Những câu ca đi vào tiềm thức của nhiều người về vùng Thủ đô kháng chiến khi xưa, bình dị mà rất đỗi hào hùng. Từng một thời, núi rừng Tuyên Quang thu mình bảo vệ vững chắc căn cứ đầu não của Cách mạng. Nay, đất và người nơi đây đang vươn mình đón vận hội mới, khoác lên tấm áo nhiều màu sắc về sự đổi thay, văn minh, hiện đại hơn nhưng vẫn chú trọng gìn giữ các nét đẹp lịch sử, truyền thống.
Tự hào là nơi khởi nguồn Cách mạng
Những ngày tháng Tám lịch sử này, khách thập phương nô nức về thăm Tân Trào – trái tim của chiến khu Việt Bắc năm xưa. Cách trung tâm thị trấn Sơn Dương (huyện Sơn Dương) hơn 10 cây số, Thủ đô gió ngàn hiện ra xanh mướt tầm mắt, khiến lòng người không khỏi bồi hồi nhớ về câu hát của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý: “Rừng xanh ơi, nhớ lắm thay. Nhớ khi xưa bác đã về nơi đây. Này cây đa và mái đình Hồng Thái. Nước Việt Nam mình sinh ra giữa chốn đây… (Rừng Tuyên Quang vẫn in bóng Tân Trào).
Đoàn thăm quan về Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Ảnh: MH
Những ai từng ghé nơi này nhiều năm trước, giờ hẳn sẽ ngạc nhiên bởi những đổi thay. Dễ thấy nhất là khuôn viên quanh các di tích đã được chỉnh trang gọn gàng, sạch đẹp, trồng thêm nhiều cây xanh và tạo thành các tuyến thăm quan có trình tự, khoa học. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào cho biết: Nhằm gìn giữ kho tàng sử liệu tốt nhất có thể, chúng tôi đã lập hồ sơ theo dõi tình trạng 177 di tích tại đây. Các di tích quan trọng đã tu sửa lại là lán Nà Nưa, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, lán Hang Bòng, cụm Di tích ATK Kim Quan. Một số tuyến đường vào Kim Quan, Đồng Man, Lũng Tẩu cũng được nâng cấp. Thành quả là lượng khách tăng theo từng năm. Năm 2016, khu di tích đã đón 700.000 lượt khách, tăng gấp đôi so với năm 2010.
Được biết, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đang được quy hoạch xây dựng thành Khu Du lịch quốc gia vào năm 2020, vì vậy, công tác bảo tồn, bảo tàng, chỉnh trang di tích và đón tiếp, hướng dẫn du khách mỗi ngày một chỉn chu hơn. Đây cũng là một điển hình trong việc cụ thể hóa Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chú trọng gắn kết chặt chẽ phát triển du lịch với bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống và danh lam thắng cảnh.
Cách mạng Tháng 8 thành công, kháng chiến chống Pháp thắng lợi, những địa điểm mà Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành Trung ương ở và làm việc đã trở thành những di tích lịch sử vô cùng quý giá, không chỉ đối với đồng bào các dân tộc Tuyên Quang mà còn đối với người dân cả nước. Với ý nghĩa vô cùng to lớn đó, các khu di tích ngày càng được quan tâm tu bổ, tôn tạo, cải tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp. Các địa phương, đơn vị cũng đẩy mạnh tổ chức các cuộc triển lãm trưng bày, sưu tầm hiện vật, tài liệu, tư liệu lịch sử quan trọng. Công tác đón tiếp du khách ngày càng chuyên nghiệp và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Hướng đi này được kỳ vọng sẽ phát huy giá trị của kho tàng đồ sộ 584 khu, điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh.
Sức bật từ mối liên kết tự nhiên - lịch sử - văn hóa
Năm 2016 là năm du lịch Tuyên Quang có mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay, tăng gần 10% so với 2015. Trên 1.400.000 lượt du khách đến Tuyên Quang đã phần nào phản ánh những nỗ lực của tỉnh trong đẩy mạnh đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, mở rộng tuyên truyền quảng bá.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cho rằng, điều làm nên sức bật cho du lịch Tuyên Quang chính là sự khác biệt về giá trị thiên nhiên, giá trị lịch sử và văn hóa. Tỉnh đã xác định phát triển các loại hình du lịch đặc trưng của tỉnh là du lịch văn hóa - lịch sử, tiêu biểu là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa), Khu Di tích ATK - Kim Quan (Yên Sơn).
Chèo thuyền Kayak - sản phẩm du lịch mới ở hồ Na Hang. Ảnh: MH
Du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái như Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, hồ sinh thái Na Hang, thác Bản Ba (Chiêm Hóa); du lịch tâm linh với hệ thống hơn 50 công trình đình, đền, chùa, miếu; du lịch Lễ hội Thành Tuyên, Lễ hội Động Tiên - chợ Quê (Hàm Yên), Lễ hội Lồng tông, Lễ Cấp sắc của đồng bào Dao, Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn (Chiêm Hóa); du lịch cộng đồng tại Khu Du lịch sinh thái Na Hang, Lâm Bình...
Chính quyền và người dân đã từng bước đổi mới tư duy làm du lịch, tận dụng sự khác biệt của địa phương mình để tìm tòi, đưa vào các sản phẩm du lịch mới như mô hình Homestay cho khách lưu trú tại nhà, khôi phục nghề truyền thống, đưa dịch vụ chèo thuyền Kayak khám phá hồ sinh thái Na Hang, nâng tầm Lễ hội rước đèn Trung thu thành Lễ hội đường phố... UBND tỉnh hiện đang triển khai lập hồ sơ Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới; lập hồ sơ Khu Di sản thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình trình Thủ tướng xem xét, xếp hạng Danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt…
Sự thay đổi về chiến lược quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch đã “kéo” được nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư như Tập đoàn Mường Thanh; Tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm; doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường đầu tư phát triển du lịch khu vực hồ sinh thái Na Hang...
Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành các quy hoạch tổng thể và một số quy hoạch chi tiết phát triển du lịch của 4 khu: Khu trung tâm - thành phố Tuyên Quang; Khu Du lịch Quốc gia Tân Trào; Khu Du lịch suối khoáng Mỹ Lâm và Khu Du lịch sinh thái Na Hang; cùng các quy hoạch chi tiết đầu tư điểm trong các khu du lịch và trên địa bàn huyện, thành phố. Từng địa phương cũng thường xuyên bổ sung, cập nhật quy hoạch các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh. Đây là cơ sở để các cấp, ngành trong tỉnh đẩy mạnh phát triển về du lịch có trọng tâm, tăng cường phối hợp quảng bá về du lịch Tuyên Quang, đặc biệt, mời gọi các dự án đầu tư phù hợp với tiềm năng, lợi thế.
Khánh Ly