Ngày nay, nhiều ngành công nghiệp lớn đang sử dụng những chiến thuật câu khách để thu lời. Ngành du lịch cũng không phải là ngoại lệ.
Du lịch sinh thái “thực sự” và du lịch sinh thái “bề nổi” đôi khi thường gây nhiều nhầm lẫn bởi các chiến dịch quảng cáo rầm rộ. Xin chia sẻ với bạn đọc một vài phân tích xung quanh vấn đề này.
Nền công nghiệp du lịch được bảo vệ và phát triển bởi nhiều tổ chức khác nhau, trong đó phải kể đến Tổ chức Du lịch thế giới (The World Tourism Organization-WTO) và Hội đồng du lịch thế giới (WTTC). Thực chất, ngành du lịch rất quan tâm đến việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hoá của thế giới, vì đó là “nòng cốt” cho hoạt động kinh doanh của họ.
Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại một số hoạt động đi ngược lại với nguyên tắc về du lịch sinh thái (DLST). Chẳng hạn, vào giữa thế kỷ 19, những tố chức du lịch đã phản ứng lại với sự phát triển của các vấn đề môi trường và du lịch sinh thái bằng cách dựng nên một số thay đổi và gọi đó là công cuộc “cải cách”. Thực ra, nó quan tâm nhiều đến giảm thiểu chi phí hơn là thực hiện các nguyên tắc của du lịch sinh thái để đảm bảo lợi ích của môi trường, người dân bản địa và khách du lịch.
Nhưng ngược lại, cũng có nhiều tổ chức hoạt động trên nguyên tắc DLST bền vững thật sự. Chắt nhặt “tinh hoa” từ những nguyên tắc khác nhau của các tổ chức về DLST, ASTA đã đưa ra 10 nguyên tắc về DLST, chúng được in và đính trên chiếc vé máy bay, nhắc nhở khách du lịch quan tâm hơn đến việc bảo vệ trái đất, không mua bán các sản phẩm từ động vật hoang dã… Những nguyên tắc của ASTA không thể tạo nên một nền du lịch sinh thái tốt nếu không có sự giáo dục chuyên sâu cho cả đại lý du lịch và khách du lịch.
Trong Chương trình nghị sự 21 (1992), sáng kiến “Địa cầu xanh” (Green Globe) đã được đưa ra nhằm thúc đẩy các tiến trình phát triển bền vững. “Địa cầu xanh” là phí bảo hiểm thương hiệu cho phát triển bền vững trong ngành du lịch và công nghiệp du lịch. Đến năm 1994, tại Hội nghị Montreal, Geoffrey Lipman - Chủ tịch WTTC đã tuyên bố về chương trình “Địa cầu xanh” có tên là “Xây dựng một thế giới du lịch bền vững”.
Biểu tượng “Địa cầu xanh” mới chỉ cho biết là một công ty đã ký cam kết sẽ tham gia cải thiện môi trường chứ không có nghĩa là công ty này đã làm được điều đó. Các công ty có thể trao đổi quyền sử dụng logo “Địa cầu xanh” (bằng tiền hoặc bằng những trao đổi ngang giá và có lợi cho cả đôi bên) trên quảng cáo của họ, chính vì thế họ đã tạo được ấn tượng mình đang “trở nên xanh hơn”, hay thân thiện môi trường hơn.
Khi du lịch sinh thái bị lợi dụng
Có rất nhiều những tổ chức du lịch truyền thống được “gói” trong vỏ bọc DLST, nó được gây ra bởi các đại lý du lịch, nơi tổ chức tour du lịch, ngành hàng không và hàng hải, những khách sạn lớn cùng chuỗi nhà nghỉ, những tổ chức du lịch quốc tế và nơi xúc tiến nhanh những chuyến đi “xanh” trọn gói.
Dường như DLST được dùng cho tất cả các tour du lịch tự nhiên và du lịch văn hoá. Đặc biệt, có rất nhiều công ty du lịch dùng cụm từ DLST chỉ để gây sự chú ý của khách du lịch đối với dịch vụ mà họ đang kinh doanh. Điển hình, công ty Walt Disney đã và đang cố gắng kiếm lời từ công viên với chủ đề mang tính sinh thái như “Vương quốc động vật”.
Disney đã bỏ ra 800 triệu USD để chuyển 200 hecta đất đồng cỏ ở trung tâm Florida, biến thành một thảo nguyên châu Phi, với những cây baobap thân dài được làm giả, một làng Zuzu và một vài con thú được nhập về. Công viên này được coi là lớn nhất của Disney và nó cũng nhận được nhiều lời khen ngợi, song theo như một cuộc điều tra của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, hàng loạt cái chết của nhiều loại động vật đã xảy ra tại công viên này. Trong đó có đại diện của một số loài quý hiếm, như việc 2 con sếu mào vàng miền Tây châu Phi (West African Crowned Cranes ) đã bị chèn chết bởi xe của tour du lịch.
Thực tế là phần đông du khách lại mong muốn loại du lịch trên. Ngày càng có nhiều khách du lịch cao tuổi khi đi nghỉ dưỡng chọn lựa sự tiện nghi hơn là quan tâm đến vấn đề bảo tồn thiên nhiên. Theo một số nhà khoa học, các nhà tổ chức du lịch hiện nay rất đông về mặt số lượng, họ quan tâm nhiều đến lịch sử và cái nhìn tổng quát về sinh thái của địa điểm du lịch hơn là tìm hiểu chi tiết về hệ sinh thái nơi đó.
Những xu hướng này phản ánh một sự đi xuống trong ý nghĩa thực sự của du DLST. Mục tiêu cơ bản của du DLST là làm cho du lịch trở thành một hoạt động môi trường và văn hoá, đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của các cộng đồng địa phương.
Một trong số những điểm du lịch lâu đời và quý giá nhất của thế giới, bao gồm đảo Galapagos, Nepal và Monteverde đã từng là nơi đến của những người yêu tự nhiên và những người tò mò, nay với sự phát triển của hàng không và hàng hải, với những khu nghỉ tốt hơn cùng sự lăng xê của ngành công nghiệp quảng cáo, những địa điểm này đang thu hút một số lượng lớn khách du lịch.
Khi không được chuẩn bị kỹ càng, không được truyền bá và không có những quy định thì DLST dù với quy mô lớn hay mang tính tính tự phát đều không mang lại lợi ích tài chính, mà thậm chí có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng về môi trường và xã hội.
Ngày nay, qua việc được quảng bá là “du lịch sinh thái cho tương lai”, một số du khách chỉ cần bước chân lên trực thăng, sau một thời gian bay ngắn, họ đặt chân lên đỉnh núi chụp những tấm ảnh kỉ niệm, rồi lại lên trực thăng bay xuống. Nếu để ý, bạn sẽ thấy những tour kiểu như thế này rõ ràng mang tính chất giáo dục rất ít và cũng không giúp gì cho việc bảo tồn cũng như phát triển kinh tế khu vực, nó chỉ mang lại lợi nhuận cho những chủ doanh nghiệp.