Chúng tôi đến hồ Lắk vào khoảng 9 giờ sáng. Tất cả đều ngây ngất trước cảnh hồ rộng êm ả xanh ngắt thơ mộng giữa đại ngàn. Nhìn từ xa hồ uốn khúc như một dải lụa thiên thanh mềm mại và quyến rũ trên vai cô gái Mơ Nông xinh đẹp. Ánh nắng vàng chảy tràn khắp mặt hồ không một gợn sóng. Ngắm nhìn hồ nước trong leo lẻo in bóng mây trời tôi như thấy lạc vào một xứ sở thần tiên kỳ thú. Chúng tôi theo những người chèo thuyền độc mộc lênh đênh dạo quanh hồ. Ngồi trên con thuyền dài được làm từ một khúc gỗ khoét rất khéo léo bạn có thể nhìn thấy những chú cá bơi lội giữa hồ. Hồ tĩnh lặng chỉ nghe thấy tiếng nước khua vào hai bên mạn thuyền, tiếng cá đớp mồi giữa không gian trong trẻo có làm bạn cảm thấy thảnh thơi vui vẻ. Tôi đưa tay xuống dòng nước mát lạnh như được vuốt đôi má mềm mại của thiếu nữ Tây Nguyên. Khi thuyền quay đầu vào bờ mà ai nấy đều tiếc rẻ như muốn nán lại để gần gũi dòng nước hiền hòa thêm chút nữa.
Trở vào bờ chúng tôi được cưỡi voi dạo quanh buôn Buôn M’liêng, buôn Jun của người M’ Nông. Vì con voi cao hơn 2m lên chúng tôi đi lên bành voi phải có khu vực riêng. Mỗi bành voi gồm hai khách và một nài voi ngồi trên cổ voi. Lần đầu tiên được cưỡi voi đúng là một trải nghiệm thú vị. Mỗi bước chân voi đi làm chúng tôi lắc lư không yên khiến người ngồi trên bành phải bám chặt vào khung bên cạnh vì lắc lư sợ ngã. Nhưng chỉ một lúc sau quen với nhịp chân voi chúng tôi đã nói chuyện với nài voi. Anh giới thiệu anh là em của voi Y Khăm vì kém Y khăm ba tuổi. Chính con voi này đã đạt giải ba năm ngoái trong hội đua voi. Ngồi lắc lư trên lưng voi để ngắm cảnh thiên nhiên hoang sơ và buôn làng hiền hòa trong nắng vàng thật thú vị và cho ta cảm giác yên bình thư thái.
Thật vui mừng khi xuống khỏi bành voi tôi được làm quen với gia đình nhiều voi nhất Việt Nam, anh Đàng Năng Long (Đặng Văn Long) sinh năm 1962 và vợ là chị Nguyễn Thị Thu sinh năm 1966. Hiện gia đình anh có sáu con voi được đặt tên theo người M’Nông (Con trai có chữ Y, con gái có chữ H đằng trước). Các con voi của anh to khỏe, da bóng và rất đẹp lần lượt có tên Y Khăm, Y Khun, H’Khun, H’Túc, Y Măm… Đặc biệt có Y Khun một bên ngà một bên ngọc, voi thường ba năm cưa ngà một lần. Mỗi lần cưa khoảng 8-10 phân được 3-4 kg. Riêng Y Khun không thể cưa ngà vì nếu cưa ngà là anh ấy bị ốm. Người Tây Nguyên coi voi là một linh vật nên voi được họ chăm sóc kỹ lưỡng và thương yêu như một thành viên trong gia đình. Anh Long là con thứ tư trong số 11 người con của ông Đàng Nhảy, là người duy nhất thừa kế nghề nuôi và buôn voi từ bốn đời trước truyền lại. Sở hữu tới 6 con voi trong đó có con trị giá bạc tỉ, anh Long hiện là chủ đội voi nhà lớn nhất Việt Nam và là giám đốc Du lịch Hồ Lắk-một trong những chi nhánh của Cty Cổ phần Du lịch tỉnh Đắk Lắk. Anh Long đã huấn luyện những chú voi của mình thân thiện và gần gũi với du khách. Tên tuổi của anh được biết đến như một doanh nhân làm du lịch gắn bó với bảo tồn loài voi đang có nguy cơ bị tiệt chủng.
Anh Long bên đàn voi của mình.
Ngồi bên hồ Lắk lộng gió vào buổi trưa tháng ba, anh Long kể cho chúng tôi nghe về duyên nợ cuộc đời anh với đàn voi. Anh sinh ra trong gia đình có truyền thống nuôi voi, bố anh là dũng sĩ săn voi Đàng Nhảy, thường gọi là Ama Ku. Vì vậy, ngay từ nhỏ, anh đã theo cha đi săn bắt, thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà.
Lớn lên, Đàng Năng Long được cha đưa về TP Buôn Ma Thuột học hành và làm việc tại một số doanh nghiệp du lịch, nhưng được một thời gian anh từ bỏ trở về buôn Lê bên hồ Lắk thơ mộng để nối nghiệp cha chăm sóc, bảo tồn đàn voi và làm du lịch theo cách của riêng mình. Hơn 30 năm nối nghiệp cha, có thời điểm gia đình anh Long nuôi đến 12 con voi, nhưng do rừng tự nhiên ngày càng bị tàn phá, nguồn nước ô nhiễm, nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho voi suy giảm nghiêm trọng và voi nhà ít sinh sản nên đàn voi của gia đình anh Long cũng như đàn voi nhà trên địa bàn tỉnh Đác Lắk suy giảm mạnh. Theo anh Long: Mỗi con voi đều có quản tượng và nài voi riêng chăm sóc suốt đêm ngày, được tổ chức đầy đủ các lễ nghi vòng đời theo luật tục như lễ đặt tên, lễ nhập buôn, thậm chí cả… lễ cưới!
Khi tôi hỏi con voi to như vậy thì phải cho nó ăn uống thế nào. Chị Thu vợ anh chia sẻ:
Voi được thả trong rừng già và được xích sợi dây dài 50-80m. Mùa mưa quản tượng đưa voi vào rừng khoảng 1-2 km nhưng mùa khô phải đưa voi đi xa hơn 7-8 km mới có thức ăn. Khi voi đưa khách xong tầm 4-5 giờ đưa voi vào rừng. Sáng hôm sau 7-8 giờ quản tượng vào rừng đón voi về. Ban ngày anh chị cho voi ăn thêm mía. Tại nhà anh cũng có rất nhiều chuối, mía để du khách mua thưởng cho voi sau chuyến du ngoạn trên bành voi.
Anh còn nhấn mạnh “Với đồng bào Tây Nguyên, con voi là một thứ tài sản lớn, là niềm tự hào và là con vật gần gũi, gắn bó thân thiết với đời sống của mỗi gia đình, cộng đồng. Vì vậy, người nuôi voi phải có phẩm chất đạo đức chuẩn mực, rộng lượng, vị tha và gia đình hòa thuận thì voi mới ở được lâu dài với mình. Không những thế, cứ ba tháng chủ nuôi voi phải cúng một lần, gia đình có sự kiện gì cũng phải cúng để báo cho chúng biết xem như các thành viên trong gia đình mình’’.
Tạm biệt vợ chồng anh Long. Tạm biệt Hồ Lắk tuyệt đẹp. Tạm biệt những chú voi của rừng đại ngàn. Trong mỗi chúng tôi còn đọng lại những ánh mắt thân thiện mà thẳm sâu như níu kéo, như hò hẹn của những người phố núi trên cao nguyên bằng cả sự chân thành cởi mở sẽ còn theo mãi chúng tôi qua các cuộc hành trình.