Di sản văn hóa (DSVH) nếu được bảo tồn và phát huy giá trị đúng cách sẽ trở thành nguồn lực đóng góp vào sự phát triển của ngành Du lịch. Ngược lại, du lịch phát triển sẽ tạo ra nguồn thu để tái đầu tư cho DSVH.
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Di sản Văn hóa Thế giới của HN (Ảnh: Internet)
Làm thế nào để khai thác những chiều cạnh tốt đẹp của mối quan hệ này là câu chuyện được đặt ra đối với Hà Nội và nhiều địa phương khác. Phóng viên Hànộimới Cuối tuần đã trao đổi với PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.
Thưa bà, nên nhìn nhận thế nào về tiềm năng khai thác giá trị DSVH để phát triển du lịch của Thủ đô Hà Nội?
Nói tới Hà Nội, người ta nghĩ ngay tới một thủ đô văn hiến, trung tâm lớn về văn hóa của cả nước. Hà Nội có hệ thống DSVH vô cùng phong phú, một số nhà nghiên cứu đã gọi Hà Nội là “Thủ đô di sản”. Với các địa phương khác, lợi thế so sánh có thể là ưu thế về địa lý và các nguồn lực tự nhiên nhưng với Hà Nội, DSVH chính là nguồn lực trực tiếp để phát triển du lịch.
Những năm qua, ngành Du lịch Hà Nội đã có nhiều chương trình, kế hoạch khai thác giá trị DSVH phục vụ phát triển du lịch như: Chú trọng đầu tư, nâng cấp điểm đến, xây dựng sản phẩm, xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch. Việc đa dạng hóa sản phẩm trở thành chiến lược phát triển bền vững, đưa Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn trên thế giới.
Trong chiến lược phát triển, Hà Nội đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm mang thương hiệu du lịch Thủ đô trên cơ sở khai thác tài nguyên văn hóa, lịch sử, nhân văn. Ngành Du lịch Thủ đô xác định phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch hội nghị, hội thảo (MICE)... là trọng tâm. Đây đều là những sản phẩm đặc trưng của Hà Nội trên cơ sở phát huy thế mạnh của hệ thống DSVH.
Theo bà, Hà Nội đã làm tốt việc phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng chưa?
Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, lượng khách du lịch đến với Hà Nội năm sau luôn cao hơn năm trước. Điều đó được thể hiện qua số lượng khách du lịch, tổng doanh thu từ du lịch... đều đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ, khẳng định hướng đi tập trung khai thác DSVH để phát triển du lịch là đúng đắn. Trong vòng 5 năm qua, Hà Nội đã có thêm nhiều điểm đến mới, nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc thù dựa trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống một cách bền vững.
Nhiều tổ chức có uy tín về hoạt động du lịch đã ghi nhận, đánh giá Hà Nội là điểm đến nổi trội so với các địa phương khác trong nước cũng như các thành phố trong khu vực và trên thế giới. Việc khai thác DSVH phục vụ phát triển du lịch đã mang lại hiệu quả to lớn, nâng tầm vị thế của du lịch Hà Nội, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô theo hướng tăng nhanh tỷ trọng du lịch - dịch vụ, dần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.
Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa, theo bà, làm thế nào để khai thác DSVH, phát triển du lịch mà không làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn di sản?
Phát triển du lịch dựa trên việc khai thác DSVH là một hướng đi đúng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, mối quan hệ giữa phát triển du lịch và bảo tồn DSVH không chỉ bao hàm ý nghĩa tích cực, mà có nơi, có lúc còn biểu hiện hạn chế. Đó là khi du lịch được nhìn nhận như một ngành kinh tế đơn thuần, tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, khi đó, DSVH có nguy cơ bị mai một, biến dạng vì bị khai thác quá mức. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Văn hóa và Du lịch trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch cũng như kế hoạch bảo tồn di sản. Việc khai thác nhiều điểm đến để giảm tải lượng khách du lịch tập trung vào một điểm cũng như ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới vào các khâu quản lý di sản, phân luồng khách du lịch, thuyết minh phục vụ du khách... là những cách làm có thể đáp ứng mục tiêu kép, vừa bảo tồn di sản vừa phát triển du lịch. Nguồn thu từ việc khai thác di sản để phát triển du lịch cần được cân đối và tái đầu tư vào việc bảo tồn DSVH.
Di sản đã đóng góp không nhỏ cho việc phát triển du lịch Thủ đô, ngược lại, du lịch đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn DSVH hay chưa, thưa bà?
Đúng là trong mối quan hệ giữa phát triển du lịch và bảo tồn DSVH, đôi khi chúng ta ưu tiên cho “phát triển” hơn là “bảo tồn”. Nếu không có nguồn lực văn hóa phong phú mà cốt lõi là hệ thống di sản thì sẽ khó làm nên tính hấp dẫn của du lịch Hà Nội. Sự tách bạch về tổ chức giữa Sở Du lịch Hà Nội với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là cần thiết, xuất phát từ vị thế của văn hóa, du lịch Thủ đô nhưng điều này cũng đặt ra thách thức liên quan tới cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan này. Một cơ chế tốt sẽ giúp mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch thêm hài hòa. Một nhận thức đúng đắn về mối quan hệ này, một cơ chế phối hợp minh bạch, hiệu quả giữa các ngành có liên quan là điều mà Hà Nội cần để giải quyết bài toán giữa phát triển và bảo tồn.
Hà Nội cần gia tăng hàm lượng văn hóa trong phát triển du lịch như thế nào để có thể bảo đảm vừa bảo tồn DSVH, vừa phát triển du lịch bền vững?
Quy hoạch du lịch Hà Nội phải được đặt trong tổng thể Quy hoạch chung phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu “Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại, trên nền tảng phát triển bền vững”. Đồng thời, Quy hoạch du lịch Hà Nội giai đoạn 2020 - 2030 phải thể hiện được vị trí là trung tâm du lịch vùng Bắc Bộ, có sự kết nối chặt chẽ với các vùng, địa phương trong cả nước và là trung tâm du lịch quốc tế có tầm cỡ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch. Người làm du lịch phải có kiến thức rộng, biết nhiều ngoại ngữ, phải có lòng tự tôn dân tộc và hiểu biết sâu sắc về văn hóa Thủ đô. Việc đầu tư, phát triển nguồn nhân lực cho du lịch Hà Nội đang là một đòi hỏi cấp thiết và lâu dài.
Mặc dù Hà Nội là địa phương có số lượng di sản lớn nhất nước nhưng rất nhiều di tích đang trong tình trạng xuống cấp. Nếu không quan tâm kịp thời đến công tác bảo tồn, DSVH sẽ bị hủy hoại, du lịch sẽ không có cơ hội để phát triển. Vì vậy, thành phố Hà Nội, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao cần xây dựng các kế hoạch dài hạn và trước mắt để bảo tồn, tôn tạo DSVH; đẩy mạnh phát triển du lịch có trách nhiệm, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH chứ không chỉ là khai thác DSVH để phát triển du lịch.
Việc ứng dụng công nghệ trong khai thác DSVH để phát triển du lịch có thể góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực từ bên ngoài đối với di sản. Xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về di sản sẽ góp phần tạo lập các bằng chứng khoa học, là căn cứ để hình thành các bảo tàng ảo hoặc đề xuất giải pháp bảo tồn phù hợp. Ứng dụng công nghệ thông tin cũng là cách để kết nối du khách với di sản.
Phát huy giá trị DSVH, biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển du lịch Thủ đô là hướng đi đúng đắn. Việc khai thác có hiệu quả thế mạnh của di sản văn hóa hướng tới phát triển du lịch bền vững không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển du lịch, mà còn góp phần đưa những giá trị văn hóa đặc sắc của mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến đến gần hơn với bạn bè quốc tế, tạo nguồn thu để tái đầu tư cho văn hóa.
Trân trọng cảm ơn bà!
Mỹ An