Du lịch bụi và ý thức bảo vệ môi trường

Cập nhật: 23/07/2018
Rác thải du lịch đang là vấn đề nhức nhối của nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Thời gian gần đây, vấn nạn này còn nổi cộm trong cộng đồng các bạn trẻ có sở thích du lịch bụi, trekking (đi bộ đường dài, đi bộ leo núi nhiều ngày).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm trekking, du lịch bụi nổi tiếng như: núi Cô Tiên (TP. Nha Trang), Mũi Đôi - cực Đông Tổ quốc (huyện Vạn Ninh). Vài năm gần đây, những nơi này được xem như điểm đến quen thuộc của những người trẻ thích khám phá, mạo hiểm. Tuy nhiên, lượng rác thải ở đây tăng theo những lượt dã ngoại, cắm trại.

Núi Cô Tiên có đường đi lên nằm tại khu dân cư Đường Đệ (phường Vĩnh Hòa), mỗi cuối tuần, thường có từ 3 đến 4 nhóm người lên đây cắm trại. Điều đáng nói, một trong số các nhóm bạn trẻ lên đến đây, thường để lại những “tàn dư” của cuộc vui mà không thu gom mang về. Dọc đường lên đến đỉnh núi nơi mọi người thường cắm trại, chúng tôi bắt gặp không dưới 10 điểm tập kết nhiều rác thải. Hầu hết là các túi ni-lông chứa đồ ăn thừa, xiên que, vỏ lon bia, nước ngọt, vỉ nướng đồ ăn... do những nhóm khác cắm trại để lại, nằm ngổn ngang. Không những vậy, trên các cành cây còn lổn nhổn những vỏ chai nước đã dùng hết được cắm lên. Bạn Nguyễn Thái Thanh - thành viên đi cùng bức xúc nói: “Không biết những người này nghĩ gì. Ai cũng lên chơi rồi để lại một đống rác như vậy, rồi một thời gian nữa, có còn chỗ cho mọi người cắm trại nữa không”.

Nguyễn Thiều Sang - bạn trẻ thường xuyên tổ chức những tour trekking, du lịch bụi chia sẻ: “Khoảng 2 năm gần đây, từ khi được chia sẻ trên mạng xã hội, núi Cô Tiên đã trở thành điểm đến của nhiều người. Được nhiều người biết đến là tốt, nhưng có nhiều người vô ý thức, đến ăn chơi xong không biết thu dọn, xả rác bừa bãi, khiến mọi người rất bất bình. Mỗi lần tôi dẫn các bạn bè lên, đều chứng kiến cảnh này”.

Tương tự, điểm du lịch dã ngoại nổi tiếng Mũi Đôi lâu nay cũng tràn ngập rác thải do các nhóm cắm trại để lại. Anh Phan Hùng Thi - người dân địa phương, cũng là người thường dẫn các nhóm khách đến điểm cắm trại cho biết, khách đến đây cắm trại nhiều và để lại cũng không ít rác. Những người xả rác tại điểm cắm trại thường là các nhóm đi tự túc, không có người hướng dẫn. “ Họ để lại rất nhiều chén, dĩa dùng một lần, chai nhựa... Có nhiều đoàn đến cắm trại, tôi có nhắc nhở đừng xả rác, nhưng người ta không nghe. Mỗi lần dẫn đoàn ra đây, tôi đều phải vận động mọi người thu gom rác, bỏ vào bao rồi gửi tàu mang về đất liền. Nếu ý thức của các bạn trẻ không thay đổi, trước sau gì chỗ này cũng không tránh được nguy cơ ô nhiễm”, anh Thi tâm sự.

Nhằm thay đổi thái độ của mọi người, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, anh Nguyễn Thiều Sang đã phát động những buổi leo núi thu gom rác thải trên núi Cô Tiên. Đồng thời, trong những chuyến cắm trại do anh tổ chức, mọi thành viên đều được yêu cầu không để lại rác, phải mang rác theo khi ra về. Anh Sang cho biết, với tiêu chí không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài dấu chân, hầu như với các tour du lịch bụi, những người dẫn đoàn đều đã áp dụng hình thức này, nhằm giữ cảnh quan, môi trường du lịch.

Thời gian gần đây, nhiều người trẻ trong cộng đồng du lịch bụi đã lên tiếng về vấn đề này và có những hành động cụ thể. Nhưng để việc bảo vệ môi trường thực sự có hiệu quả, cần lắm sự thay đổi trong nhận thức của mỗi người.

Nguồn: www.baokhanhhoa.vn