Vừa qua, BirdLife International - Chương trình Đông Dương trong vai trò là Nhóm thực hiện cấp vùng của Quỹ đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) đã chấp thuận hai đề xuất dự án nhỏ đầu tiên, đánh dấu bước tiến mới trong sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên ở khu vực Đông Dương.
Hai đơn vị được nhận tài trợ là Harrison Institute và Missouri Botanical Garden.
Harrison Institute sẽ được tài trợ 20.000 đô la Mỹ để tiến hành nghiên cứu thực địa về hiện trạng và sự phân bố của loài dơi mà hiện nay chúng ta có rất ít thông tin - Dơi Wroughton (Otomops wroughtoni) ở huyện Chhep, tỉnh Preah Vihear, Campuchia. Cho tới nay sự tồn tại của loài dơi này mới chỉ được biết đến tại hai địa điểm ở Ấn Độ và một địa điểm ở Campuchia. Các cuộc hội thảo và hoạt động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của dự án sẽ tập trung vào việc xây dựng năng lực cho các cộng đồng địa phương, giới sinh viên và các nhà bảo tồn trong việc nghiên cứu và bảo vệ loài dơi.
Missouri Botanical Garden nhận được gần 5.000 đô la Mỹ để hỗ trợ 20 sinh viên và nhà nghiên cứu thực vật trẻ của Việt Nam tham gia hội nghị quốc tế đầu tiên về “Hệ thực vật ở Campuchia, Lào và Việt Nam'' tổ chức ở Phnom Penh, Campuchia trong tháng này. Hội nghị sẽ giúp xây dựng một mạng lưới vững chắc giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ bảo tồn và các cơ quan trong nỗ lực hợp tác xây dựng hệ thống các kiến thức khoa học và cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ cho quá trình đưa ra các quyết định hợp lý nhằm bảo tồn hệ thực vật đa dạng đang bị đe dọa ở Đông Dương.
Việc xét duyệt các thư yêu cầu tài trợ gửi tới CEPF được thực hiện bởi những nhà khoa học và cán bộ bảo tồn nhiều kinh nghiệm trong nước và quốc tế không chỉ của BirdLife và CEPF mà còn của Nhóm xét duyệt kỹ thuật. Hiện tại, hơn 60 thư yêu cầu tài trợ khác cũng đang được xem xét, BirdLife và CEPF mong muốn rằng thêm nhiều dự án sẽ được tài trợ nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Đông Dương trong thời gian tới.