Hình ảnh những chuyến xe buýt văn minh, lịch sự và những nụ cười thân thiện của lái xe, phụ xe buýt không hiếm gặp trên nhiều tuyến buýt của Hà Nội. Tuy nhiên, văn hóa xe buýt không chỉ dừng lại ở đội ngũ lái xe, phụ xe, mà từ cả ý thức tự giác và giữ gìn môi trường của hành khách.
Văn hóa xe buýt - bắt đầu từ chính nội quy
Chị Nguyễn Thu Hường, cán bộ Ban Quản lý Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội (Hà Đông) hằng ngày vẫn đi làm bằng xe buýt cho biết: Rất nhiều lần lên xe buýt cảm thấy căng thẳng khi bị tra tấn bởi tiếng ồn từ nhiều hành khách trên xe. Một số bạn trẻ nói chuyện sử dụng ngôn từ khó nghe hoặc nói điện thoại rất to, khiến hành khách không nghe rõ loa thông báo điểm dừng tiếp theo, nên bỏ lỡ tuyến xuống. Nhắc nhở thì những hành khách này tỏ ra khó chịu rồi lại đâu vào đó. Cũng không ít lần, chị Hường đã phải từ bỏ xe buýt và sử dụng xe máy đi làm, dù tuyến đường từ nhà đến cơ quan khá xa.
Bên cạnh đó, không ít phản ánh của nhiều sinh viên là khách hàng thường xuyên sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển chính, bức xúc chia sẻ: Nhiều lần bị dính kẹo cao-su trên ghế ngồi vào quần áo, rất khó để làm sạch hay một số người còn bị “lĩnh trọn” bọc rác bay ra từ các xe buýt đang di chuyển...
Ghi nhận tại các nhà chờ xe buýt, nhiều hành khách là người già, cán bộ nghỉ hưu còn phàn nàn: “Không chỉ mất vệ sinh, mà gần như các bạn trẻ hiện nay không có văn hóa xếp hàng, chen lấn xô đẩy nhau mỗi lúc lên xuống xe, thậm chí đứng tràn xuống lòng đường đợi xe, chỉ để mong được lên xe trước và chiếm chỗ. Điều này không chỉ tạo sơ hở cho kẻ xấu lợi dụng móc túi, mà khiến các điểm chờ xe buýt lộn xộn, nhếch nhác, mất trật tự công cộng.
Ngay cả việc nhỏ nhất là nội quy xe buýt “lên cửa trước, xuống cửa sau” lâu nay cũng bị không ít hành khách thiếu ý thức không thực hiện, vô tư vi phạm, chỉ vì muốn nhanh, muốn tiện. Anh Nguyễn Đức Hùng, lái xe buýt tuyến 17 (Long Biên - Nội Bài) chia sẻ: Nhiều hành khách thiếu ý thức. mang vác đồ đạc cồng kềnh lên xe mặc dù đã chật chỗ, làm ảnh hưởng đến người khác, trong khi du khách quốc tế dù đem nhiều đồ, nhưng họ vẫn cố gắng sắp xếp một cách gọn gàng nhất và luôn giữ trật tự, lịch sự trên xe…
Trao đổi thực tế này, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Bến xe Mỹ Đình cho rằng, hoàn toàn có thể giải quyết được, nếu triển khai quyết liệt các biện pháp bảo đảm vệ sinh ở các điểm nhà chờ, bến xe, bằng việc dọn dẹp thường xuyên, bố trí thùng rác tiện lợi và có hướng dẫn cụ thể. Còn trên xe, nội quy thực hiện nếp sống văn hóa đã niêm yết, nếu lái xe và phụ xe thường xuyên nhắc nhở, thì hành khách sẽ có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, cũng như tự giác thực hiện quy định.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, nếu các quy định này, dù nhỏ, nhưng ai vi phạm cũng bị xử phạt nghiêm sẽ góp phần nâng cao ý thức tự giác cho mỗi hành khách đi xe buýt. Những hành động đẹp được biểu dương, những vi phạm hay ứng xử không đẹp đều có thể bị xử phạt đích đáng, nhưng quan trọng hơn là sự lên án của cả cộng đồng.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, văn hóa của hành khách xe buýt thể hiện qua nhiều thang bậc, từ sự chuẩn bị trước khi lên xe, dừng chờ đúng vị trí, tuân thủ thứ tự và nhường nhịn, giúp đỡ những người yếu thế khó khăn trên mỗi chuyến đi. Tuy nhiên, các quy định về tham giao thông bằng xe buýt đều hướng tới xây dựng môi trường an toàn, văn minh và ứng xử văn hóa cho hành khách cũng như nhân viên xe buýt. Do vậy, nên chăng mỗi hành khách chỉ cần thực hiện đúng, đủ và tự giác các quy định đó đã thể hiện mình là người có văn hóa khi tham gia giao thông bằng xe buýt.
Ở góc độ người tham gia giao thông bằng xe gắn máy, qua ghi nhận ý kiến của nhiều người có chung quan điểm, khói xăng, bụi, ùn tắc, tai nạn… hiện nay chủ yếu phát sinh từ khối lượng lớn xe máy tham gia giao thông. Nhất là vào những ngày mưa gió, nắng gắt, càng làm những người đi xe máy thêm khổ. Đây cũng chính là những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường sống. Đơn cử như hình ảnh những thanh thiếu niên chở 3-4 người phóng bạt mạng, luồn lách, vượt đèn đỏ, nẹt pô ầm ĩ và nhả khỏi đen xì trên những chiếc xe đã “hết đát”…
Hà Nội hiện có hơn 5,5 triệu phương tiện cá nhân (gần 500 nghìn ô-tô và khoảng 5,5 triệu xe gắn máy) và mỗi ngày, con số này vẫn tiếp tục gia tăng thêm khó kiểm soát. Phố xá Hà Nội trước đây nổi tiếng với những cây cao bóng mát, nhưng dường như bây giờ cây cối cũng đã quá tải để thanh lọc không khí ô nhiễm từ khí thải phương tiện. Đó cũng chính là hình ảnh đáng báo động cho môi trường thiếu an toàn, nếu cả nước và cộng đồng không mau chóng vào cuộc xử lý trước khi quá muộn.
Bảo vệ môi trường từ xe buýt
Hiện nay, bảo vệ môi trường và giải quyết ô nhiễm môi trường là một vấn đề cấp bách không chỉ của Việt Nam, mà của cả thế giới. Kiểm soát nguồn phát khí thải từ các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có xe buýt có thể trở thành công cụ tuyên truyền về “Bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng” một cách hiệu quả.
Thực tế cho thấy, các phương tiện giao thông vận tải đang là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường không khí ở nước ta. Sự gia tăng xe máy, ô-tô tạo ra mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nhất là ở đô thị, 70% nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường không khí là do hoạt động giao thông vận tải. Điều đáng nói, hầu hết ô-tô, xe máy lưu hành ở nước ta đều chưa được kiểm soát khí thải một cách nghiêm ngặt và không được bảo dưỡng, sửa chữa trong quá trình sử dụng nên mức phát thải và tiêu hao nhiên liệu lớn. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn quá thấp; đa số người dân đều không hiểu rõ tác hại của khí thải. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho mức độ ô nhiễm không khí đô thị, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang ngày càng nghiêm trọng, đe dọa tới sức khỏe con người, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống.
Chính vì vậy, để giảm thiểu lượng khí thải, nhiều thành phố trên thế giới và Hà Nội cũng không ngoại lệ đã đưa ra các giải pháp thay thế phương tiện cá nhân bằng việc sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe buýt, tàu điện… Với những lợi thế riêng, xe buýt hiện nay dần trở thành phương tiện đi lại hằng ngày với người dân vì dễ tiếp cận, giá vé rẻ, đúng giờ, đưa đón hành khách với mật độ cao…
Với mục tiêu cải thiện giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thành phố đưa ra nhiều giải pháp tích cực trong việc giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân, giảm thiểu áp lực ô nhiễm môi trường. Một khi dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt có chất lượng phục vụ tốt, thuận tiện, đủ sức hấp dẫn, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao thông thấy rõ lợi ích của việc sử dụng xe buýt, thì khi đó phương tiện này mới thật sự phát huy hết hiệu quả và ý nghĩa về mặt kinh tế và môi trường. Đặc biệt, tạo sự chuyển biến về nhận thức và thói quen của người dân trong việc sử dụng xe buýt để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường.
Bác Lê Quang Anh, ở quận Hoàn Kiếm, làm việc ở Hà Đông cho biết: “Xe buýt trước nay nhiều người vẫn nghĩ dành cho người có thu nhập thấp, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Tôi vẫn thường xuyên sử dụng tuyến xe buýt 02 đi làm. Ban đầu, việc đi xe buýt khiến tôi mất hơn 1 giờ để đi từ nhà đến cơ quan. Tuy nhiên, tôi thấy rất nhiều điểm lợi từ việc đi xe buýt, như an toàn hơn, không phải hít khói bụi đường phố, lại góp phần hạn chế ùn tắc giao thông”.
Đặc biệt, với vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhiều ý kiến người dân đồng tình quan điểm: Mỗi tuyến xe buýt có thể chở đến hơn 100 người. Nếu số người này đều sử dụng phương tiện cá nhân để ra đường, thì chắc chắn ùn tắc sẽ thêm ùn tắc và lượng phát thải khí CO2 ra môi trường còn lớn hơn nhiều. Bên cạnh đó, đi lại bằng xe buýt, mọi người có thêm thời gian để đọc sách, ngủ bù và cảm nhận bức tranh giao thông hỗn loạn, ùn tắc, để thấy giá trị của xe buýt.
Những năm gần đây, TP Hà Nội luôn tuyên truyền người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, nhưng hiệu quả trên thực tế chưa cao, nhiều người dân vẫn ưu tiên số 1 là sử dụng xe cá nhân hơn. Mặc dù biết rằng cơ sở hạ tầng giao thông còn chưa đồng bộ, xe buýt vẫn còn hạn chế, nhưng suy cho cùng, xe buýt vẫn đã và đang góp phần quan trọng trong việc chung tay xây dựng bức tranh giao thông an toàn hơn, thông thoáng hơn, bảo vệ lá phổi xanh của thành phố. Quan trọng nhất là người dân cần thấy được cái lợi tổng thể, cái lợi bền lâu và tất yếu của xe buýt.
Thiết nghĩ, học sinh, sinh viên, dân văn phòng và những người làm công việc ít phải di chuyển, thì nên sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại, vừa lợi cho mình vừa lợi cho cả cộng đồng. Xã hội phát triển không thể ngăn nổi những hệ lụy phát sinh, việc gia tăng những phương tiện máy móc cũng có hai mặt, vừa giúp con người thỏa mãn nhu cầu này, nhưng đồng thời cũng vô tình làm hại đến nhu cầu khác. Để có thể bảo đảm tất cả các lợi ích hài hòa, chính chúng ta, mỗi người dân hãy góp một chút sức nhỏ cho Hà Nội qua các việc làm cụ thể như hạn chế phương tiện cá nhân ra đường, hay chỉ đơn giản như yêu xe buýt ở khía cạnh tích cực nhất mà nó mang lại.
Nguyễn Tiến