Khu du lịch biển Thiên Cầm, từ lâu vẫn được coi là trọng điểm du lịch của tỉnh Hà Tĩnh.
Ở đây không chỉ có biển mà còn là sự kết hợp hài hòa của nhiều giá trị khác như: núi, hang động, các giá trị tâm linh, làng nghề, lễ hội truyền thống vùng biển... và hơn hết đó là môi trường sinh thái trong lành, chưa bị tác động nhiều bởi các yếu tố khách quan.
Khi đặt vấn đề quy hoạch Thiên Cầm trở thành khu du lịch chuyên đề Quốc gia, ngoài các tiêu chí về diện tích, giá trị cảnh quan và cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng đủ điều kiện đáp ứng tối thiểu 1 triệu khách du lịch/năm, theo quy định tại điểm 1, điều 23, mục 1, chương IV của Luật Du lịch, thì tiêu chí quan trọng đặt ra là sản phẩm ở đây không trùng lặp với sản phẩm của nhiều địa phương lân cận như: Sầm Sơn, Cửa Lò..., môi trường sinh thái trong lành, khắc phục tối đa tính thời vụ hiện nay của các khu du lịch biển miền Trung.
Do vậy, đòi hỏi sau khi quy hoạch đưa vào đầu tư khai thác, Thiên Cầm phải thực sự tạo ra sự khác biệt. Là khu du lịch biển nhưng không hoàn toàn lệ thuộc vào thời tiết, tất cả các mùa trong năm phải có dịch vụ khép kín. Như vậy, ở đây quy hoạch và đầu tư phải đảm bảo hài hòa, đồng bộ, kết hợp các giá trị hiện có và tạo ra các giá trị mới để có sản phẩm đa dạng. Về mùa hè, tỷ trọng dịch vụ tắm biển chiếm tỷ lệ cao, nhưng các mùa khác trong năm khách đến đây cũng có thể thưởng ngoạn phong cảnh, tham quan các di tích, công trình tôn giáo, công viên văn hóa, làng nghề truyền thống; tham gia các lễ hội; khám phá hang động, leo núi... Bao quanh khu vực Thiên Cầm có 2 ngôi chùa, 1 ngôi đền cổ đều rất có giá trị về lịch sử và văn hóa tâm linh. Chùa Cầm Sơn trên đỉnh núi Thiên Cầm, xây dựng từ thế kỷ thứ 14, thờ Quan âm Bồ Tát. Đứng ở đây, du khách có thể ngắm nhìn một vùng trời biển bao la, nghe tiếng gió vi vu, hòa quyện với tiếng sóng biển rì rào tựa như “đàn Trời”, đã làm say lòng biết bao du khách và lay động tâm hồn nhạy cảm của nhiều thi sĩ; trong lòng núi có hang Hồ Quý Ly, nơi 600 năm về trước vua nhà Hồ đã bị giặc Minh bắt giữ; chùa Yên Lạc trên đất Cẩm Nhượng - ngôi chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật đặc sắc như: bức tranh Thập điện Diêm Vương, chuông, khánh cổ...; đền Cả, ngôi đền lớn, được trùng tu năm 2007. Ngoài ra, ở khu vực này còn có 2 nhà thờ Thiên chúa giáo - là điểm tham quan vừa là nơi sinh hoạt tôn giáo của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Vùng Cẩm Nhượng có làng nghề chế biến nước mắm lâu đời, nổi tiếng trong và ngoài nước. Lễ hội vùng biển ở Cẩm Nhượng cũng khá đặc sắc. Lễ hội Cầu Ngư, Chèo Cạn thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan.
Ngoài những giá trị lịch sử và cảnh quan hiện có, trong quy hoạch cũng phải đưa ra các loại hình du lịch thể thao phong phú như: sân golf, tennis, lướt sóng, dù bay để phục vụ khách. Quan tâm hình thành các khu nhà vườn du lịch, khu bảo tồn sinh thái,… Tuy nhiên, để Thiên Cầm trở thành khu du lịch chuyên đề quốc gia, công tác quy hoạch phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng.
Môi trường cảnh quan
Đó là sự tác động của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, dự án nhiệt điện Vũng Áng khi đưa vào khai thác, sự ảnh hưởng về môi trường là không thể tránh khỏi khi di dời mấy chục ngàn ngôi mộ nằm trong khu du lịch, con số này theo thời gian lại tăng lên khi chưa được quy hoạch di dời. Dự án tái định cư của mỏ sắt Thạch Khê, cũng đang có phương án di dời gần 700 hộ dân của xã Thạch Hải, đến vùng đất của xã Cẩm Dương, thuộc địa phận hai thôn Liên Hương và Rạng Đông. Diện tích đất cần thiết để tái định cư số hộ này là 250ha, cũng nằm trong vùng quy hoạch khu du lịch.
Tới đây, ngành Công Thương sẽ trình UBND tỉnh xem xét và tìm biện pháp tháo gỡ. Có điều tại Hà Tĩnh hiện nay, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê được tỉnh xếp vào diện ưu tiên. hy vọng trong những năm tới, cùng với các dự án như: nhiệt điện Vũng Áng, thủy điện Ngàn Trươi – Cẩm Trang và một số dự án khác nữa, sẽ đưa Hà Tĩnh thực sự trở thành trung tâm công nghiệp miền Trung. Tuy nhiên, du lịch vẫn được xác định là kinh tế mũi nhọn, hơn nữa, hiện nay số lượng khu du lịch chuyên đề quốc gia trong cả nước cũng đang hết sức khiêm tốn. Đối với Hà Tĩnh, việc quy hoạch một khu du lịch quốc gia, lại càng có ý nghĩa. Tin rằng, lãnh đạo Tỉnh sẽ đưa ra hướng giải quyết hợp lý để cả hai dự án này cùng được thực hiện.
Giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt
Theo chỉ tiêu tính toán của tư vấn, định mức nước sạch là 150 lít/người/ngày cho khách du lịch nội địa và 200 - 250 lít/người/ngày cho khách du lịch quốc tế (Giai đoạn 2008 - 2015); 150 - 200 lít/người/ngày cho khách du lịch trong nước, 250 – 300 lít/người/ngày cho khách du lịch quốc tế (giai đoạn 2015 - 2025), chưa kể nước tưới cây xanh, sân golf…
Chỉ riêng nước tưới cho sân golf 18 lỗ mỗi ngày đã tiêu thụ hết 5.000m³. Qua khảo sát mực nước ngầm ở đây không đảm bảo để cung cấp, phương án lấy nước từ hồ Kẻ Gỗ và tái sử dụng nước thải sinh hoạt để tưới cây xanh được đặt ra, có điều chi phí cho dự án xử lý nước thải cũng không phải là nhỏ.
Xứ lý chất thải rắn
Hiện nay bãi xử lý rác tại núi trộn nằm tại khu vực trung tâm của khu du lịch, sức chứa hết sức khiêm tốn. Khi trở thành khu du lịch chuyên đề quốc gia, số lượng khách du lịch đến đây sẽ tăng lên nhiều lần và đạt đến 01 triệu lượt người/năm. Từ năm 2008 - 2015, theo chỉ tiêu tính toán, bình quân mỗi ngày một người thải ra 0,8kg. Giai đoạn 2015 - 2025 sẽ là con số cao hơn. Ngoài ra, chưa tính đến lượng rác thải của dân cư khu vực lân cận và trong vùng du lịch. Như vậy, việc quy hoạch bãi rác mới là điều bắt buộc. Bài học từ bãi rác của Tp. Hà Tĩnh, vẫn còn nguyên giá trị đối với các nhà quản lý.
Vấn đề quốc phòng, an ninh
Từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và trong những năm tháng chống đế quốc Mỹ, ba cao độ ở khu vực này gồm: núi Thiên Cầm, hòn Én và điểm cao 168 là điểm khống chế các hướng. Trong đó núi Thiên Cầm và hòn én là điểm nhấn quan trọng của khu du lịch. Trong lòng núi Thiên Cầm có công sự; hang Hồ Quý Ly nơi vẫn còn ẩn chứa vô vàn những điều bí ẩn mà bất cứ du khách nào khi đến Thiên Cầm cũng muốn một lần đặt chân vào đây để được khám phá và cảm nhận về lịch sử. Nhưng hiện nay, ở đây phần diện tích 34ha đất Bộ Quốc phòng đang quản lý. Nhiều năm nay huyện Cẩm Xuyên có văn bản trình UBND tỉnh và Quân khu IV, xin được mở hang Hồ Quý Ly để phục vụ khách tham quan, đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời. Tại quyết định số 2179 QĐ-UB/TM1 ngày 26/11/2004, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu du lịch Bắc Thiên Cầm, có diện tích 266ha, bao gồm 42ha là phần diện tích núi Thiên Cầm, nhưng để khai thác được khu vực này lại phải được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng. Ngoài những nội dung được đề cập ở trên, thị trường khách cũng phải tính đến yếu tố khi tuyến đường cao tốc hoàn thành đưa vào khai thác, thời gian đi từ các tỉnh khác đến Hà Tĩnh sẽ được rút ngắn đáng kể; khi sân bay Hà Tĩnh được xây dựng, các dự án công nghiệp lớn của Hà Tĩnh thực thi...
Tỷ lệ 20% khách du lịch nội tỉnh trong đồ án tư vấn đưa ra còn bất hợp lý. Bởi vì khi các dự án lớn trong tỉnh triển khai, sẽ thu hút khá lớn lực lượng lao động, rồi các chuyên gia đến làm việc tại những dự án này... Đó là chưa nói đến khi đời sống của một bộ phận khá lớn dân cư được nâng lên, lúc đó nỗi lo về cái ăn, cái mặc không còn, số người đi du lịch sẽ tăng lên đáng kể. Phương án nâng tầng cao của các công trình kiến trúc tại Bắc Thiên Cầm - khu vực được xác định là hạt nhân của khu du lịch, cũng nên đưa ra để xem xét. Trước đây Công ty Achetype Việt Nam - đơn vị tư vấn do kiến trúc sư Gieriegon làm chủ đồ án, chỉ thiết kế quy hoạch tầng cao trung bình của các công trình ở đây là 2,5, mục đích xây dựng thành khu du lịch cao cấp và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trên thực tế nếu giữ nguyên tầng cao trung bình này, thì không thể đủ số phòng phục vụ 1 triệu khách/ năm. Ngoài ra, vấn đề về biến đổi khí hậu, hiện tượng băng tan, hàng năm, biển lấn sâu vào đất liền một phần lớn diện tích, hạ tầng cho khu du lịch chuyên đề quốc gia hiện nay cũng đang hết sức bất cập cần bên tư vấn phải lưu ý. Tránh tình trạng vì vội vã thu hút đầu tư bằng mọi giá làm cho khu du lịch bị xé nhỏ. Lúc đó có thể Hà Tĩnh sẽ giẫm phải “vết xe đổ" của một số địa phương khác. Với mong muốn Thiên Cầm phải là khu du lịch khác biệt, cảnh quan thiên nhiên đẹp, môi trường sinh thái trong lành cùng với các dịch vụ đa dạng đặc sắc, để có khả năng cạnh tranh cao và khắc phục tối đa tính thời vụ, đang là thách thức đối với những người làm du lịch và cơ quan nghiên cứu xây dựng quy hoạch cho Thiên Cầm.