Ngày 18/8, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris khu vực phía Nam. Tham dự có lãnh đạo Sở TN&MT và các Sở, ngành liên quan của 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, để thực hiện các cam kết quốc tế theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 2053/QĐ-TTg, đồng thời, chủ động lồng ghép các vấn đề ứng phó với BĐKH vào các kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Trong số 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam, Sóc Trăng và Bến Tre đã xây dựng và ban hành Kế hoạch cấp tỉnh. Thứ trưởng đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của 2 tỉnh và đề nghị chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương khác.
Hội nghị tập trung trao đổi, cập nhật thông tin về BĐKH, tác động của BĐKH đến các tỉnh miền Nam, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long – khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nước ta. Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, khu vực phía Nam chịu những ảnh hưởng chính là số lượng bão mạnh đến rất mạnh xuất hiện nhiều hơn. Hạn hán trở nên khắc nghiệt hơn do nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm trong mùa khô. Nếu nước biển dâng 100cm, khu vực ĐBSCL có nguy cơ bị ngập 38,9% diện tích. Nghiêm trọng nhất là các tỉnh Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%), Cà Mau (57,69%).
Tác động của BĐKH và nước biển dâng khiến nhiều diện tích gieo trồng bị ngập mặn, giảm tác dụng của đê ngăn mặn, ngăn lũ. Thay đổi chế độ mưa có thể gây lũ nghiêm trọng vào mùa mưa, và hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô. Tăng khai thác nước ngầm gây sụt lún, kết hợp nước biển dâng, lũ lụt gây ngập thành phố và tăng chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải. Cường độ mưa tăng làm hệ thống thoát nước mưa thành phố và các khu đô thị quá tải gây ngập úng thường xuyên hơn. Những hệ quả này sẽ càng nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần nếu không có biện pháp ứng phó hiệu quả ngay từ bây giờ.
Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của Việt Nam đặt trọng tâm là các hành động thích ứng với nguồn lực chủ yếu từ ngân sách nhà nước, bao gồm cả hỗ trợ quốc tế. Giảm nhẹ phát thải KNK là quan trọng với nguồn lực chủ yếu từ doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội với vai trò xúc tác của nguồn lực nhà nước. Giai đoạn từ nay đến 2020, các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH đã phê duyệt; đồng thời, chuẩn bị về thể chế chính sách và nguồn lực sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ bắt buộc từ năm 2021.
Tại hội nghị, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố phía Nam đã đưa ra tham luận về những tác động của BĐKH; kinh nghiệm và những khó khăn trong xây dựng kế hoạch triển khai Thỏa thuận Paris cấp địa tỉnh theo Quyết định số 2053/QĐ-TTg. Các địa phương sẽ đẩy mạnh các giải pháp ứng phó trong thời gian tới, đồng thời, đề nghị Bộ ngành Trung ương cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung, phương thức, mô hình quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu từ Trung ương đến địa phương để đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay; tăng cường đào tạo cán bộ chuyên trách ở các địa phương, đặc biệt là ở những lĩnh vực, địa bàn dễ bị tổn thương; xây dựng cơ chế phối hợp liên vùng về ứng phó với BĐKH...
Khánh Ly - Chu Hương