Giữa tháng 8/2021, tôi có mặt tại phòng làm việc của Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Hoàng Thanh Hải và được anh hào hứng chia sẻ định hướng phát triển du lịch của huyện. Anh đưa tôi xem đoạn clip con thác như dải lụa trắng lung linh bên màu xanh đại ngàn lá rộng mà anh và nhà đầu tư mới đến khảo sát. Bí thư Hải nói: “Rất thuận lợi để phát triển du lịch anh ạ, không chỉ là thắng cảnh đẹp mà giao thông rất thuận lợi”.
Khu Du lịch thác Voi là dự án ưu tiên thu hút đầu tư sớm nhất
Tiềm năng và hấp dẫn
Huyện Lâm Hà có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh, quốc phòng, lại giáp điểm du lịch nổi tiếng của đất nước là thành phố Đà Lạt. Giao thông của Lâm Hà cũng là một thế mạnh, gần Sân bay Liên Khương, có Quốc lộ 27 nối Quốc lộ 20 và đến tỉnh Đắc Lắc, các trục đường lớn liên thông với thành phố Đà Lạt, các huyện Đức Trọng, Di Linh,... Độ cao trung bình của huyện Lâm Hà là 1.000 m; diện tích tự nhiên rất rộng, lớn thứ hai của tỉnh Lâm Đồng. Cùng đó, khí hậu nhiệt đới gió mùa, ôn hòa mát mẻ quanh năm. Hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, phong phú với nhiều loại nông sản đặc trưng. Vùng đất có đa dạng sinh học khá cao với rừng lá kim và đặc biệt còn có những khu rừng tự nhiên lá rộng thường xanh quý giá... Ở một phương diện khác, địa hình huyện Lâm Hà có dạng cao nguyên mấp mô, gợn sóng, chia cắt tạo nên nhiều thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn. Có núi cao là dãy Hòn Nga với 4 ngọn cao trên 1.900 m, đỉnh cao tới gần 2.000 m; có những triền dốc, con đèo ngoạn mục. Lâm Hà nhiều sông, suối và trên 1.000 ha hồ, đầm. Thiên nhiên đã ban tặng cho Lâm Hà những địa danh du lịch hấp dẫn: thác Voi ở Nam Ban, thác Mưa Bay ở Phú Sơn, thác Liêng ChiNha ở Tân Thanh, hồ Đạ Sa ở Liên Hà, hồ Ri Hin, hồ Đạ Dâng, hồ Phúc Thọ ở Phúc Thọ, hồ Tân Thanh, hồ Bãi Công ở Nam Ban, hồ thủy lợi Đông Thanh, hồ thủy điện Đồng Nai 2, 3,...
Khẳng định tiềm năng lớn để phát triển ngành “công nghiệp không khói” của huyện Lâm Hà không thể không nêu một đặc điểm quý giá nữa, đó là địa hạt xã hội và nhân văn. Vùng đất có trên 30 dân tộc anh em sống xen kẽ, dân tộc Kinh đến từ 3 miền Bắc - Trung - Nam, các dân tộc gốc Tây Nguyên như K’Ho, Mạ, M’Nông, Chu Ru, Raglay, S’Tiêng và các dân tộc từ phía Bắc như Thái, Tày, Nùng, Thổ, Dao, H’Mông... Lâm Hà trở thành vùng đặc sắc về các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể trong bảo tồn, giao thoa và tiếp biến. Đấy là chưa kể đến di chỉ khảo cổ tại xã Gia Lâm, một minh chứng sinh động về thời kỳ đồ đá người nguyên thủy đã sống ở nơi đây...
Tiềm năng lớn như vậy, nhưng huyện Lâm Hà chưa chú trọng đúng mức để phát huy phát triển du lịch. Chỉ là sự khai mở một số tour, tuyến, loại hình và điểm đến du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch làng nghề, tham quan và nghỉ dưỡng... Lượng khách tăng trưởng bình quân trên 20%/năm; doanh thu ngành du lịch mới chiếm 2,1% giá trị ngành dịch vụ.
Hiện thực hóa những gam màu tươi sáng
Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định nhiệm vụ trọng tâm là “Khai thác tốt lợi thế có nhiều hồ thủy điện, hồ, thác nước để phát triển các dịch vụ du lịch. Trên cơ sở các sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng tour, tuyến du lịch mà địa phương có lợi thế như: du lịch làng nghề truyền thống, du lịch canh nông..., từ đó định hình sản phẩm chủ lực để phát triển du lịch, dịch vụ của huyện”. Theo đó, “Huy động mọi nguồn lực trong đầu tư, phát triển du lịch của huyện theo hướng chất lượng cao, bền vững; tiếp tục phát triển du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch canh nông, du lịch cộng đồng; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch; phấn đấu trong nhiệm kỳ đón trên 300 nghìn lượt khách, trong đó lượng khác quốc tế chiếm 10%; doanh thu ngành du lịch đạt trên 36 tỷ đồng, chiếm 22% giá trị ngành dịch vụ”.
Ngày 11/8, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lâm Hà Nguyễn Văn Tình chia sẻ với tôi, trong anh, chất chứa niềm vui và cả niềm tin lớn về một hiện thực mới. Đó là Nghị quyết số 08, ngày 26/7/2021, của Huyện ủy về “Thu hút đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Rất cụ thể những con số. Đến năm 2025: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm phấn đấu từ 15 - 20% với tổng lượt khách bình quân 60.000 - 65.000/năm, trong đó khách quốc tế trên 10%; lượt khách lưu trú 7 - 10%; bình quân lưu trú 1,5 ngày. Phấn đấu đến năm 2025, Lâm Hà có 1 đến 2 khách sạn từ 1 đến 2 sao, 50 cơ sở du lịch. Những khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng sẽ được đánh thức để thực sự cất cánh ngành du lịch bằng kêu gọi thu hút đầu tư: thác Voi, hồ Phúc Thọ, thác Liêng ChiNha, hồ Đạ Dâng và hồ thủy điện Đồng Nai 2. Sự phát triển của ngành du lịch theo đó sẽ tạo việc làm mới cho 500 - 700 lao động, trong đó 60% được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Đến năm 2030, Lâm Hà xác định “ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, là động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển theo hướng chất lượng và bền vững”. Bức tranh du lịch sẽ có tốc độ tăng trưởng khách bình quân hàng năm phấn đấu từ 15 - 18%; tổng lượt khách bình quân từ 70.000 - 75.000/năm, trong đó khách quốc tế trên 12%. Khách lưu trú 11 - 15% và lưu trú bình quân 2 ngày. Cũng đến năm 2030, Lâm Hà phấn đấu có 5 - 10 khách sạn 1 đến 2 sao, 70 cơ sở lưu trú du lịch. Dự án Khu Du lịch Sinh thái hồ Đông Thanh được ghi danh thu hút đầu tư. Ngành du lịch Lâm Hà sẽ tạo việc làm cho trên 1.000 lao động, trong đó 70% được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.
Để hiện thực hóa những chỉ tiêu thú vị trên, Huyện ủy Lâm Hà đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp đó là nâng cao nhận thức và định hướng phát triển du lịch; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thu hút doanh nghiệp. Đó còn là, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ; phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời phát triển đồng bộ các lĩnh vực như kinh tế, bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn và phát huy văn hóa. Dĩ nhiên đó còn là phát triển thị trường và nâng cao chất lượng quản trị và phát triển nguồn nhân lực.
Minh Đạo