Sáng ngày 16/8, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm “An ninh môi trường” nhằm trao đổi và đưa ra các giải pháp liên quan đến an ninh môi trường ở nước ta. Tham dự buổi tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng; các diễn giả, nhà khoa học, chuyên gia về môi trường và an ninh môi trường, các nhà quản lý môi trường và đông đảo các phóng viên báo chí.
Khái niệm an ninh môi trường xuất hiện lần đầu vào năm 1953 trong những tranh luận về mối liên quan giữa biến đổi môi trường với an ninh. Từ đó đến nay, đã có nhiều khái niệm về an ninh môi trường. Theo báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, an ninh môi trường là "sự khan hiếm các tài nguyên thiên nhiên, suy thoái và ô nhiễm môi trường, những hiểm họa có thể gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị". Báo cáo Thiên nhiên kỷ Hội đồng Châu Mỹ của Liên hợp quốc thì xác định: "An ninh Môi trường là việc đảm bảo an toàn trước các mối nguy hiểm môi trường sinh ra do sự yếu kém trong quản lý hoặc thiết kế và có nguyên nhân trong nước hay xuyên quốc gia". Hiện nay, an ninh môi trường đã trở thành vấn đề của thế giới phát triển và của Liên Hợp quốc.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được lắng nghe các nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ quản lý môi trường tại Trung ương và địa phương trao đổi, đưa ra những ý kiến, nhận định xung quanh vấn đề an ninh môi trường, nhất là một số thách thức đối với môi trường hiện nay ở Việt Nam. Đó là tình trạng đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng trong những thập niên gần đây đang làm biến đổi mạnh các điều kiện môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Trong khi kết cấu về thể chế, hạ tầng và trình độ công nghệ để bảo vệ môi trường ở nước ta còn chưa đáp ứng được càng làm gia tăng thêm áp lực về ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá chung của các nhà khoa học, vấn đề an ninh môi trường ở Việt Nam chưa được xem xét và đánh giá đúng mức. PGS.TS Phạm Danh Sơn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, an ninh môi trường không đồng nhất với tình trạng ô nhiễm, sự xuống cấp, suy thoái, suy giảm chất lượng môi trường nhưng đó là hạt nhân mà khi ở mức độ nào đó sẽ gây mất ổn định về kinh tế, xã hội, thậm chí cả về chính trị. Theo PGS.TS Nguyễn Danh Sơn, vấn đề an ninh môi trường đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2014 nhưng trong thời gian tới, các báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia hay địa phương cũng cần có nội dung về an ninh môi trường. Cùng với đó, cần tính tới ban hành Chiến lược quốc gia về an ninh môi trường với tầm nhìn dài hạn, hướng tới phát triển bền vững và tăng cường khả năng ứng phó biến đổi khí hậu.
TS.Nguyễn Ngọc Sinh, đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cũng khẳng định “An ninh môi trường là mối quan hệ đan xen giữa môi trường và xã hội, chúng ta cần phải nhanh chóng lồng ghép chặt chẽ an ninh môi trường với các chính sách phát triển kinh tế xã hội. Trước hiện trạng môi trường hiện nay, Việt Nam rất cần một chiến lược quốc gia về bảo đảm an ninh môi trường”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân hoan nghênh sáng kiến của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức tọa đàm với chủ đề an ninh môi trường - một chủ đề có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. “Tọa đàm với nội dung phong phú và cách thể hiện sinh động, từ những hoài niệm của Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu đến những ý kiến của các nhà khoa học, các cán bộ quản lý về môi trường cũng như những hoạt động thực tiễn tại địa phương đã cung cấp những nhận thức khoa học đúng đắn về vấn đề an ninh môi trường và cách ứng xử với vấn đề an ninh môi trường.” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá.
Thứ trưởng cho biết, Việt Nam cũng đã có những tiếp cận ban đầu với khái niệm “an ninh môi trường”. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, an ninh môi trường là việc bảo đảm không có tác động lớn của môi trường đến sự ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế của quốc gia. An ninh môi trường cũng được coi là một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống trong những năm gần đây.
Với nhiều khía cạnh phức tạp của vấn đề an ninh môi trường, Thứ trưởng cho rằng, cần có nhiều nỗ lực hơn nữa trong tiếp cận và vận dụng vào thực tiễn các nội hàm của an ninh môi trường để đề xuất các giải pháp, chiến lược liên ngành để ứng xử với vấn đề an ninh môi trường.
Với vai trò cơ quan quản lý môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp thu các ý kiến, đề xuất của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và các đại biểu tham dự tọa đàm để bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật, xây dựng kế hoạch, biện pháp bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, báo chí tiếp tục cùng chung tay với Bộ đưa các quy định về quản lý môi trường, thực thi pháp luật môi trường và công nghệ môi trường vào cuộc sống.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ trong nỗ lực bảo vệ môi trường để góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội của đất nước.” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.