Mới đây, Quỹ bảo vệ Thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) đã cảnh báo "kho báu" sinh học tại lưu vực sông Mekong có thể bị công cuộc phát triển kinh tế hủy hoại nếu không được quan tâm đúng mức.
Vùng lưu vực sông Mekong, được gọi chung dưới tên Tiểu vùng Sông Mekong, bao gồm 6 nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc. Đây là nơi nổi tiếng về đa đạng sinh học, với khoảng 20.000 loài thực vật, 1.300 loài cá, 1.200 loài chim, 800 loài rắn, ếch nhái, 430 loài động vật có vú.
Nếu tính về tỷ lệ, Mekong là con sông có tính chất đa dạng sinh học cao nhất hành tinh, có mật độ động, thực vật còn dày dặc hơn cả sông Amazon vùng Nam Mỹ.
Báo cáo ngày 15/12 của WWF cho biết trong khoảng thời gian 10 năm (từ 1997 đến 2007), các nhà khoa học địa phương và quốc tế đã phát hiện thêm 1.068 loài sinh vật mới ở tiểu vùng này. Ông Stuart Chapman, giám đốc Chương trình của WWF tại vùng lưu vực sông Mekong, ghi nhận đây là phát hiện lớn nhất từ trước đến nay.
Theo WWF, công cuộc nghiên cứu hệ sinh thái khu vực sông Mekong chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu, và kết quả thu được mới chỉ là bề mặt rất mỏng của cả một kho báu sinh học to lớn. Vấn đề đặt ra là tính chất đa dạng sinh học của khu vực này đang bị đe dọa nghiêm trọng do những chương trình kinh tế chạy theo lợi ích thương mại trước mắt mà không chú trọng tính bền vững.
Báo cáo của WWF đã nêu bật tệ nạn khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên trong khu vực. Sông Mekong là nguồn cung cấp kế sinh nhai và thực phẩm cho khoảng 60 triệu người sinh sống bằng nghề đánh cá. Tại Campuchia, hàng năm khoảng 2 triệu tấn cá và 7 triệu con rắn nước được đánh bắt từ Mekong.
Các khu rừng nhiệt đới không gì thay thế được ở trong khu vực cũng đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy. Theo WWF, tính từ thập niên 1990 đến nay, mỗi năm Đông Nam Á bị mất trắng 2,7 triệu ha rừng. Nguyên nhân chính là việc phá rừng lập đồn điền trồng cacao, cà phê, trà, hạt điều, dừa, cọ...
Theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, việc phá rừng làm đồn điền trồng cây công nghiệp tại các nước Campuchia, Lào, Myanmar đã làm giảm diện tích rừng mạnh hơn rất nhiều so với việc khai thác gỗ.
Việc phá rừng làm đồn điền, cũng như việc đốn gỗ, đã mở đường tiến vào nhiều khu vực hẻo lánh, với hệ quả là kích thích tệ nạn buôn lậu gỗ quý và động vật hoang dã. Theo WWF, 70% loài động vật có vú đặc thù của vùng sông Mekong bị đe dọa do nạn buôn lậu động vật hoang dã.
Ngoài việc nguồn tài nguyên bị khai thác bừa bãi, vùng lưu vực sông Mekong còn phải đối phó với một vấn đề lớn hơn, đập thủy điện. Hiện nay, có đến 150 đập thủy điện thuộc loại lớn đã, đang và sẽ được xây dựng trong toàn vùng. Những công trình này, nếu không được tính toán dựa trên việc cân nhắc kỹ các điều kiện về tự nhiên, sẽ trực tiếp gây tổn hại cho sự đa dạng sinh thái, làm xói mòn bờ sông và bờ biển.
WWF kêu gọi các quốc gia trong khu vực nỗ lực hợp tác để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên rất quý giá cho nhân loại.