Hàng ngày, sông Hương, “dòng sông di sản” phải gánh một lượng nước thải rất lớn từ chợ Đông Ba, Bệnh viện Trung ương Huế, các khách sạn...
Chính vì thế, việc xem xét, công nhận sông Hương và cảnh quan hai bên bờ là di sản văn hóa thế giới sẽ gặp không ít khó khăn.
Trăm “đường” đều về sông Hương
Là chợ đầu mối lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, hàng ngày chợ Đông Ba thải một lượng lớn nước thải độc hại chưa qua xử lý xuống sông Hương. Mặc dù nằm trong danh sách cần phải thực hiện xử lý dứt điểm trong giai đoạn từ 2003-2006 theo Quyết định 64 ngày 22/4/2003 của Chính phủ, nhưng hiện tại chợ Đông Ba vẫn chưa có hệ thống nước thải riêng.
Theo điều tra của Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế, chất thải từ chợ Đông Ba hàng ngày xuống sông Hương có hai loại: Chất thải rắn là 30m³/ngày từ gần 3.000 tiểu thương và 5.000-7.000 khách; chất thải từ nước sinh hoạt là 100-120m³/ngày.
Trong thành phần nước thải của chợ Đông Ba có chứa nhiều chất hữu cơ vượt giới hạn cho phép của TCVN từ 4,48-8,2 lần, trong đó chủ yếu là chất carbohydrate. Ngoài ra, tổng coliform trong nước thải ở đây cũng vượt mức cho phép từ 4,6 đến 32 lần.
Kết quả khảo sát của Dự án phát triển đô thị Huế cũng cho thấy có 25 điểm nước thải ở khu vực thành phố gây ô nhiễm sông Hương và 37 cống thải lớn thành phố Huế ra sông Hương. Như vậy, trong vài năm trở lại đây, mật độ cống thải và khối lượng nước thải vào sông Hương đã tăng lên.
Còn theo chuyên đề “Điều tra, đánh giá chất lượng nước ở một số vùng trọng điểm thuộc thành phố Huế và vùng phụ cận” mới đây của Sở Khoa học Công nghệ Thừa Thiên-Huế, thì sông Hương đang có hiện tượng phù dưỡng, bùng nổ tảo, nước sông có hàm lượng chất hữu cơ và mật độ vi khuẩn gây bệnh, hàm lượng photpho, Cl rất cao, vượt mức cho phép nhiều lần.
Cụ thể tại khu vực chợ Đông Ba, khối lượng chất ô nhiễm đổ ra sông Hương là 135-162 BOD5/ngày, COD khoảng 216-306kg/ngày, tổng N khoảng 18-36kg/ngày, tổng P khoảng 2,4-12kg/ngày, khiến nước sông ô nhiễm nghiêm trọng…
“Ì ạch” xây hệ thống xử lý nước thải
Theo Quyết định 64 của Chính phủ, chợ Đông Ba cùng 8 cơ sở gây ô nhiễm khác ở tỉnh Thừa Thiên-Huế cần phải giải quyết dứt điểm việc ô nhiễm môi trường xung quanh, thời hạn chót đến năm 2006. Tuy nhiên, công trình xử lý nước thải “ì ạch” nhiều năm, chưa thực hiện xong.
Tháng 1/2007, Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên-Huế có công văn yêu cầu Ban quản lý chợ Đông Ba đẩy nhanh tiến độ xử lý ô nhiễm dứt điểm trong năm. Theo bà Lê Thị Ngọc Nhi, Trưởng ban Quản lý chợ Đông Ba, công trình xử lý nước thải của chợ “ì ạch” như vậy là do bản thiết kế được trình lên không phù hợp với yêu cầu của thành phố Huế.
Trước đó, năm 2004, Ban Quản lý chợ Đông Ba cũng đã trình thành phố hai lần thiết kế về công trình hệ thống xử lý nước thải ở chợ nhưng khi thuyết trình thì thành phố không duyệt vì cho rằng không đảm bảo chất lượng.
Cho đến năm 2007, bản thiết kế mới do Công ty cổ phần Phát triển công nghệ và Tư vấn xây dựng đầu tư Đà Nẵng đã được duyệt với kinh phí gần 1 tỷ đồng, sẽ thi công trong năm 2008.
Thế nhưng, đến nay công trình vẫn còn nằm trên giấy. Sông Hương phải ngày ngày gồng mình gánh chịu nước thải từ chợ Đông Ba…
Không chỉ vậy, theo Ban Quản lý Dự án sông Hương, mỗi ngày có hàng ngàn m³ nước thải từ các công trình như: khách sạn Century, khách sạn Hương Giang, Bệnh viện Trung ương Huế, Nhà máy bia Huda, Công ty Hải sản Sông Hương… được đổ xuống sông Hương, phần lớn là nước thải chưa qua xử lý.
Đó là chưa kể đến một lượng lớn nước thải sinh hoạt của người dân, nhất là nước thải của hàng ngàn hộ dân vạn đò, với hơn 6.000 nhân khẩu sống trôi nổi trên sông… Cho nên, “quản lý” nước thải của các đơn vị, hộ dân nói trên vẫn đang là bài toán khó với thành phố Huế.