Thắng cảnh du lịch Lâm Đồng - Bức tranh ảm đạm

Cập nhật: 02/12/2008
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng có 31 khu, điểm tham quan du lịch có đầu tư vào khai thác kinh doanh.

Theo một báo cáo mới đây của Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng thì “Nhiều khu, điểm có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng về môi trường, cảnh quan, khó có khả năng thu hút khách, làm giảm tính hấp dẫn và tính cạnh tranh của du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng”.

“Ăn nhờ” thắng cảnh

Với đặc thù của ngành du lịch là nghỉ dưỡng và tham quan, do đó các khu, điểm tham quan du lịch ở Lâm Đồng được xem là bộ phận rất quan trọng trong cơ cấu chung của toàn ngành du lịch. Thế nhưng, trong một thời gian dài, nhiều di tích thắng cảnh nổi tiếng có giá trị rât lớn về cảnh quan, lịch sử và văn hoá được giao cho các nhà đầu tư “bóc lột” đến mức cạn kiệt mà thiếu đầu tư, tôn tạo, bổ sung dịch vụ mới. Thực trạng này đã gây nên tâm lý trong phần lớn du khách là muốn chuyển sang các địa phương khác du lịch, vì theo họ: “Nơi đó đang có nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, cao cấp, hấp dẫn hơn”. Lãnh đạo ngành VH TT & DL tỉnh Lâm Đồng cũng thừa nhận tình trạng trên: “Số vốn đầu tư không lớn và tiến độ đầu tư kéo dài, đa số khu điểm du lịch áp dụng phương thức vừa đầu tư vừa khai thác kinh doanh. Rất ít dự án có quy hoạch tổng thể chung, hầu hết là đầu tư theo phương án kinh doanh rất sơ sài. Do đó, trên tổng thể, các nội dung không phong phú, dễ trùng lắp lẫn nhau giữa các điểm tham quan, dịch vụ nghèo nàn và đến nay hầu như nhiều khu, điểm đã xuống cấp do không được tôn tạo, nâng cấp kịp thời…

Nguy cơ xóa sổ nhiều thắng cảnh

Cũng chính vì không được quan tâm, đầu tư nên Hệ thống khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn Đà Lạt – Lâm Đồng đang có dấu hiệu suy giảm cả về chất lượng lẫn số lượng, đến thời điểm này đã có nhiều điểm tham quan không còn khả năng hấp dẫn du khách như: thác Bobla, thác Voi, thác Gougah, thác Hang Cọp, thác Camly, vườn Sinh thái Lan Ngọc, khu vui chơi giải trí Đà Lạt,… Trong số đó có điểm bị suy giảm cảnh quan nghiêm trọng, có điểm do thiếu quan tâm nâng cấp cở sở vật chất, hạ tầng và đầu tư sản phẩm mới. Trước thực trạng đó, Sở VH TT&DL tỉnh Lâm Đồng lo lắng: “Trong thời gian tới, sức hấp dẫn, thu hút du khách đến Đà Lạt – Lâm Đồng thông qua các khu, điểm du lịch sẽ gặp nhiều khó khăn nếu như chất lượng và số lượng các khu du lịch vẫn như tình trạng hiện nay.”

Có thể chỉ ra rất nhiều các điểm du lịch xuống cấp từ môi trường, cảnh quan, như: hồ Than Thở, bèo và rác đang tấn công; Thác Cam Ly bị ô nhiễm nghiêm trọng từ nguồn nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình và từ Hồ Xuân hương chảy xuống; khu lăng mộ Nguyễn Hữu Hào (thân sinh của Hoàng Hậu Nam Phương) cũng bị bỏ hoang nhiều năm; thác Gougah và Liên Khương bị ảnh hưởng nghiêm trọng về nguồn nước từ công trình hồ thuỷ điện Đại Ninh; thác Voi bị xuống cấp nghiêm trọng do chủ đầu tư không có biện pháp quản lý, nâng cấp (dự án này đã bị thu hồi). Đặc biệt Hồ Xuân hương trong thời gian qua đã bị một loại tảo lam có tên khoa học Microcystic xâm hại, biến mặt nước trong vắt trở thành một màu xanh rêu, với mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc, khiến du khách, người dân ai ai đi qua cũng bịt mũi,…

Những gì đang diễn ra trong ngành kinh tế mũi nhọn – Du lịch của Lâm Đồng, không lẽ lãnh đạo các ngành chức năng địa phương không hay biết? Thực tế đã chứng minh trong suốt thời gian từ đầu năm 2008 tới nay, doanh thu từ ngành du lịch và lượng khách viếng thăm Đà Lạt – Lâm Đồng luôn giảm, vào những dịp lễ tết 30/4 và 02/09 chỉ còn bằng ½ so với năm 2007. Nếu tình trạng trên kéo dài, liệu trong một trương lai không xa nữa, thì bức tranh du lịch Lâm Đồng sẽ ra sao?

Nguồn: Báo Du lịch