Trong khi các quốc gia có rừng nhiệt đới (hầu hết là các nước đang phát triển) đang nỗ lực tìm kiếm các cơ hội nâng cao năng lực về giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc ngăn chặn nạn phá rừng và tình trạng suy thoái rừng (REDD), Quỹ hợp tác các- bon về rừng (FCPF) công bố sẽ mở rộng số lượng thành viên là các nước phát triển.
Hiện nay, con số đăng ký xin gia nhập là hơn 40 nước.
Tại thời điểm này, Quỹ FCPF có 25 thành viên là các nước đang phát triển, gồm 10 nước châu Phi, 10 nước châu Mỹ La Tinh và 5 nước ở khu vực châu Á và Nam Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam). Các nước này sẽ hợp tác cùng với 10 nước phát triển (Úc, Phần Lan, Pháp, Đức, Nhật, Hà Lan, Na-uy, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ) và Tổ chức bảo tồn thiên nhiên (The Nature Consevancy) đối phó với hiện tượng phá rừng nhiệt đới và biến đổi khí hậu thông qua cơ chế tài chính quốc tế...
Mark Tercek, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Tổ chức bảo tồn thiên nhiên, phát biểu: “Mặc dù chúng ta đang phải đối mặt với khủng hoảng tài chính song chúng ta không thể trì hoãn hoạt động ngăn chặn biến đổi khí hậu. Bảo vệ rừng là một trong số những biện pháp tiết kiệm chi phí nhất chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu đó. Nếu như chúng ta không hành động ngay bây giờ, biến đổi khí hậu sẽ có những ảnh hưởng lớn hơn tới nền kinh tế toàn cầu và các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà chúng ta phải phụ thuộc để tồn tại.”
Mục tiêu giảm thiểu nạn phá rừng và tình trạng suy thoái rừng của FCPF được tiến hành thông qua cơ chế bồi thường cho các nước đang phát triển trong việc giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính. Cơ chế này được áp dụng từ 25/01/2008.
Theo đó, các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới nhận được những khoản hỗ trợ khi họ tham gia thiết lập những hệ thống sáng kiến giúp ngăn chặn phát rừng và giảm suy thoái rừng (REDD), đặc biệt là thiết lập những mức tham chiếu lượng phát thải, thực hiện các chiến lược REDD và thiết kế những hệ thống kiểm soát.
Các nước phát triển cam kết sẽ dành 169 triệu USD cho Quỹ FCPF. Người ta hy vọng các khu vực công và tư nhân sẽ đóng góp nhiều hơn trong thời gian tới. Na Uy và Thụy Sỹ cũng đã cam kết đóng góp thêm một khoản 1 triệu USD và 1 triệu phơ-răng Thụy Sỹ để giúp các nước đang phát triển khác muốn tham gia vào quỹ.
FCPF thành lập một Hội đồng bao gồm 10 nhà tài trợ, các quỹ cac – bon và 10 nước đang phát triển. Hỗ trợ quá trình bầu cử của Hội đồng là một kênh tư vấn kỹ thuật độc lập, gồm những chuyên gia trong các lĩnh vực và các khu vực khác nhau trên thế giới. Cho đến nay, Hội đồng đã phê chuẩn chương trình xây dựng năng lực cho người dân bản địa và những cư dân sống phụ thuộc vào rừng, tài trợ 1 tỉ USD cho việc xây dựng những liên kết những người dân bản địa sống phụ thuộc vào rừng và những cộng đồng của REDD thông qua FCPF.
FCPF sẽ hợp tác chặt chẽ với các thành viên khác như Văn phòng Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (UNFCCC) và chương trình UN - REDD mới, gồm có Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP )và Chương trình Môi trường liên hợp quốc(UNEP).
Theo Tiến sĩ Phạm Mạnh Cường, phụ trách chương trình REDD tại Việt Nam: “Việc cộng tác giữa FCPF và chương trình REDD của LHQ tăng cường hiệu quả của những nguồn tài trợ từ những cộng đồng tài trợ quốc tế trong những nỗ lực chung nhằm đối phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam cam kết sẽ triển khai chương trình REDD theo nội dung Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu cùng với những hiệp định môi trường đa phương khác.”