Tìm lời giải cho bài toán rác thải nhựa nơi đảo xa - Kỳ I: Trăn trở với rác thải đảo Lý Sơn

Cập nhật: 17/04/2019
Được ví là “thiên đường xanh” giữa biển khơi, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội bằng thế mạnh du lịch. Tuy vậy, những năm qua, công tác xử lý môi trường chưa được chú trọng, khiến hòn đảo này có nguy cơ thành “túi rác” giữa biển.

Công nhân thu gom rác trên đảo Lý Sơn

Ngổn ngang ở “thiên đường xanh”

Từ khi có điện lưới quốc gia, Lý Sơn như “nàng công chúa” được “đánh thức” sau giấc ngủ dài. Cuộc sống nơi đây phát triển hơn,  thu hút lượng lớn khách du lịch. Trong khi năm 2014, lượng du khách chỉ đạt 36.000 người. Đến năm 2018, Lý Sơn đã đón trên 230.000 lượt khách, có những ngày cao điểm lên đến 5.000 lượt khách. Theo tính toán của Phòng TN&MT huyện Lý Sơn, với hơn 2,2 vạn dân trên đảo cùng với lượng khách du lịch “khổng lồ”, số lượng rác thu gom trung bình mỗi ngày lên đến 23 tấn bao gồm cả rác thải sinh hoạt và rác trôi dạt vào bờ biển.  

Để xử lý rác thải tại đảo, tháng 2/2017, Bộ TN&MT đã chính thức đưa vào vận hành Nhà máy Thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện đảo Lý Sơn với tổng kinh phí đầu tư trên 30 tỷ đồng giao cho Công ty TNHH Đa Lộc quản lý theo mô hình xã hội hóa. Tuy vậy, với đặc thù là một huyện đảo chủ yếu là dân bản địa sinh sống có phong tục tập quán lâu đời nên người dân vẫn tiện tay đổ rác thẳng xuống biển. Từng đống rác được sóng cuốn ra khơi, các dòng hải lưu tập trung chúng vào một chỗ, rồi từng con sóng lại cuốn chúng vào bờ. Dạo quanh đảo Lớn ở Lý Sơn, khu vực đường giao thông quanh đảo, bờ kè An Vĩnh tràn ngập rác thải đủ loại từ chai nhựa, túi ni lông, ngư lưới cụ đến các vật dụng trong gia đình như bàn ghế, chậu nhựa... gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan vùng biển đẹp hoang sơ. 

Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An: Điều quan trọng là quyết tâm của cả hệ thống chính trị

“Để Cù Lao Chàm “nói không với túi ni lông” phải giải quyết từ con người. Những kế hoạch mà mình đặt ra, nhất là những kế hoạch ấy phải mang lại cho người dân một cuộc sống tốt hơn. Cái gì mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân thì người dân thực hiện ngay.

Về mặt địa ly, thứ nhất Cù Lao Chàm và Lý Sơn đều là những hòn đảo cách xa đất liền, khi du khách ra đến đảo, đều phải có sự kiểm soát. Thứ hai, người dân ở hai vùng biển này vẫn còn chân chất, hồn hậu. Thứ ba, khác với các đô thị ven biển khác, tình trạng ô nhiễm chất thải ở đây chủ yếu là rác thải sinh hoạt. Điểm khác nhau là Lý Sơn diện tích nhỏ lại có dân số đông. Nhưng việc giảm thiểu túi ni lông không phụ thuộc vào đông hoặc ít khi chính quyền quyết tâm kèm các giải pháp tốt và người dân thấy hiểu sẽ làm được. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi cả một quá trình vận động lâu dài chứ không phải một sớm một chiều.

Việc này không phải là “dời đá lấp biển”. Điều quan trọng là quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu phải truyền lửa cho người dân, làm thật, thường xuyên kiểm tra, ngay từ cảng Sa Kỳ, từ chợ... chứ không chỉ dừng lại ở phong trào để dần thay đổi thói quen lâu nay.  Bắt đầu từ những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, vận tải có trách nhiệm phát những túi tái sử dụng, phân hủy cho du khách... Có quyết tâm, mới có thể biến Lý Sơn thành “hòn ngọc” như kỳ vọng.


Lâu nay, việc sử dụng túi ni lông cũng như các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trên đảo đã trở thành một thói quen, nhất là các hộ kinh doanh vì sự tiện dụng của nó. Trong khi đó, giá thành của túi thân thiện môi trường lại cao hơn nhiều lần so với túi ni lông thông thường và lại ít phổ biến. 

“Túi ni lông chỉ hạn chế dùng khi bỏ đồ nóng, bình thường vẫn phải dùng. Chẳng hạn hành, tỏi bán cho du khách cũng phải bỏ vào túi ni lông  lớn để xách cho tiện” - bà Phí Thị Sỉ, người dân thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết. 

Để hướng đến một Lý Sơn xanh

Trong chiến lược phát triển kinh tế của Lý Sơn, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện, chính quyền địa phương đang có nhiều giải pháp tích cực làm cho Lý Sơn sạch hơn để níu chân du khách như: tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các khách sạn, nhà nghỉ, quầy hàng, cửa hiệu, chợ... nâng cao ý thức của người dân, du khách về bảo vệ môi trường, cụ thể là hạn chế sử dụng túi ni lông, vứt rác thải ra môi trường trên đảo nhưng tất cả chỉ ở bước khởi đầu. 

Rác thải biển

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lý Sơn cho biết, từ năm 2017, Ban Thường vụ Huyện ủy Lý Sơn đã ban hành Chỉ thị 21/CT/HU về việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân, khách du lịch giảm thiểu sử dụng túi ni lông nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Đến năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phát động phong trào hạn chế sử dụng túi ni lông, từng bước đi đến chấm dứt tình trạng sử dụng túi ni lông tại xã An Bình và nhân rộng ra toàn huyện.

“Trong công tác bảo vệ môi trường, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng. Đây là những người thường xuyên đi chợ, mua sắm, bảo quản thực phẩm. Do đó, chúng tôi tập trung tuyên truyền mạnh vào nhận thức của phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông nhằm bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe của bản thân và gia đình” - bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc cho biết. 

Ông Đỗ Minh Hải - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi: Hỗ trợ kinh phí để huyện Lý Sơn tăng cường công tác tuyên truyền

Thời gian qua, tốc độ du lịch phát triển ở Lý Sơn rất lớn nhưng công tác bảo vệ môi trường đây lại cũng chưa được quan tâm đúng mức. Từ khi Nhà máy xử lý rác thải đi vào hoạt động bằng công nghệ đốt, công tác thu gom đi vào nền nếp hơn nhưng ý thức của người dân chưa cao, bỏ rác sai nơi quy định. Bên cạnh đó, do tập quán lâu đời sử dụng túi ni lông để đi chợ nên đã ảnh hưởng lớn đến môi trường biển.

Trong định hướng của địa phương, Lý Sơn sẽ phát triển mạnh về du lịch dịch vụ bên cạnh nghề đi biển truyền thống. Muốn du lịch phát triển, Lý Sơn phải xanh, sạch đẹp, ý thức người dân được nâng cao.

Thời gian đến, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí để huyện Lý Sơn tăng cường công tác tuyên truyền, cấp phát túi thân thiện môi trường để thay đổi thói quen của người dân, các hộ kinh doanh sử dụng những vật liệu thay thế túi ni lông trong buôn bán cho du khách. Phải làm sao để người dân nhận thức được du khách tăng cao thì thu nhập của người dân cũng tăng theo nhờ môi trường sạch đẹp.


Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Văn Thọ, Trưởng Phòng TN&MT huyện Lý Sơn cho rằng: Lý Sơn chọn con đường phát triển du lịch bền vững. Cả hệ thống chính trị từ Huyện ủy, UBND huyện đến các cấp, ngành đã triển khai đồng bộ công tác môi trường trên địa bàn huyện. Đến nay, Lý Sơn đã thành lập 1 đội thu gom rác thải thường xuyên tại các khu vực này để đảm bảo cảnh quan môi trường xanh, sạch - đẹp cho huyện đảo, góp phần phát triển du lịch. 

Theo ông Phạm Văn Thọ, trong thời gian tới, các đoàn thể chính trị xã hội của huyện mà nòng cốt là Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Hội Phụ nữ xã An Bình sẽ tiếp tục duy trì việc bán túi thân thiện môi trường; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch, chủ phương tiện chở khách ở đầu cảng Lý Sơn và cảng An Bình phối hợp với các cơ quan quản lý cam kết thực hiện phương thức đựng hàng bằng các loại túi thân thiện môi trường thay thế cho túi ni lông.

“Huyện đảo Lý Sơn vừa là đảo tiền tiêu vừa là đảo du lịch. Do đó, trong chính sách, chủ trương, Huyện ủy, UBND luôn có những chỉ đạo vừa đảm bảo an ninh quốc phòng, vừa phát triển kinh tế bền vững, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, xây dựng Lý Sơn xứng đáng là “hòn ngọc” giữa biển khơi như kỳ vọng của người dân” - ông Phạm Văn Thọ khẳng định. 

Lý Sơn - huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc đang ngày một đổi thay. Mừng là thế, nhưng song hành với đó là nỗi lo trước sự phát triển nóng. Đã đến lúc Lý Sơn phải “định hướng lại” trong việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ môi trường. Lý Sơn đang cần có quyết liệt của những người đứng đầu cũng như sự đầu tư bài bản trong công tác xử lý môi trường, đặc biệt là quản lý rác thải nhựa, không thải ra đại dương để đảo phát triển bền vững.

Việt Hùng - Lan Anh

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn