứa 50 ppm O3 trong vài giờ sẽ dẫn đến tràn dịch phổi nghĩa là sự tích lũy chất lỏng trong phổi. Ở nồng độ thấp O3 gây ra sự tích lũy chất lỏng trong phổi và phá hoại các mao quản của phổi. Tiếp xúc liên tiếp với O3 gây ra các rối loạn hô hấp mãn tính ở xúc vật, già sớm, tăng tỉ lệ mắc u tuyến phổi. Kích ứng mũi và họng ở nồng độ từ 0,05 - 1ppml. Tiếp xúc lâu dài hoặc tiếp xúc liên tiếp với nồng độ khoảng 1ppm gây nhức đầu mệt mỏi, hô hấp khó khăn và rối loạn chức năng hô hấp, ảnh hưởng tới sức khỏe và gây cảm giác khó chịu cho con ngườì.
* Nguyên nhân phát sinh và tác hại của Nitrogen dioxide (NO2), Nitơ oxit (NO)
Khí NOx xuất hiện trong quá trình đốt cháy nguyên liệu trong các động cơ đốt trong (khí xả của phương tiện giao thông...) khói thải từ các phương tiện, trong công nghiệp sản xuất axít HNO3, quá trình hàn điện và quá trình phân huỷ nhựa celluloid Oxit nitơ có nhiều dạng, do nitơ có 5 hoá trị từ 1 - 5. Do ôxy hoá không hoàn toàn nên nhiều dạng oxit nitơ có hoá trị khác nhau hay đi cùng nhau, được gọi chung là NOx. Có độc tính cao nhất là NO2, khi chỉ tiếp xúc trong vài phút với nồng độ NO2 trong không khí 5 phần triệu đã có thể gây ảnh hưởng xấu đến phổi, tiếp xúc vài giờ với không khí có nồng độ NO2 khoảng 15 - 20 phần triệu có thể gây nguy hiểm cho phổi, tim, gan; nồng độ NO2 trong không khí 1% có thể gây tử vong trong vài phút.
* Nguyên nhân phát sinh và tác hại của Chì (Pb)
Chì là kim loại nặng có thể tìm thấy ở tất cả các môi trường, chủ yếu là do các hoạt động của con người gây ô nhiễm như đốt các nhiên liệu hóa thạch, khai thác mỏ, các hoạt động sản xuất, trong khí thaỉ của động cơ xăng vì người ta pha tetraethyl chì – Pb(C2H5)4 vào xăng để chống kích nổ.
Độc tính của chì ở nồng độ cao đã được biết đến từ lâu. Nhưng, tác động của chì ở nồng độ thấp mới được đánh giá một cách đầy đủ trong hai thập kỷ gần đây. Do đó mà mức độ chì có thể chấp nhận được ngày càng trở nên thấp, và việc sử dụng xăng không pha chì ngày càng trở nên phổ biến. Ở nhiều nước đã cấm hoàn toàn việc sử dụng xăng pha chì. Hơi chì theo khí thải phân tán vào không khí, rất có hại cho sức khỏe của con người, gia súc và cây cối.
Trẻ em tiếp xúc với các chất độc trong khí thở nhiều hơn so với người lớn (diện tích tiếp xúc ở đường hô hấp và thể tích khí hít thở cho mỗi đơn vị cân nặng của trẻ lớn hơn), chiều cao trẻ thấp hơn nên hít thở không khí ở gần mặt đất hơn nơi có nồng độ chì cao hơn. Tốc độ lắng đọng chì ở phổi ở trẻ em cao gấp 2,7 lần so với người lớn.
Đối với trẻ em, chì gây nên các bệnh: chậm phát triển trí tuệ và thể chất, mù, liệt, giảm chức năng tiêu hóa, thiếu máu. Đối với người lớn, chì gây nên các bệnh: các chứng bệnh kinh niên như: lơ mơ, đau đầu, dễ buồn ngủ, hay quên (mất trí nhớ), co giật; bệnh thận; bệnh rung tay chân...
* Nguyên nhân phát sinh và tác hại của Cacbon monoxide (CO)
Carbon monoxide là một chất khí không màu, không mùi. Nó tạo thành khi lượng khí carbon trong nhiên liệu không hoàn toàn đốt cháy. Khí thải của các phương tiện giao thông đóng góp khoảng 75% của tất cả các khí thải carbon monoxide. Các nguồn khác bao gồm đốt nhiên liệu trong quá trình công nghiệp và các nguồn tự nhiên như cháy rừng. Nồng độ cacbon monoxit thường cao trong thời tiết lạnh, vì nhiệt độ lạnh làm cho quá trình đốt cháy không hoàn chỉnh các chất ô nhiễm gần mặt đất.
Carbon monoxide vào máu qua phổi và liên kết với hemoglobin, chất có trong máu mang oxy đến các tế bào. Nó làm giảm lượng ôxy đến các cơ quan và các mô của cơ thể.
Những người có bệnh tim mạch, chẳng hạn như bệnh động mạch vành, nguy cơ cao nhất. Họ có thể bị đau ngực và các triệu chứng tim mạch khác nếu họ tiếp xúc với carbon monoxide, đặc biệt là khi tập thể dục.
* Ô nhiễm không khí trong nhà
Ô nhiễm không khí trong nhà không còn là một hiện tượng mới. Ngôi nhà điển hình có chứa nhiều nguồn ô nhiễm khác nhau như: sưởi ấm, nấu ăn, làm sạch, khói thuốc, nước hoa và đồ nội thất. Thậm chí, chỉ một hành động di chuyển đơn giản cũng làm khuấy động những hạt bụi. Không khí bên trong nhà có thể chứa nhiều chất không mong muốn như các loại hạt (vi hạt bằng chất rắn hoặc chất lỏng), khí carbon monoxide (CO), oxit nitơ, hợp chất hữu cơ formaldehyde, khí radon, và các hóa chất dễ bay hơi từ các mùi hương trong chất tẩy rửa thông thường. Tiếp đó là "bioaerosols - các vi sinh vật trong không khí" - vi khuẩn, nấm, virus, mạt bụi nhà và những mảnh vụn từ da hoặc lông động vật. Các chất này gây ra các bệnh về đường hô hấp, hen, suyễn...
Theo đánh giá của WHO, ô nhiễm không khí trong nhà đáng lo ngại nhất vì phần lớn hoạt động của con người diễn ra trong nhà (theo nghiên cứu của Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ, con người dùng khoảng 80-90% hoạt động trong nhà). Một công bố của WHO chỉ ra năm 2012 có bảy triệu ca tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Trong đó, 3,3 triệu ca tử vong bắt nguồn từ ô nhiễm trong nhà, tập trung tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Ô nhiễm không khí trong nhà ảnh hưởng cao gấp 2 - 8 lần so với các bệnh có nguyên nhân là ô nhiễm bên ngoài.
(Còn nữa)
Nguyễn T. Mỹ Xuân (Phòng TN&MT TX. Gò Công).