Chiều 7-7, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Võ Ngọc Trình cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng về tăng cường công tác kiểm tra và xử lý tình trạng “cò” trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng vi phạm pháp luật, thời gian qua, cơ quan chức năng thành phố đã bắt giữ, xử phạt hành chính 39 đối tượng “cò” du lịch trên địa bàn.
Từ đầu năm 2017 đến nay, UBND TP Đà Lạt đã tổ chức sáu hội nghị, cuộc họp tuyên truyền các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở kinh doanh cam kết không nâng giá, ép giá, bắt chẹt khách hàng, không sử dụng lực lượng “cò” tiếp thị; thực hiện quyết liệt trong việc kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý đối với tình trạng kinh doanh gian lận thương mại. Đến nay, đã rà soát lập danh sách 15 hộ kinh doanh đặc sản có sử dụng “cò”; soát xét, lên danh sách 62 đối tượng “cò”; lập hồ sơ quản lý bốn cơ sở kinh doanh có hành vi nâng ép giá, có biểu hiện đe dọa khách hàng, sử dụng băng nhóm “cò” tiếp thị từ xa…
Cùng với việc xử phạt hành chính 39 đối tượng “cò” du lịch, cơ quan chức năng TP Đà Lạt đã tạm giữ 31 xe mô tô, xử phạt hành chính 25 chủ cơ sở kinh doanh đặc sản.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Võ Ngọc Trình, các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại Đà Lạt đã góp phần đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách. Tuy nhiên, một vài trường hợp cá nhân có nhận thức kém và một số cơ sở kinh doanh vì lợi ích trước mắt đã có hành vi nâng ép giá và đã từng xảy ra va chạm, xô xát với du khách, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín thương hiệu du lịch Đà Lạt.
Trước tình trạng trên, TP Đà Lạt đã xác định các biểu hiện hoạt động “cò” du lịch để có biện pháp xử lý triệt để, như cơ sở kinh doanh trực tiếp sử dụng nhân viên làm “cò”, “cò” tự do; lái xe du lịch, taxi, hướng dẫn viên dẫn khách đến cơ sở kinh doanh để hưởng “hoa hồng” môi giới. “Thành phố tập trung thực hiện cao điểm để xử lý dứt điểm tình trạng tiếp thị trái pháp luật hoạt động dưới dạng “cò” để chèo kéo, tranh giành khách, bán ép giá, lừa dối khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, dịch vụ, bán hàng đặc sản trên địa bàn”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết.
Cùng với đó, TP Đà Lạt tăng cường lực lượng kiểm tra, quyết tâm xử lý, không để tái diễn các hoạt động kinh doanh, tiếp thị, môi giới vi phạm pháp luật; kiên quyết xử lý các trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, vi phạm nhãn mác, về niêm yết giá, chèo kéo khách hàng, quảng cáo gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Thành phố cũng duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin của du khách… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các cơ sở kinh doanh uy tín; tiếp tục thực hiện bình chọn “nhãn hiệu xanh”, “điểm mua sắm chất lượng cao” để giới thiệu, phục vụ nhân dân và du khách.
Trước đó, sau khi báo chí phản ánh nạn “cò” du lịch tại Đà Lạt, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng “cò” đặc sản lộng hành, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Đà Lạt. Và đầu tháng 6-2017, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo các ngành liên quan và các địa phương, tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao ngành công an xử lý triệt để các tệ nạn, hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động “cò” du lịch.
Năm 2016, lượng du khách đến với thành phố hoa Đà Lạt đạt hơn 4,3 triệu lượt, thời gian lưu trú 2,4 ngày/du khách. Sáu tháng đầu năm 2017, Đà Lạt đón khoảng 2,4 triệu lượt du khách, tăng 10% so cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế 17,2%.
Bảo Văn