Mối quan hệ mật thiết giữa môi trường với sức khỏe con người (P3)

Cập nhật: 29/06/2017
III. Ô nhiễm nguồn nước và sức khỏe Tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt do quá trình sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, trong sinh hoạt của người dân đang diễn ra khá trầm trọng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, đồng thời làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh ung thư.


Các tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước gồm: các chất rắn không hoà tan (keo, chất lơ lửng), các hợp chất hữu cơ dễ phân huy sinh học, các chất hữu cơ độc tính cao (phenol và các dẫn xuất của nó, các hoá chất bảo vệ thực vật, các loại tanin và lignin, các loại hydrocácbon đa vòng ngưng tụ), các chất dinh dưỡng (N,P), kim loại nặng (chì Pb, thuỷ ngân Hg, crôm Cr, Asen As), dầu mỡ, vi sinh vật gây hại (coliform, E.Coli).

Tình trạng ô nhiễm nước mặt ở nông thôn, khu vực sản xuất nông nghiệp không ngừng gia tăng. 76% số dân đang sinh sống ở nông thôn, là nơi cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc rửa trôi làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao, nhất là việc lạm dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe.

Tại một số địa phương, khi quan sát các trường hợp ung thư, viêm nhiễm phụ khoa chiếm từ 40 đến 50% là do từng sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Theo thống kê của tổ chức Y Tế thế giới, thì hiện nay đến 80% bệnh tật ở các quốc gia đang phát triển có liên quan đến nguồn nước và môi trường trên thế giới, có khoảng 4 tỷ trường hợp bị tiêu chảy, 88% các bệnh về đường tiêu hóa, chiếm 4,1% gánh nặng bệnh tật toàn cầu và khoảng 2,5 triệu người tử vong, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Và tại Việt Nam, mỗi năm có đến 9.000 trường hợp tử vong, 200.000 người mắc bệnh ung thư mà có nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm nguồn nước.

Như vậy, môi trường có mối quan hệ hữu cơ rất quan trọng đối với sức khỏe. Dưới tác động của con người, chúng ta đang làm cho môi trường diễn biến ngày càng xấu đi, nhiều nơi môi trường bị ô nhiễm trầm trọng và không đảm bảo được cho cuộc sống bình thường của con người. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng, phát triển chúng ta phải gắn kết hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống chúng ta. Và sẽ không còn ý nghĩa gì nếu chúng ta cứ tập trung phát triển kinh tế, tạo ra nhiều giá trị kinh tế nhưng lại không có một sức khỏe tốt để hưởng thụ.

(Hết)

 
Nguyễn T. Mỹ Xuân (Phòng TN&MT TX. Gò Công).
Nguồn: moitruong.com.vn