Ngày 22/11/2017, gần 60 đại biểu đã đến tham dự Hội thảo tham vấn quốc gia về việc chia sẻ thông tin và góp ý về hai nội dung của Luật Thủy sản sửa đổi mới được quốc hội thông qua trong phiên họp ngày 21/11/2017, đó là các quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quy chế quản lý khu bảo tồn biển.
Đây đều là những đại diện tiêu biểu đến từ các tổ chức, các chuyên gia trong ngành và các cơ quan liên quan đến công tác đồng quản lý và bảo tồn biển trên khắp cả nước – là những tổ chức, cá nhân vừa có kinh nghiệm chuyên môn, vừa có kinh nghiệm thực tiễn trong việc điều hành các Khu bảo tồn biển hay các mô hình đồng quản lý. Do đó, buổi hội thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo các quy định hướng dẫn đồng quản lý trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cũng như thảo luận các điểm mới trong dự thảo bổ sung và điều chỉnh quy chế quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam có thể thực hiện một cách hiệu quả hơn.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập – Trình bày Nghị định hướng dẫn đồng quản lý và giao quyền quản lý nguồn lợi thủy sản cho tổ chức cộng đồng
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Ông Trần Đình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nói: “Đây là lần đầu tiên khái niệm đồng quản lý được quy định trong Luật Thủy sản sửa đổi, ghi nhận và khuyến khích các tổ chức cộng đồng tham gia, đó là kết quả của hơn hai thập kỉ thí điểm, rút kinh nghiệm nhằm ngày một hoàn thiện các phương thức quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.
“Là một tổ chức phi chính phủ tham gia công tác bảo tồn biển và thúc đẩy đồng quản lý trong hơn một thập kỉ qua tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đây là dấu mốc hết sức ý nghĩa với cộng đồng. Hội thảo này hy vọng sẽ là mở đầu tốt đẹp cho quá trình tham vấn để những điều tốt đẹp của Luật thực sự đi vào cuộc sống, quá trình này cần được thúc đẩy thường xuyên, liên tục và có sự tham gia của các bên liên quan” - bà Nguyễn Thu Huệ, giám đốc MCD, đại diện ban tổ chức hội thảo cho biết.
Thiết lập cơ chế tài chính bền vững, phân khu chức năng và quy định rõ chức năng, quyền hạn của các bên liên quan đến các Khu bảo tồn biển là những điểm nổi bật được hội thảo tham gia đóng góp ý kiến. Đây chính là tiền đề, tiêu chí quan trọng để thành lập các khu bảo tồn và hoạt động có hiệu quả hơn, góp phần bảo vệ được nguồn lợi và nâng cao đời sống người dân trong các khu bảo tồn, hướng đến sự phát triển bền vững.
Tham dự hội thảo, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã có những chia sẻ, góp ý về các vấn đề chính như: phân vùng, tổ chức bộ máy, hoạt động tuần tra kiểm soát lĩnh vực khai thác thủy sản, du lịch, kế hoạch quản lý trung hạn và cơ chế tài chính bền vững để giúp ban tổ chức hội thảo soạn thảo các văn bản các quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi Thủy sản và quy chế quản lý Khu bảo tồn biển tại Việt Nam được sát với thực tế hơn.
Về vấn đề đồng quản lý, ba nhóm chủ đề chính được đưa ra để thảo luận tại hội thảo là việc thành lập tổ chức cộng đồng, trao quyền quản lý và cơ chế chính sách bao gồm cả cơ chế tài chính cho các tổ chức cộng đồng đồng quản lý. Việc thành lập tổ chức cộng đồng và trao quyền quản lý cho người dân vẫn đang được cân nhắc bởi năng lực cộng đồng còn hạn chế, chưa quy định rõ cơ quan hỗ trợ và quản lý, đặc biệt trong những bước đầu tiên khi thành lập tổ chức cộng đồng.
Nâng cao năng lực pháp lý để các tổ chức cộng đồng hoạt động hiệu quả hơn công tác tuần tra, giám sát, tạo nguồn tài chính… cũng là một trong những góp ý qua quá trình hoạt động, triển khai mô hình Đồng quản lý tại tiểu khu Bãi Hương.
Cơ chế tài chính bền vững là vấn đề được quan tâm, bàn luận nhiều nhất trên cả các khu bảo tồn biển và các tổ chức cộng đồng. Bởi để đảm bảo cho mọi hoạt động được triển khai: công tác tổ chức, công tác nghiên cứu, giám sát…đều cần có nguồn kinh phí nhất định để duy trì các hoạt động này. Trong khi đó, không thể có bất kỳ tổ chức, cơ quan nào hỗ trợ vấn đề này về dài lâu.
Các nhóm thảo luận
Hội thảo đã thu hút được nhiều tổ chức đồng quản lý và cơ quan quản lý khu bảo tồn biển. Mỗi địa phương, mỗi mô hình khác nhau có những thuận lợi, khó khăn riêng. Bài toán đặt ra là cần xem xét tất cả các yếu tố tác động từ khi thành lập đến khi đưa vào hoạt động các tổ chức đồng quản lý và các khu bảo tồn biển, mỗi yếu tố có thể giải quyết, hỗ trợ bằng hình thức gì, cơ quan nào… để hoàn thiện khung pháp lý mới hỗ trợ đắc lực cho các tổ chức, cơ quan trên.