Theo Nghị định 27/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ, nước ta sẽ xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên (BTTN) quốc gia trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam với chức năng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, trưng bày, phổ biến kiến thức, giới thiệu quảng bá một cách đầy đủ, toàn cảnh và toàn diện nhất về các đặc trưng, giá trị thiên nhiên của đất nước.
Theo TS. Phạm Văn Lực, Giám đốc BTTN:
Đây là lần đầu tiên ở nước ta xây dựng một bảo tàng (BT) thuộc loại hình BT lịch sử tự nhiên, trong khi đã có tương đối đầy đủ các BT thuộc lĩnh vực xã hội học. BTTN sẽ là công trình tồn tại mãi với thời gian, do vậy, phải bảo đảm tính hoành tráng, độc đáo về kiến trúc, hiện đại về kỹ thuật và công nghệ. Việc xây dựng, quy hoạch BT phải được nghiên cứu, chuẩn bị cẩn thận, chu đáo, để hàng chục năm sau không bị lạc hậu, lỗi thời về mặt kiến trúc, không phải chỉnh trang, cải tạo lại, tránh lãng phí.
Trên cơ sở tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của những quốc gia có hệ thống BTTN phát triển, các nhà nghiên cứu mong muốn xây dựng một công trình thể hiện được tính hoành tráng, có kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử về văn hóa và khoa học cho đất nước, Thủ đô. Trong tương lai, công chúng, nhất là học sinh có thể và sẽ có điều kiện thực hành, nghiên cứu về thế giới sinh vật, về tất cả những gì có trong tự nhiên. Ví dụ: mỗi một vật mẫu động vật (tĩnh) trưng bày trong BT sẽ được cài đặt kèm theo một phim khoa học mô tả chi tiết về toàn bộ quá trình phát sinh, phát triển cá thể của nó để các em học sinh có thể học thuộc bài ngay tại BT.
Mẫu vật luôn là linh hồn của BT, nhất là mẫu động vật đối với loại hình BTTN. Trong tình hình hiện nay, việc săn bắt các loài động vật nhất là những loài quý hiếm đã bị cấm, đặc biệt trong cơ chế thị trường hiện nay, nếu chúng ta không có một giải pháp thích hợp cho vấn đề này thì việc thu thập cho được một bộ sưu tập mẫu vật cho BT sẽ hết sức khó khăn.