Bảo tồn di sản trong thời đại làm kinh tế và phát triển du lịch

Cập nhật: 05/12/2017
Các lợi ích khác mất đi còn có khả năng làm lại, nhưng tài nguyên văn hóa và tài nguyên thiên nhiên mất đi là mất vĩnh viễn.

Vịnh Hạ Long, một trong những di sản đang có nguy cơ bị tác động bởi du lịch, ảnh : AmaWaterways)

Có 3 mối đe dọa luôn tác động lên các di sản văn hóa và thiên nhiên. Thứ nhất là thời gian và thiên nhiên, thứ hai là chiến tranh, và thứ ba là những tham vọng làm giàu của con người. Không phải ngẫu nhiên mà hôm nay UNESCO coi nội dung “Đoàn kết vì di sản” là một trong những nội dung quan trọng, cấp bách trong hoạt động của mình trong trong những năm tới, trong đó Du lịch được đánh giá là một trong những đối tượng cần được quan tâm hàng đầu trong sự nghiệp bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên tại mỗi quốc gia và tren toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, mối tương tác giữa Du lịch và Di sản sẽ được đề cập tại cuộc hội thảo quốc tế “Vai trò của Du lịch trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên” do Liên hiệp các Hội UNESCO tổ chức vào ngày 16 tháng 12 sắp tới”.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Trưởng ban tổ chức hội thảo chia sẻ với Ngày Nay trước thềm hội thảo đang rất được dư luận quan tâm.

PV. Thưa ông, theo đánh giá chung, trong đó có UNESCO, thì phải chăng du lịch đang gây ra những tác động tiêu cực đối với di sản văn hóa và thiên nhiên?

Ngày hôm nay Du lịch được ví là “ngành công nghiệp không ống khói”, là “lĩnh vực kinh tế của tương lai” thật sự đang đóng vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng, đem lại nguồn thu nhập to lớn cho mọi quốc gia. Thậm chí du lịch là nguồn thu nhập chủ yếu tại một số quốc gia. Quốc gia nào cũng đưa du lịch vào một trong những ưu tiên phát triển kinh tế.

UNESCO chưa bao giờ xem nhẹ Du lịch mà thậm chí còn coi Du lịch là chiếc cầu nối quan trọng giữa các nền văn minh, thúc đẩy giao lữu văn hóa, củng cố và thắt chặt tình hữu nghị, sự xích lại gần nhau nhau giữa các dân tộc. Tuy nhiên từ 4 thập kỷ nay, không chỉ UNESCO mà tại các diễn đàn quốc tế nói chung, đại diện nhiều quốc gia đã lên tiếng cảnh báo về tác động trái chiều của du lịch lên đời sống văn hóa nói chung, đặc biệt là đối với các đối tượng cần được bảo tồn bền vững, đó là nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên của các quốc gia. Bên cạnh những mặt lợi về kinh do du lịch đem lại, tình trạng phát triển du lịch không có kế hoạch trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, việc ngành du lịch chạy theo các mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận như một ngành kinh tế thuần túy làm cho Du lịch nói chúng trở thành một mối đe dọa hữu hình đối với sự nghiệp bảo tồn tồn sự toàn vẹn các giá trị văn hóa (bao gồm văn hóa vật thể và phi vật thể) và các di sản, cảnh quan thiên nhiên.

Bảo tồn di sản trong thời đại làm kinh tế và phát triển du lịch - ảnh 1

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam

Từ giai đoạn khởi động Thập kỷ quốc tế Phát triển Văn hóa mà Liên hợp quốc và UNESCO phát động (1987-1997) người ta đã đưa ra nhiều ví dụ về tác động xấu của du lịch lên các môi trường văn hóa, môi trường cảnh quan thiên nhiên. Ở châu Á UNESCO đã nhắc đến bài học văn hóa bản địa Bali (Indonesia) gần như biến mất bởi phát triển du lịch vô tội vạ, Người ta nhắc nhiều đến bài toán đau đầu của chính phủ và nhân dân Thái Lan trong việc lựa chọn giữa một bên là mục tiêu bảo tồn văn hóa, một bên là hoặc mục tiêu kinh tế đối với Cố đô Authaia – Một Di sản văn hóa thế giới nổi tiếng trong bối cảnh du lịch đang tấn công và làm biến đổi các giá trị căn bản của di tích đã được Công ước Bảo tồn Di sản Văn hóa và Thiên nhiên ghi nhận và bảo hộ. Ở CHLB Đức có thung lũng sông Elbe nổi tiếng với nhiều cung điện nguy nga tráng, do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đã phải rút lui khỏi danh sách Di sản Văn hóa TG. Ở Việt Nam, Vịnh Hạ Long đã không chỉ một lần có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát theo tiêu chí và tiêu chuẩn của Công ước Bảo tồn Di sản thế giới bởi các hạng mục kinh tế và du lịch phát triển ồ ạt đang làm thay đổi cảnh quan và môi trường nghiêm trọng ở Hạ Long.

Vậy thưa Ông, ngành Du lịch và Kinh tế Du lịch sẽ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại này?

Du lịch nói chung là một khái niệm rộng, đó không chỉ là công việc của một bộ một ngành mà là trách nhiệm của tất cả những ai đang làm kinh tế du lịch và tham gia thụ hưởng các dịch vụ đó. Du lịch hôm nay đã trở thành một lĩnh vực hoạt động rất đặc biệt, tổng hợp của nhiều loại hình dịch vụ, của nhiều thành phần kinh tế liên kết trong một quốc gia và liên kết quốc tế. Đây cũng là một lĩnh vực rất đặc thù cần tính đến sự tham gia với sự chủ trì chủ yếu là các đơn vị kinh tế du lịch tư nhân và trong bối cảnh toàn dân tham gia tham quan du lịch. Đây cũng là sự nghiệp bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên cần có sự tham gia của toàn dân ở trong một quốc gia, cũng như trên phạm vi toàn thế giới khi công dân của các quốc gia tham gia vào các hoạt động lữ hành quốc tế.

Không phải ngẫu nhiên mà tại cuộc làm việc giữa UNESCO với Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới (WFUCA) tổ chức vào tháng 5/2017, UNESCO đã giao cho WFUCA nhiệm vụ quan trọng là đưa nội dung “Đoàn kết vì Di sản” vào một trong những nội dung và nhiệm vụ chính của Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới, trong đó lấy các hoạt động tuyên truyền kêu gọi trách nhiện các tổ chức kinh tế du lịch tham gia đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn di sản, giáo dục cho đại chúng, cho thế hệ trẻ ở các quốc gia ý thức bảo vệ các kỳ quan, các cảnh quan vô giá của của quốc gia mình và quốc gia bạn trong quá trình tham gia trong hành trình tham quan và du lịch của mình.

Trong thông điệp của UNESCO gửi tới Hội nghị quốc tế cấp bộ trưởng về Du lịch và Văn hóa do UNESCO phối hợp với Hiệp hội Du lịch thế giới tổ chức vào 2015 ở Siem Reap, Campuchia, Tổng Giám đốc UNESCO Bà Irina Bokova đã nhận định: "Ngày nay mỗi tổ chức làm du lịch, mỗi du khách cần phải trở thành một người giám hộ cho di sản thế giới, trở thành đại sứ của cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa. Đây là lý do tại sao cần đặt sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa lên vị trí ưu tiên hàng cao nhất, và chỉ có như vậy mới xây dựng được một nền du lịch bền vững”

Quả thật khi các di tích bị tàn phá, bị khai thác đến cạn kiệt thì hoạt động du lịch cũng không còn ý nghĩa. Bảo vệ bền vững các di tích và di sản, đó chính là con dường duy nhất để bảo đảm cho một ngành du lịch bền vững.

Như vậy theo ông Du lịch kinh tế cần có đóng góp như thế nào vào sự nghiệp bảo tồn các di sản? 

Trước hết chúng ta phải thẳng thắn nhận định: Ngành Du lịch, xét từ mọi khía cạnh là một ngành kinh tế chứ không phải là ngành văn hóa, trong đó lấy việc khai thác các tiềm năng và lợi thế về văn hóa, thiên nhiên, vốn là tài sản quốc gia để tìm kiếm lợi nhuận.

Trong khi đó Văn hóa muốn duy trì và phát triển lại cần đến sự đầu tư. Nếu muốn nâng cấp trình độ văn hóa, bảo tồn di sản bền vững thì nguồn tài chính này gần như không có giới hạn.

Như vậy là xét về xu hướng thì hoạt động du lịch và phát triển văn hóa, trong đó có bảo tồn di sản là hai lĩnh vực ngược nhau về lợi ích.

Đó chính là bài toán mấu chốt phải tính đến trong khi hoạch định các chính sách phát triển quốc gia. Đó cũng là sự lựa chọn đầy khó khăn khi đứng trước sự lựa chọn một bên là sự thôi thúc bởi các lợi ích kinh tế đầy hấp dẫn và bên kia văn hóa. Bài toán nan giải ấy của mỗi quốc gia, mỗi địa phương tại các quốc gia đều rơi vào tình hình như vậy. Nếu vấn đề này không được đưa vào kế hoạch và sự hoạch định  thì quốc gia đó có thể bị coi là thiếu tầm nhìn, lạc hậu và không có tương lai.

Một điều nghịch lý thường xảy ra là ở các nước phát triển, kinh tế giàu có thì họ rất thận trọng và giới hạn trong hoạch địch phát triển du lịch, cho nên các tài nguyên văn hóa và thiên nhiên thường được bảo tồn, thậm chí trở nên ngày càng rực rỡ, càng có giá trị cao.

Một thực trạng chung hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà phổ biến ở các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển, đó là sức cám giỗ của các dự án du lịch hứa hẹn nhiều món lợi nhuận khổng lồ. Bất chấp các giá trị văn hóa và tài nguyên cảnh quan thiên nhiên cần được bảo tồn, giữ gìn tính nguyên vẹn, các tài nguyên ấy đang bị các dự án kinh tế đội lốt “văn hóa” lấn át, thậm chí ngoạm dần, khó cưỡng lại trước sự bành trướng của các tập đoàn kinh tế giàu có.

Tại các quốc gia chậm phát triển thì tài nguyên văn hóa, bào gồm di tích, công trình lịch sử và văn hóa, cảnh quan thiên nhiên lại thường chỉ dừng lại như miếng mồi ngon hấp dẫn khách du lịch. Thậm chí ở một vài quốc gia người dân địa phương còn kết hợp với các công ty du lịch tạo nên những công trình kiến trúc lịch sử và văn hóa giả tạo, khôi phục và khai thác các hủ tục vốn là tàn dư lạc hậu, chế ra các lễ hội chưa từng có mang màu sắc lai căng từ các nền văn hóa xa lạ để nhử, để thu tiền du khách. Ở nước ta không phải không có hiện tượng biến tướng các nghi lễ tâm linh thuần khiết, đưa cồng chiêng ra khỏi môi trường văn hóa cồng chiêng và những di sản phi vật thể, các sinh hoạt tâm linh thuần khiết thành các hoạt động câu khách, chuyển hóa các loại hình âm nhạc vốn trong quá khứ chỉ thực hành tại các nghi lễ khô khan của cung đình nay thành một loại thực đơn cho du khách. Những hoạt động đó không phải là tôn vinh, là quảng bá, là tuyên truyên, bảo tồn hoặc tôn vinh. Cách làm đó đang làm cho các hình thái văn hóa ngày càng mất đi các giá trị cốt lõi, mai một và biến dạng. Cái đó không phải là bảo tồn văn hóa mà là phá hoại văn hóa. 

Trong bối cảnh đó ít mấy ai nghĩ đến việc làm sao và bằng cách nào để duy trì và mối quan cân đối giữa lĩnh vực kinh tế du lịch với các hoạt động bảo tồn di sản. Nhiều tổ chức du lịch coi việc khai thác, thậm chí khai thác cạn kiệt các tài nguyên văn hóa và thiên nhiên của quốc gia là việc đương nhiên, còn trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ, tôn tạo các tài nguyên đó là công việc của các địa phương, của nhà nước. Họ coi là hết trách nhiệm sau khi đóng thuế cho nhà nước.

Từ thực trạng đó rút ra một số kết luận: Chúng ta cần học tập các quốc gia tiên tiến, cần học những kinh nghiệm từ những diễn đàn quốc tế có uy tín như UNECO để từ đó xây dựng những chính sách phù hợp hơn nhằm động viên khuyến khích được các đơn vị hoạt động về du lịch và lữ hành tham gia vào các hoạt động hướng đến đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn di sản. Họ phải có ý thức họ chính là chủ nhân thật sự để chăm lo, giữ gìn và vun đắp cho các di sản của quốc gia. Thuế đóng nghĩa vụ cho nhà nước chỉ là phần cứng. Đóng thuế có cao đến bao nhiêu mà các đơn vị hoạt động du lịch vẫn giữ thái độ vô cảm về trách nhiệm, không lồng ghép các tiêu chí, các kiến thức, các nghĩa vụ mang tính ràng buộc liên quan công cuộc bảo tồn tài nguyên của quốc gia thì các di sản vẫn rơi vào tình trạng đứng trước nguy cơ bị bóc lột và tàn phá bởi các tham vọng và bàn tay con người.

Sự tàn phá này đôi khi còn nhanh hơn sự tàn phá của thời gian và trong một số trường hợp các biệt không kém gì dự tàn phá của xung đột bạo lực. Theo lời kêu gọi của Liên Hợp quốc, các đơn vị hoạt động du lịch cần đóng vai trò là tiền đồn bảo vệ di sản, các hướng dẫn viên du lịch cần giữ vai trò là những chiến sĩ bảo vệ di sản. Muốn vậy, họ cần được giáo dục, được huấn luyện và được trang bị kiến thức và các kỹ năng, để hiểu và tham gia một cách có hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ các tài nguyên vô giá của quốc gia, để họ thấy được vai trò cao cả của mình trong một lĩnh vực hoạt động hết sức đặc biệt, vừa làm kinh tế, vừa bảo vệ văn hóa của nước nhà.

Nhưng khó hơn cả, đứng về vĩ mô, nhà nước cần hoạch định dài hơi một mô hình phát triển du lịch của quốc gia, trong đó không chỉ lấy yếu tố đòn bẩy là lợi nhuận làm mục tiêu cuối cùng mà là những lợi ích cao cả hơn, mang tính nhân văn hơn, không phải chỉ cho các lợi ích trước mắt mà cho tương lai. Đó là việc sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả, một cách nhân văn nguồn tài nguyên mà chúng ta gọi là giang sơn gấm vóc của đất nước, của dân tộc, bao gồm cả thiên nhiên và các giá trị văn hóa mà nhiều thế hệ cha ông đã chiến đấu để bảo vệ, để giữ gìn và trao lại cho chúng ta hôm nay, mà trong đó người quản lý và sử dụng chính ngày nay lại chính là ngành kinh tế du lịch.

Bảo tồn di sản trong thời đại làm kinh tế và phát triển du lịch - ảnh 2

Sapa đang bị biến dạng bởi làn sóng du lịch

 

Đứng trước nhu cầu phát triển kinh tế, hoạch định và mở rộng các dự án phát triển kinh tế nói chung, trong đó du lịch với trên quy mô lớn cần có sự tương tác và có khả năng tác động đến môi trường văn hóa, kiến tạo thiên nhiên thì nhất thiết ngoài đề án khả thi về kinh tế, nhà nước cần tính đến một cơ chế xét duyệt tối cao ở cấp quốc gia nhằm phê duyệt các mục tiêu văn hóa, đặc biệt bảo đảm tính bền vững cho các nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên không có khả năng tái tạo của quốc gia. Bên cạnh đó nên học tập các nước về việc thể chế hóa các tiêu chí kinh tế - văn hóa dành cho các hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế để từ đó có thể đưa ra các giới hạn, bao gồm cả xử phạt khi phê duyệt và theo dõi các dự án đầu tư vì mục đích bảo vệ sự cân bằng lợi ích kinh tế trước mắt và các mục tiêu văn hóa lâu dài.

Vậy Hội thảo quốc tế “vai trò của Du lịch trong sự nghiệp bảo tồn di sản” sẽ đưa ra những sáng kiến, giải pháp gì nhằm giải bài toán giữa phát triển và bảo tồn, thưa ông?

Trước hết đây không phải là một hội thảo về du lịch mà là một hội nghị bàn về công tác bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên trong bối cảnh thời bình – trong bối cảnh ngành du lịch đang không ngừng phát triển.

Là một tổ chức xã hội, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng không có kỳ vọng rằng Hội nghị quốc tế này sẽ đưa ra được những sáng kiến hoặc giải pháp có khả năng giải các bài toán phức tạp trong mối quan hệ lợi ích kinh tế du lịch và bảo tồn di sản văn hóa. Đây là công việc của các cơ quan chức năng của nhà nước và là trách nhiệm của toàn thể ngành du lịch.

Với chức năng của một tổ chức nhân dân hoạt động trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và truyền thông, nhận nhiệm vụ mà UNESCO giao cho, kết hợp với sự nhận sự phân công của Liên hiệp các Hội UNESCO thế giới, Hội nghị quốc tế lần này là hội nghị quốc tế lần thứ tư được tổ chức tại Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn Đạo đức Toàn cầu, với chủ đề vai trò và trách nhiệm của lĩnh vực du lịch trong sự nghiệp bảo tồn các di sản văn hóa thiên nhiên, được coi như một khía cạnh vô cùng quan trọng xét theo chuẩn mực Đạo đức Toàn cầu trong thời đại của chúng ta.

Với kỳ vọng khiêm tốn, chúng tôi mong rằng Hội nghị Quốc tế tổ chức tại Thủ đô Hà Nội lần này các tổ chức và doanh nghiệp đang tham gia hoạt động trên lĩnh vực du lịch, các nhà hoạch định chính sách văn hóa và du lịch, các học giả Việt Nam quan tâm đến lĩnh vực trách nhiệm của Du lịch và Văn hóa sẽ có điều kiện cùng các bạn bè quốc tế trao đổi ý tưởng, học tập kinh nghiệp lẫn nhau để hiểu và cùng nhau góp phần thực hiện một nội dung vô cùng quan trọng trong: Đó là bảo vệ di sản cho muôn đời sau mà trong đó Du lịch là đối tượng quyết định, được kêu gọi hàng đầu.

Xin cảm ơn Ông về cuộc trao đổi thú vị này!

Nguồn: Ngày Nay