Bà Phạm Lê Thảo – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) khẳng định, những quy định về HDV du lịch trong Luật Du lịch 2017 đã được xin ý kiến rộng rãi của các bên liên quan và được Quốc hội bỏ phiếu thông qua. Vì vậy, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch và các Sở Du lịch, Sở VHTTDL đang thực thi pháp luật chứ không phải “bắt chẹt” hướng dẫn viên như nhiều người nói.
Mới đây, Tổng cục Du lịch Việt Nam ban hành văn bản số 1342/TCDL-LH đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành thực hiện triển khai quản lý hướng dẫn viên (HDV) du lịch theo quy định của Luật Du lịch năm 2017 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.
Theo quy định của Luật Du lịch 2017, HDV chỉ được hành nghề khi đáp ứng cả 3 điều kiện. Thứ nhất, có thẻ HDV du lịch. Thứ hai, có hợp đồng lao động với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, DN cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa. Thứ ba, có hợp đồng hướng dẫn với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với HDV du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.
Quy định mới này đã khiến nhiều diễn đàn du lịch “nóng” trong thời gian gần đây do nhiều hướng dẫn viên (HDV) tỏ ra lo ngại sẽ bị ảnh hưởng đến “miếng bánh”, “nồi cơm”, thậm chí mất việc khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực từ 1/1/2018.
Để làm rõ những vấn đề liên quan đến những quy định mới về HDV du lịch trong Luật Du lịch 2017, Báo điện tử Tổ Quốc đã có trao đổi với bà Phạm Lê Thảo – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch):
-Thưa bà, vừa qua, sau khi Tổng cục Du lịch ban hành văn bản đề nghị các Sở Du lịch, Sở VHTTDL các địa phương thực hiện triển khai quản lý hướng dẫn viên (HDV) du lịch theo quy định của Luật Du lịch năm 2017, nhiều HDV tỏ ra lo ngại những hệ lụy xảy ra đối với họ sau khi Luật có hiệu lực. Vậy xin bà cho biết, cơ sở nào để đưa ra những quy định mới liên quan đến HDV du lịch trong Luật Du lịch năm 2017?
+Những quy định này xuất phát từ nhu cầu quản lý và nhu cầu quyền lợi của tất cả các bên liên quan đến hoạt động du lịch. Từ năm 1994, khi bắt đầu quản lý hướng dẫn viên, điều kiện đối với HDV còn ngặt nghèo hơn, chỉ có một loại HDV và buộc phải tốt nghiệp đại học; phải là nhân viên của một công ty du lịch và công ty đó đề xuất lên Tổng cục Du lịch thì HDV đó mới được cấp thẻ. Tuy nhiên, sau Pháp lệnh Du lịch năm 1999, Luật Du lịch năm 2005, đã có sự phân biệt giữa HDV nội địa và HDV quốc tế. Theo đó, tiêu chuẩn của HDV nội địa giảm xuống một chút. Đồng thời, HDV được cấp thẻ cũng không cần phải do một công ty đề xuất lên. Khi đó, HDV được hoạt động tự do, tạo điều kiện thuận lợi cho HDV hoạt động độc lập cũng như các DN lữ hành có nhiều cơ hội để lựa chọn HDV nếu họ có đủ năng lực và đáp ứng HDV ở các thị trường đa dạng.
Bà Phạm Lê Thảo – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) (Ảnh: Tuổi trẻ)
|
Thế nhưng, những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của khách du lịch là sự phát triển, nở rộ của các DN và đội ngũ HDV. Cụ thể, từ năm 2006, khi bắt đầu quản lý HDV theo Luật Du lịch 2005, chỉ có hơn 2.000 HDV du lịch trên toàn quốc, đến nay đã có hơn 20. 000 HDV, chưa kể đội ngũ hùng hậu của HDV tại điểm, trước đây thường được gọi là thuyết minh viên, thuyết trình viên hoặc các HDV không xin thẻ hành nghề ở bản địa.
Với hơn 20.000 HDV cùng với những điều kiện cấp thẻ “mở”, điều kiện làm việc cho phép HDV nội địa linh động, không bắt buộc phải hoạt động ở một địa phương..., những yếu tố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho HDV hoạt động, đồng thời cũng tạo ra sự lộn xộn trong kinh doanh du lịch.
Đối với một số DN lữ hành, có hiện tượng bất cập ở một số nhóm HDV, mối quan hệ xung đột về lợi ích, không được giải quyết thấu đáo khiến ảnh hưởng, tổn hại đến lợi ích của DN và sâu xa hơn là tổn hại đến lợi ích quốc gia. Ví dụ, một số trường hợp HDV, đến giờ nhận khách mới báo ốm đột xuất. Đây là trường hợp bất khả kháng, DN không thể ép buộc HDV, nhưng như vậy ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp của ngành du lịch, còn DN phải mất thời gian để tìm kiếm người khác thay thế đột xuất.
Có trường hợp khá phổ biến khác là HDV sau khi làm việc với đầu mối đối tác quen thì sẽ không thông qua DN nữa mà làm việc trực tiếp với khách hàng “ruột” của một số DN. Như vậy, có nghĩa là HDV đã kinh doanh bất hợp pháp, đồng nghĩa với việc trốn thuế, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN và kỉ cương pháp luật.
Tuy nhiên, nếu có vấn đề bất cập xảy ra, khách du lịch chỉ biết đến DN. Do đó, DN vừa bị tổn hại đến thu nhập, vừa bị tổn hại đến uy tín. Đó là những hiện tượng tiêu cực đã xảy ra ở một số HDV. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp HDV gặp sự cố nhưng không có ai đứng ra bảo vệ nên chịu nhiều ấm ức thiệt thòi. Việc áp quy định mới sẽ bảo vệ quyền lợi các HDV du lịch tốt hơn.
Trong quá trình xây dựng Luật Du lịch 2017, Ban soạn thảo đã được thành lập gồm đại diện nhiều bộ ngành, trong đó có đại diện Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch (TCDL). Ban soạn thảo đã tham vấn cơ quan quản lý là TCDL và TCDL cũng đưa ra những trường hợp, hiện tượng bất cập như vậy để xin ý kiến. Có thể nói, những quy định về HDV du lịch trong Luật Du lịch đã được xin ý kiến rộng rãi của công chúng, cộng đồng DN, các hiệp hội du lịch, hướng dẫn viên, tổ chức các hội nghị lấy ý kiến tại các tỉnh thành… và hầu như không có ý kiến phản hồi là không nhất trí. Sau nhiều phiên họp bàn thảo, góp ý, Quốc hội cũng đã bỏ phiếu thông qua Luật Du lịch 2017. Do vậy, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, các Sở Du lịch và Sở VHTTDL địa phương là những người thi hành luật pháp chứ không phải là muốn “bắt chẹt”, hay gây khó khăn cho HDV như dư luận gần đây đề cập đến. Thông tin như vậy là không công bằng, định hướng sai dư luận.
-Trước quy định trong Luật Du lịch 2017 là HDV du lịch phải có đủ 3 điều kiện mới được hành nghề, nhiều HDV cho rằng, với quy định này thì việc cấp thẻ HDV không còn nhiều ý nghĩa. Bà nghĩ sao về lập luận này?
+ Thẻ HDV nhằm công nhận trình độ, ngoại ngữ, kiến thức của bạn đủ điều kiện phục vụ khách du lịch. Điều kiện là như vậy nhưng DN mới là đơn vị đảm bảo cho HDV có cơ hội làm việc, mang khách đến cho HDV, là đơn vị bảo vệ cho HDV nếu có sự cố xảy ra. Nếu HDV làm tốt, lần sau sẽ được tiếp tục đề xuất để dẫn đoàn. Thế nhưng, nếu trong trường hợp HDV làm không tốt, DN sẽ là đơn vị chịu điều tiếng, trong khi HDV không phải đền bù thiệt hại. Do đó, cần phải nhìn nhận 2 chiều về vấn đề này.
-Nhiều HDV lo ngại rằng, với hơn 20.000 HDV trên cả nước, sẽ khó có cơ hội cho họ khi yêu cầu HDV phải có hợp đồng lao động với DN vì không phải DN nào cũng sẵn sàng “nuôi” HDV cơ hữu vì du lịch có tính thời vụ. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
+ Theo một cuộc điều tra nhỏ, hiện nay, tại một số DN lữ hành lớn của 3 miền, lượng HDV cơ hữu, cộng tác viên được kí hợp đồng nguyên tắc (nếu phát sinh chi phí thì công ty sẽ hỗ trợ bù phần bảo hiểm, nhưng nếu không phát sinh chi phí thì HDV phải tự nguyện đóng bảo hiểm) đã hơn 5.000 người. Như vậy, không phải DN không sẵn sàng ký hợp đồng với HDV. Chúng ta cũng cần đặt câu hỏi, tại sao hơn 5.000 HDV đó được ký hợp đồng lao động cố định mà những người khác thì không? Điều này cho thấy, người lao động phải phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường và HDV cần phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường.Tôi cho rằng, nếu HDV có đủ trình độ, đủ uy tín và trách nhiệm, thực sự có thái độ xây dựng thì DN cũng không hạn chế kí hợp đồng với HDV.
-Trước luồng thông tin dư luận về việc nhiều HDV phản ứng về quy định theo hướng “siết chặt” điều kiện hành nghề của HDV trong Luật Du lịch 2017, Tổng cục Du lịch có đánh giá gì và có giải pháp như thế nào để Luật Du lịch đảm bảo được thi hành?
+ Chắc chắn trong thời gian đầu khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực sẽ vẫn còn những ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, số người phản ứng với quy định HDV thực ra chỉ là số ít, không phải tất cả. Đôi khi có những người chưa quan tâm lắm, chưa thực sự nắm vững quy định của Luật Du lịch. Tôi cho rằng, nếu HDV được phổ biến và hiểu kỹ về Luật Du lịch 2017 thì sẽ không phản đối. Vừa qua, tôi đã tham dự Hội nghị triển khai Luật Du lịch 2017, phổ biến những vấn đề về HDV du lịch do Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức. Những quy định mới về HDV, về các loại hợp đồng… đã được giải thích thỏa đáng tới đội ngũ HDV và hầu hết đều tỏ ra vui vẻ.
Theo điều tra sơ bộ, với gần 2 ngàn DN lữ hành quốc tế, chưa tính DN lữ hành nội địa, so với số lượng HDV quốc tế hơn 12 ngàn như hiện nay, thì sẽ không đến nỗi HDV không có “chỗ” trong các DN. Chưa kể, những DN lữ hành lớn có nhu cầu đến vài chục và vài trăm HDV và cộng tác viên như Vietravel và Saigontourist… “Miếng bánh”, “nồi cơm” luôn dành cho những người làm ăn nghiêm túc./.