Mới đây, sinh viên Đặng Thị Ngọc Ánh (Đại học Huế) đã nhận giải Nhất Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – Euréka lần thứ XVIII năm 2016 với phát minh “giấy xanh” thân thiện với môi trường.
Công thức chế tạo “giấy xanh” của Ánh rất đơn giản, bao gồm: Lá chuối tươi (30%), lá khô (30%), thân tre (38%), các nguyên liệu phụ như hồ dán, nước vôi trong (2%). Hiện nay, sản phẩm của Ánh được tận dụng không chỉ từ lá cây mà còn trên tất cả các phế phẩm nông nghiệp như: rơm rạ, thân cây họ đậu, xác hữu cơ thực vật…
Về quy trình sản xuất, các phế phẩm hay lá cây sau khi thu gom sẽ ngâm qua bùn tự nhiên để các vi sinh vật sinh sống trong bùn giúp phân hủy chất kiềm có trong các phế phẩm. Công đoạn này nhằm tạo ra sản phẩm giấy dễ bảo quản và không bị ố vàng khi để lâu ngày. Sau khi ngâm là đến công đoạn giã lá cây hoặc phế phẩm để tăng tính liên kết các sợi. Tiếp đến là quá trình xeo giấy và cuối cùng là phơi khô hoặc có thể ép gia nhiệt để cho ra thành phẩm. Quá trình xeo giấy được tiến hành theo 2 phương pháp khác nhau tùy vào loại phế phẩm và loại giấy muốn chế tạo.
Đối với giấy in và giấy viết, Ánh sử dụng phương pháp deeping, tức là sử dụng gia tăng lực để tăng tính liên kết và độ mịn của bề mặt giấy. Còn đối với giấy cách âm, giấy dán tường… áp dụng phương pháp floating. Phương pháp này sử dụng tác dụng của ngoại lực như nước, không khí để tăng diện tiếp xúc cho bề mặt giấy. Hiện nay, dự án phát triển theo hướng chuyển giao công nghệ sản xuất giấy cho các hộ nông dân để chính nông dân thực hiện, từ đó, phế phẩm nông nghiệp được xử lý theo hướng tích cực hơn và người dân có nguồn thu nhập từ chính sản phẩm của mình.
Việc sử dụng phế phẩm nông nghiệp làm giấy sẽ giúp thay thế việc dùng gỗ làm giấy, vừa giúp bảo vệ rừng vừa giúp giữ gìn môi trường sống thêm xanh – sạch – đẹp.
Nam Hưng