Các bãi chứa rác tập trung trên địa bàn huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã quá tải nhiều năm, gây mùi hôi thối, ảnh hưởng sức khỏe người dân quanh khu vực. Trong khi đó, tiến độ thi công xây dựng Nhà máy xử lý chất thải chưa bảo đảm thời gian, khiến cho môi trường của đảo ngọc ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
Bức xúc từ bãi rác
Mới đây, chúng tôi có dịp quay trở lại công tác tại huyện đảo Phú Quốc. Trên cùng chuyến xe từ sân bay về thị trấn Dương Đông, khi trò chuyện về sự phát triển của Phú Quốc, anh Út Sự (ngụ Đồng Tháp) luôn miệng tấm tắc khen ngợi về sự đổi thay vượt trội ở đảo ngọc này. Theo anh Út, phát triển nhất hiện nay ở đây là các dự án đầu về hạ tầng để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, điều làm khó chịu nhất cho du khách trong, ngoài nước đó là những bãi rác lộ thiên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm mất hình ảnh mỹ quan vốn có của đảo ngọc, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Anh Út Sự giãi bày, anh là người đất liền nhưng có công việc làm ăn ở Phú Quốc. Do đó, anh thường xuyên có mặt ở nơi đây. Mỗi khi có công việc đi qua bãi rác này, anh cũng như bao nhiêu người khác đều phải bịt khẩu trang kín mít và đi thật nhanh mà vẫn không chịu nổi mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác. Anh Út mong rằng các cấp chính quyền địa phương sớm có phương án xử lý, di dời để trả lại môi trường trong sạch cho người dân, cũng như tạo hình ảnh đẹp trong lòng của du khách thập phương.
Theo thống kê của các ngành chức năng tại địa phương, đảo Phú Quốc mỗi ngày phát sinh khoảng 300 tấn rác sinh họat, nhưng chỉ thu gom tập kết về các bãi rác được khỏang 150 tấn (50%). Chủ yếu rác được đưa tập trung chôn tạm tại ấp 7, thị trấn An Thới và khu vực Đồng Tràm, thuộc ấp Ông Lang, xã Cửa Dương.
Theo quan sát của phóng viên, tại các bãi rác, rác thải được tập kết lộ thiên chất cao như những quả núi khổng lồ, tràn ra lề đường, trông rất phản cảm. Việc xử lý rác thải chủ yếu vẫn là chôn lấp hở, hầu hết đều mang tính chất tạm thời, không hợp vệ sinh, không xử lý mùi hôi và nước rỉ rác, không có chống thấm đáy, không có tường bao xung quanh bãi rác, luôn trong tình trạng bốc mùi hôi thối nồng nặc bao gồm cả khu vực rộng lớn hàng cây số, gây bức xúc cho người đi đường và nhiều hộ dân xung quanh.
Tại khu vực bãi rác Đồng Tràm, phóng viên ghi nhận những núi rác cao hàng chục mét nối tiếp nhau, tràn ra đến tận đường lộ gây cản trở và đe dọa an toàn giao thông. Đây là tuyến đường DT45, một trong những tuyến đường huyết mạch của huyện đảo Phú Quốc. Những ngày này trời mưa liên tục, nguồn nước đen sì rỉ ra từ bãi rác đổ ra khiến toàn khu khu vực cung quanh trở nên bẩn thỉu, nhếch nhác.
Điều đáng quan tâm nhất là ngay bên cạnh bãi rác, hịên có hàng chục hộ gia đình nghèo đang chật vật sinh sống, bao gồm cả người lớn và trẻ em. Công việc mưu sinh của họ ở đây chủ yếu là nhặt phế liệu. Theo những người dân, dù biết rằng ô nhiễm và độc hại đến sức khỏe, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, họ phải bám trụ ở đây để lay lắt tìm từng miếng cơm manh áo qua ngày. Khi đó, hiện tại có hơn 20 hộ đều sử dụng nguồn nước chính là nước giếng khoan cho tắm rửa và nấu ăn. Vì vậy, họ lo ngại nguồn nước đen ngòm rỉ ra từ các núi rác sẽ ngấm trực tiếp xuống đất, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, nguồn nước sinh hoạt chính của các hộ dân. Điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân nơi đây.
Đến bao giờ hết ô nhiễm?
Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường ngày 14/6/2017 có đăng bài “Phú Quốc (Kiên Giang): Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ những bãi rác”. Theo đó, phóng viên có buổi trao đổi về vấn đề này với ông Hùynh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc. Ông Hưng nhìn nhận Phú Quốc hiện đang trong quá trình phát triển du lịch, lãnh đạo huyện luôn xác định môi trường là một trong những việc quan trọng nhất của địa phương trong thời gian này.
Theo ông Hưng, nhà máy xử lý rác thải được đầu tư tại ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Dự kiến đến cuối tháng 6/2017 lắp đặt xong hệ thống, sẽ xử lý được toàn bộ các hệ thống thu gom rác tại Phú Quốc. Về phần đường vận chuyển vào bãi rác sẽ tập trung thi công khoảng 2 tháng nữa là xong (tức tháng 8/2017 – PV). Huyện đã cam kết với các cấp lãnh đạo là cương quyết phải đưa nhà máy đi vào vận hành vào cuối tháng 6/2017(?)
Như vậy, việc tiến độ thi công xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn chưa bảo đảm thời gian. Đây là dự án đáp ứng chủ trương xã hội hóa xử lý rác thải của tỉnh Kiên Giang. Nhà máy có công suất 200 tấn/ngày đêm và công suất phát điện 4MW, với diện tích 10,5 ha tại ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc. Quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư dự kiến đưa vào vận hành và hoạt động cuối tháng 3/2017.
Tại thời điểm tháng 4/2017, Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh Kiên Giang đến làm việc, thiết bị kỹ thuật vẫn chưa được chuyển đến để lắp ráp như dự kiến. Khi đó, Thường trực HĐND tỉnh Kiên Giang lưu ý huyện Phú Quốc kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa nhà máy vận hành theo quy trình. Trường hợp chủ đầu tư kéo dài thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện theo dự án được duyệt, thì lập hồ sơ đề xuất UBND tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, đã có nhiều thông tin về việc di dời bãi rác, làm nhà máy xử lý rác theo tiến độ, thời gian, nhưng thực tế đến nay rác thì vẫn ngập ngụa, chồng chất, gây ô nhiễm môi trường, người dân và người đi đường vẫn cứ “ngửi” mùi hôi thối. Việc chậm xử lý rác thải như hiện nay gây nhiều phản cảm, làm bức xúc cho người dân và khách du lịch mỗi khi đến đây. Nếu tình trạng này kéo dài, thì nét đẹp cảnh quan của đảo ngọc sẽ bị mai một dần trong lòng du khách.
Box: Hiện nay, toàn huyện đảo Phú Quốc có hơn 100.000 người dân sinh sống, trên 1.600 công ty và doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có hơn 60 cơ sở sản xuất nước mắm và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống… mà phần lớn trong số đó không có hệ thống xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn. Nước thải chưa qua xử lý chảy thẳng ra môi trường tự nhiên, theo các cống, kênh rạch, sông ngòi trôi thẳng ra biển gây ô nhiễm môi trường sinh thái biển của Phú Quốc.
Bài & ảnh: Bạch Thanh